26/01/2016 18:30 GMT+7

Dài cổ chờ lương, giáo viên bị ngân hàng tới trường đòi nợ

N.TRIỀU - H.TRUNG
N.TRIỀU - H.TRUNG

TTO - "Việc vay tín chấp theo hình thức trừ lương đã ký giữa nhà trường và ngân hàng. Tuy nhiên, đến  gần hết tháng 1-2016, nhà trường chưa trả lương thì giáo viên lấy tiền đâu mà trả?"

Công văn của Phòng GD&ĐT Phú Quốc được dán thông báo đến giáo viên - Ảnh: Hoàng Trung

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-1, một lãnh đạo ngân hàng S. chi nhánh Phú Quốc (Kiên Giang) xác nhận có việc nhân viên ngân hàng đến tận trường học “nhắc nợ” các khách hàng là giáo viên có nợ quá hạn nhưng chưa thanh toán.

Trước đó, cô K. T. H. H. - giáo viên Trường THPT An Thới, thị trấn An Thới - cho biết cô vay tín chấp của Ngân hàng S. chi nhánh Phú Quốc 60 triệu đồng để trang trải việc nhà. Cứ mỗi tháng nhà trường trừ lương và chuyển trả cho ngân hàng. Nhưng do tháng 1-2006, do trường chậm trả lương nên cô H. không có tiền trả cho ngân hàng vào ngày 10 hàng tháng theo hợp đồng, phía ngân hàng điện thoại yêu cầu cô phải đem tiền xuống đóng. Vì lo sợ bị chuyển thành nợ xấu, cô H. phải đi mượn tiền để trả cho ngân hàng.

Cùng trường với cô H., thầy N.D.K. hai lần bị ngân hàng gọi điện yêu cầu đóng tiền gốc và lãi. Vì cả hai vợ chồng đều dạy cùng trường nên không biết mượn đâu, thầy K. đề nghị chờ có lương trả luôn, nếu ngân hàng có phạt quá hạn cũng chịu nhưng không được.

Vào tiết dạy thứ 2, ngày 20-1, khi thầy K. đang ở trong lớp bước xuống văn phòng thì có hai nhân viên của ngân hàng S. chờ sẵn.

Nhân viên Huỳnh Quang Thuy đề nghị thầy K. trả tiền vì đã chậm 10 ngày. Thầy K. xin chờ lương sẽ trả nhưng cả hai nhân viên không đồng ý. Vì có nhiều học trò và giáo viên đi lại khu vực văn phòng, sợ ảnh hưởng đến uy tín trường nên thầy K. phải chạy đi mượn của mấy đồng nghiệp mới đủ tiền trả cho ngân hàng.

“Việc vay tín chấp theo hình thức trừ lương đã ký giữa nhà trường và ngân hàng thì khi nào có lương là giáo viên sẽ trả. Khi nào giáo viên cố tình không trả thì phía ngân hàng mới đến trường "siết nợ" chứ nhà trường chưa trả lương thì giáo viên lấy tiền đâu mà trả” - thầy K. bức xúc.

Lãnh đạo S. Phú Quốc cho hay theo hợp đồng, khách vay phải trả nợ vào ngày 10 hàng tháng. Toàn bộ số liệu đã được nhập vào hệ thống máy tính nên cứ đến hạn là hệ thống máy tính sẽ báo, buộc nhân viên ngân hàng phải đi thu hồi nợ.

Phía ngân hàng cũng rất đau đầu về vấn đề này vì năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 1 là nhiều khách hàng chậm trả nợ do bị chậm lương, làm ảnh hưởng khá lớn đến việc kinh doanh của ngân hàng.

Cũng liên quan việc chậm trả lương giáo viên vào đầu năm ở các trường (Tuổi Trẻ đã phản ánh), ngày 25-1, Phòng Giáo dục vào đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Quốc ban hành công văn gởi đến tất cả các trường trực thuộc trong huyện nhằm trấn an, mong toàn thể giáo viên thông cảm, an tâm công tác.

Theo công văn, hàng năm vào đầu năm tài khóa, Phòng Tài chính kế hoạch huyện phải chuẩn bị nhiều công việc theo Luật Ngân sách để phân bổ kinh phí cho tất cả các đơn vị nên thường có trễ lương vào tháng 1 đầu năm.

Đối với ngành giáo dục có nhiều đơn vị và nhiều khoản dự toán đặc thù cần phải tính toán chính xác trước khi phân bổ để tránh sai sót, ảnh hưởng kinh phí hoạt động của các đơn vị trong suốt năm 2016.

Phòng GD&ĐT huyện cho hay đã trao đổi với Phòng Tài chính kế hoạch và cho biết sẽ tranh thủ cấp lương cho giáo viên trong những ngày gần nhất, đảm bảo trước lịch giáo viên nghỉ phép tết.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT còn đề nghị Ban giám hiệu các trường tạo điều kiện cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tạm ứng trước một phần lương của mình cho giáo viên vượt qua khó khăn trong những ngày trước mắt.

Nhiều giáo viên cho biết đến cuối buổi chiều 26-1 vẫn chưa nhận được lương kỳ tháng 1-2016 (lẽ ra đã phải có từ ngày 5-1).

N.TRIỀU - H.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên