18/03/2020 10:27 GMT+7

Nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia trở thành 'ổ phát tán' COVID-19 ra sao?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - "Ở thánh lễ, chúng tôi nắm tay với nhiều người đến từ nhiều quốc gia. Khi tôi gặp mọi người, tôi cũng nắm tay họ. Tôi không biết mình đã bị lây bệnh từ ai", một người Campuchia dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia kể lại.

Nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia trở thành ổ phát tán COVID-19 ra sao? - Ảnh 1.

Hình ảnh được đăng trên Facebook cho thấy cuộc tụ tập tôn giáo được tổ chức ở Malaysia vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 - Ảnh chụp màn hình Free Malaysia Today

"Các tín đồ ngủ trong những chiếc lều nhồi nhét đông người bên ngoài thánh đường có mái vòm bằng vàng này, rồi thức dậy trước bình minh và quỳ trên các tấm thảm cầu nguyện được trải dọc ở tòa trung tâm. Trong lúc đó, con virus corona chủng mới đang âm thầm lây lan giữa những vị khách...", Hãng tin Reuters viết.

Đó là một phần của những gì đã diễn ra vào cuối tháng trước tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling có quy mô lớn ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Nơi đây được xem là một "ổ phát tán" COVID-19 ở Malaysia, với hàng trăm ca nhiễm mới, trong đó nhiều ca đang di chuyển ra khắp khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể kể từ ngày 27-2 tới 1-3, khoảng 16.000 tín đồ đã dự sự kiện Ijtima Tabligh, một cuộc tụ tập tôn giáo tại nhà thờ Sri Petaling. Trong đó có khoảng 1.500 người nước ngoài đến từ Canada, Ấn Độ, Úc, Nigeria, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Việt Nam...

Hãng tin Reuters ngày 18-3 đã có bài viết làm rõ câu chuyện liên quan nhà thờ này. Reuters đã dựa vào lời kể của 6 người tham dự cùng các hình ảnh, bài đăng trên mạng xã hội... để cho thấy dịch đã lây lan tại đây ra sao.

Đến nay khoảng 2/3 trong số 673 ca bệnh COVID-19 ở Malaysia có liên quan tới sự kiện kéo dài 4 ngày trên. Hiện không rõ ai là người đã mang con virus corona chủng mới tới sự kiện này đầu tiên. Một người đàn ông Malaysia 34 tuổi từng dự sự kiện này đã tử vong hôm 17-3. 

Tại sự kiện đông nghẹt người này, các tín đồ phải sử dụng xe buýt để đi tới các địa điểm khác ngủ. Các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm tín đồ cầu nguyện khi ngồi sát nhau trong nhà thờ. Một số người còn chụp ảnh tự sướng khi họ chia nhau thức ăn.

"Chúng tôi đã ngồi sát nhau", một người đàn ông Campuchia 30 tuổi kể lại. Người này đã dương tính với virus corona chủng mới và đang được chữa trị tại một bệnh viện ở tỉnh Battambang của Campuchia.

Người này cho biết: "Ở thánh lễ, chúng tôi nắm tay với nhiều người đến từ nhiều quốc gia. Khi tôi gặp mọi người, tôi cũng nắm tay họ và điều đó là bình thường. Tôi không biết mình đã bị lây bệnh từ ai".

Có hai tín đồ khác cho biết các nhà tổ chức sự kiện đã không nói gì về chuyện rửa tay, về dịch COVID-19 hay các biện pháp phòng ngừa trong sự kiện. Tuy nhiên, hầu hết người tham dự rửa tay thường xuyên vì đây là một phần trong nghi lễ Hồi giáo của họ.

Một khách tham dự khác từ Campuchia cho biết các tín đồ từ nhiều nước ăn chung đĩa với nhau.

“Sự kiện Tablighi ở Kuala Lumpur cũng có thể gây ra đợt bùng phát trong khu vực và việc nhà chức trách cho phép tổ chức sự kiện này là hành động vô trách nhiệm”, nhà ngoại giao Bilahari Kausikan ở Singapore viết trên tài khoản Facebook của ông.

Nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia trở thành ổ phát tán COVID-19 ra sao? - Ảnh 2.

Một người đàn ông bước ra từ nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling ở Kuala Lumpur, Malaysia đầu tuần này - Ảnh: AP

Vào thời điểm diễn ra sự kiện Tablighi, Malaysia đang có những thay đổi chính trị. Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad, 94 tuổi, từ chức rồi lại được bổ nhiệm lại ngay. Ngày 1-3, tân Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên thệ nhậm chức và đến ngày 13-3, ông mới ra lệnh cấm tụ tập đông người.

Trước đó, chỉ có một lời khuyên duy nhất từ Bộ Y tế nước này về việc giảm thiểu tiếp xúc nơi công cộng. 

Một số người tham dự thánh lễ trên bào chữa rằng vào ngày 28-2 (tức ngày bắt đầu sự kiện), số ca nhiễm được xác nhận ở Malaysia là 25 ca và tình hình vẫn chưa nghiêm trọng.

"Lúc đó, chúng tôi không lo lắng vì tình hình dịch COVID-19 dường như đang trong tầm kiểm soát", Khuzaifah Kamazlan, một người giảng dạy tôn giáo 34 tuổi ở Kuala Lumpur, nói với Reuters. Người này cũng tham dự sự kiện trên, nhưng được xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới.

Khuzaifah cho biết một số tín đồ từng tham dự sự kiện trên đã từ chối xét nghiệm và họ muốn dựa vào Thượng đế để bảo vệ mình.

Trong khi đó, Karim, một người Malaysia 44 tuổi, cho rằng chính quyền lẽ ra nên hủy sự kiện. Người này từng dự thánh lễ của nhà thờ Hồi giáo trên và sau đó được xác nhận dương tính khi xét nghiệm COVID-19.

"Chúng tôi hơi thất vọng khi bị đổ hết lỗi về sự bùng phát dịch. Cách nhìn đó là không công bằng. Lúc đó không có lệnh cấm chúng tôi tụ tập. Giờ thì tôi lo lắng vì tôi đã dương tính với virus. Hãy cầu nguyện cho tôi!", Karim chia sẻ.

Đây không phải là sự kiện tôn giáo đầu tiên dẫn tới việc COVID-19 lây lan trên diện rộng. Tại Hàn Quốc, hàng ngàn ca bệnh COVID-19 có liên quan tới các sự kiện của nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, buộc chính quyền xét nghiệm toàn bộ tín đồ giáo phái.

TP.HCM thông báo khẩn tìm những người từng dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia TP.HCM thông báo khẩn tìm những người từng dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia

TTO - Trưa 17-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM gửi thông báo khẩn cấp đối với những trường hợp từng tham dự một sự kiện tôn giáo tại Kuala Lumpur (Malaysia) đi khai báo y tế.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên