Đại biểu Bình cho rằng hiện tại những cái vướng và điểm khó của dự án trung tâm thể dục thể thao (nhà thi đấu) Phan Đình Phùng có cả việc do sự chủ quan của TP trong việc xác định những vị trí để thanh toán cho nhà đầu tư.
Trong quá trình ban đi khảo sát các thiết chế văn hóa ở cơ sở, ông “thực sự rất buồn” bởi các dự án, công trình về lĩnh vực văn hóa thể thao của TP đang xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được quan tâm ưu tiên đầu tư cải tạo. Cùng với đó là nhiều dự án về lĩnh vực này nằm “đắp chiếu” nhiều năm liền.
Dẫn chứng từ thực tế dự án trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, dù nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền và ngay trung tâm TP nhưng hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành.
“Đây là một trong những dự án được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện đầu tư hợp tác công tư không cần phải áp dụng đến nghị quyết 98. Nhưng hiện tại những cái vướng và điểm khó của dự án do sự chủ quan của TP trong việc xác định những vị trí để thanh toán cho nhà đầu tư”, ông Bình nói và kiến nghị TP phải tập trung quan tâm.
Về một số lưu ý trong quá trình giám sát công tác đầu tư công, lãnh đạo Ban văn hóa xã hội cho rằng TP cần quan tâm rà soát thật kỹ và chặt chẽ các dự án đầu tư công. Những dự án nào không đảm bảo khả năng thực hiện, phải xem xét, tính toán có tiếp tục thực hiện hay không.
Nếu tiếp tục phải có những giải pháp căn cơ. Và nếu không đảm bảo cũng phải mạnh dạn đề nghị tạm ngừng để tính toán ưu tiên nguồn vốn.
Bởi theo ông Bình, qua thực tế cho thấy giai đoạn chuyển tiếp đầu tư công từ 2016 - 2021 đến giai đoạn 2021 - 2026, TP có đến 583 dự án với tổng mức đầu tư trên 91.000 tỉ đồng. Dù đã bố trí vốn 322 tỉ và giải ngân trên 200 tỉ, nhưng các dự án phải tạm ngưng không đưa vào tiếp tục thực hiện.
Hiện các dự án này đang chờ nguồn vốn từ cơ chế chính sách trong nghị quyết 98 vừa được Quốc hội ban hành để tiếp tục xem xét bổ sung.
“Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải thật sự tập trung và phải thực hiện quyết liệt. Những dự án vướng về pháp lý hay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hay một số thủ tục khác… chúng ta không nên đưa vào. Còn nếu giải quyết được thì các địa phương sở ngành phải cam kết chịu trách nhiệm”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Không chỉ khó khăn về pháp lý, ông Bình còn nêu tình trạng một số dự án hiện nay dù đã thực hiện nhưng không thể đưa vào nghiệm thu bởi lẽ vướng nhiều yếu tố từ phía nhà thầu, chủ đầu tư như không duy tu bảo dưỡng gây ra lãng phí rất lớn cho ngân sách. Và những dự án treo lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Do đó với những nhà đầu tư không đủ năng lực, TP cũng cần xem xét.
Đội vốn gấp đôi sau hơn 10 năm "đắp chiếu"
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3-2010. Đây là một trong số ít các dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019.
Dự án này có mức đầu tư được công bố là 988 tỉ đồng. Đến 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỉ đồng và UBND TP.HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Mãi đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án lên tới hơn 1.953 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu. TP tiếp tục xin bổ sung khu đất 3ha ở khu trường đua Phú Thọ để thanh toán hợp đồng.
Hiện tại, các khu đất được đề xuất để thanh toán hợp đồng BT cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng là khu đất ở đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Văn Đạt nói trên, khu đất 181 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và khu đất số 72/2B đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức).
Tuy nhiên, ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo đã được Thủ tướng phê duyệt để thanh toán cho dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, các khu đất còn lại đều cần phải có ý kiến của Ban chỉ đạo 167 về sắp xếp lại nhà, đất công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận