Mức tăng mỗi nơi một khác tùy khu vực, diện tích và các tiện ích đi kèm trong phòng nhưng ít nhiều cũng gây xôn xao, khiến cuộc sống chật vật hơn.
Ghi nhận tại một số khu vực, nhu cầu tìm nhà trọ sau Tết khá nhiều, các chủ trọ cũng gần như đồng loạt thông báo nâng giá. Ngay cả giá nhà trọ dù bình dân cũng đang tăng khá choáng.
Nhiều phòng trống nhưng vẫn tăng giá
Niềm hứng khởi của Khang (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết chợt tắt khi nhận tin nhắn từ chủ trọ gọn lỏn: "Năm mới, mỗi phòng tăng 200.000 đồng nhé cả nhà". Căn trọ Khang đang thuê ở quận Bình Thạnh rộng chừng 15m2 có giá 2,3 triệu đồng/tháng cho hai người.
Khang nói khoản tăng 200.000 đồng với nhiều người chắc không lớn nhưng với một sinh viên xa quê, mồ côi cả bố và mẹ như bạn là điều rất trăn trở. Một mình bạn vừa học vừa làm thêm mới tạm đủ trang trải cho cuộc sống giữa TP. "Mình đã gặp riêng chủ nhà trình bày hoàn cảnh, nói hết lời mong được cảm thông giữ mức cũ nhưng bất thành" - Khang buồn rầu.
Anh Trung Đức (nhân viên kinh doanh, quận Bình Tân) bức xúc vì đầu tháng 3 chủ trọ thông báo tăng 500.000 đồng mỗi phòng. Đủ lý do được chủ nhà đưa ra cho lần tăng giá này. Nào là tăng theo giá thị trường, rồi chi phí lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn trật tự, phòng cháy chữa cháy... Đức khó chịu vì thông báo tăng giá khá đột ngột. Chưa kể còn khá nhiều phòng trống mà chủ vẫn quyết định tăng giá.
"Tôi thấy điều không nhiều chủ nhà trọ nghĩ tới là sự sẻ chia, đồng hành lâu dài. Tầng tôi đang ở có 12 phòng thì tới bảy phòng trống. Tôi cho rằng điều cần là người đang ở tái ký hợp đồng mới để ít nhất số phòng trống không tăng thêm chứ" - Đức nói.
Nhiều bạn sinh viên, người lao động đang thuê trọ tại TP Thủ Đức và các quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú... đều cho biết giá phòng trọ của họ đã rục rịch tăng từ cuối năm 2023. Nếu không tăng giá phòng, nhiều chủ nhà trọ cũng "đẻ" thêm phí vệ sinh, phí an ninh, tiền tu sửa...
Cẩn thận kẻo dính "bẫy"
Để giảm chi phí, nhiều sinh viên thường tìm người ở ghép chung để chia tiền. Dĩ nhiên, chuyện tìm được ai đó hợp để ghép chung cũng là cả vấn đề. Vì phải phù hợp giờ giấc đi về, tính cách may ra mới "hợp gu" để ở cùng.
Vì mong nhẹ gánh tiền trọ, Trần Ngọc Nga (sinh viên năm thứ hai, quận Gò Vấp) tìm đến một nhóm mạng xã hội chuyên đăng tin tìm phòng trọ, bạn ở ghép. Nga nhắn lại muốn tìm một bạn nữ, cùng là sinh viên ở quận Gò Vấp để "share bill" căn phòng trọ 24m2 có gác lửng, đầy đủ tiện nghi hiện thuê giá 3,5 triệu đồng/tháng.
Bài vừa đăng, Nga liền nhận được tin nhắn từ một tài khoản ẩn danh. Người này nói cũng đang là sinh viên, đáp ứng mọi tiêu chí mà Nga đưa ra và đang có nhu cầu tìm phòng ở ghép. Họ yêu cầu Nga gửi ảnh thẻ căn cước, thẻ sinh viên để minh chứng.
Dù nói đang cần nhưng năm lần bảy lượt Nga hẹn gặp để biết mặt, dẫn đi xem phòng nhưng người kia viện đủ lý do bận. Bực quá, Nga nói muốn thì đặt cọc để giữ phòng, người ẩn danh kia cũng liền gửi ảnh phiếu chuyển khoản tiền cọc. Vấn đề là khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, Nga không thấy có khoản tiền nào phát sinh như hình ảnh người kia cung cấp.
Khi được Nga yêu cầu kiểm tra kỹ tài khoản, người kia bắt đầu dọa dẫm rằng nếu không chuyển trả lại 1 triệu tiền đặt cọc như phiếu chuyển thì sẽ lên mạng đăng bài "bóc phốt" Nga lừa đảo.
"Đúng là mình dại quá khi tin người rồi gửi hình ảnh chụp căn cước, thẻ sinh viên, giờ người ta quay sang vu mình lừa đảo chiếm cọc nhưng mình đã nhờ ngân hàng kiểm tra kỹ rồi, làm gì có ai chuyển khoản gì đâu" - Nga phân trần.
Nằm vùng tại các trang chuyên đăng thông tin tìm nhà trọ, cho thuê trọ, tìm việc trên mạng là nhan nhản các bài sinh viên đăng "tố" và cảnh tỉnh nhau về các thủ đoạn lừa đảo tiền cọc trọ khá nhiều. Dù hình thức lừa đảo này không mới, thủ đoạn là thường sử dụng một số tài khoản ẩn danh đăng hình ảnh nhiều dãy nhà, phòng trọ đẹp, rộng rãi và tiện nghi với mức giá rất... hời.
Khi "con mồi" nhắn tin sẽ thường viện lý do bận công việc chưa sắp xếp được thời gian, rồi phòng đang được dọn dẹp lại cùng cam kết "phòng thật như hình" và yêu cầu khách đặt cọc để giữ phòng. Số tiền cọc những người lừa đảo này yêu cầu khá thấp, chỉ 200.000 - 500.000 đồng, để dễ dàng dụ cá cắn câu.
Lưu ý khi thuê trọ
Một vài lưu ý nên biết trước khi tìm và quyết định tự thuê phòng trọ không qua giới thiệu:
• Xác định khu vực ở cần thuận tiện cho việc học tập cũng như nhu cầu đi lại, làm việc của cá nhân.
• Lựa chọn mức giá phù hợp với chi tiêu theo nhu cầu và thu nhập của cá nhân.
• Cần đến tận nơi kiểm tra phòng trọ. Khi đi cần đi cùng một vài người khác nữa, tốt nhất tìm được người có kinh nghiệm thuê trọ đi cùng để đảm bảo xác thực người cho thuê chính là chủ nhà, nên tế nhị hỏi thông tin, xin xem giấy tờ từ phía người cho thuê.
• Chuẩn bị và luôn đặt các câu hỏi xoay quanh chỗ trọ mình muốn thuê.
Luôn hỗ trợ sinh viên có nhu cầu
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) Lê Nguyễn Nam cho biết thông tin giới thiệu nhà trọ cho sinh viên luôn được trung tâm đăng tin xuyên suốt trong năm. Ngoài SAC, các bạn cũng có thể tìm sự hỗ trợ từ các trung tâm, phòng hỗ trợ sinh viên tại các trường để đảm bảo an toàn hơn.
Sau Tết vừa rồi, SAC đã tiếp nhận hơn 1.000 chỗ ở khoảng 300 địa chỉ nhà trọ khác nhau cùng một số chỗ trọ tại hệ thống 15 ký túc xá các trường trên địa bàn TP. Mức giá trung bình dao động từ 2,5 - 4 triệu đồng/phòng mỗi tháng dành cho 2-3 người ở.
Khi sinh viên cần tìm chỗ trọ, các bạn có thể liên hệ với SAC bằng nhiều hình thức như số điện thoại 028.3827.4705, website: www.sac.vn, app nhà trọ: http://app.sac.vn/nhatro hoặc fanpage SAC (Nhà trọ): https://www.facebook.com/sac.nhatro/.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận