07/10/2018 10:39 GMT+7

Nhà thầu “chây ì”: xử lý sao?

TUẤN PHÙNG - TIẾN LONG thực hiện
TUẤN PHÙNG - TIẾN LONG thực hiện

TTO - Liên quan việc "chây ì" sửa chữa vết nứt dầm cầu Vàm Cống (Đồng Tháp), đại diện chủ đầu tư đã kiến nghị Bộ GTVT "cấm cửa" nhà thầu chính và phụ đang thực hiện dự án này tham gia các dự án của bộ quản lý sau khi kết thúc việc sửa chữa.

Nhà thầu “chây ì”: xử lý sao? - Ảnh 1.

Cầu Vàm Cống - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đồng thời, chủ đầu tư thúc đẩy nhà thầu xúc tiến nhanh để dự án đi vào hoạt động.

Thực tế không chỉ cầu Vàm Cống, tình trạng nhà thầu "chây ì" thi công, sửa chữa ở các dự án đầu tư xây dựng xảy ra tại nhiều dự án. 

Không chỉ làm chậm tiến độ, việc nhà thầu chậm trễ còn làm đội vốn thực hiện, gây thiệt hại cho ngân sách, gây phiền toái cho người dân. Tuổi Trẻ trao đổi ý kiến với các chuyên gia về giải pháp hạn chế tình trạng phổ biến này.

* Ông Lê Văn Thịnh (nguyên trưởng phòng giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng):

Xử phạt

Tất cả biện pháp đôn đốc về tiến độ cầu Vàm Cống đều phải căn cứ vào hợp đồng, nếu không đảm bảo được tiến độ thì căn cứ điều khoản hợp đồng đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà thầu để xử lý. Đầu tiên là xử phạt về tiến độ với mức phạt được quy định là không vượt quá 12% phần gây ra thiệt hại. 

Thứ hai là vấn đề bồi thường do lỗi của nhà thầu gây ra phải căn cứ vào điều khoản hợp đồng. Ngoài xử phạt và bồi thường, Bộ GTVT có thể không cho nhà thầu tham gia các gói thầu tương tự tại Việt Nam trong thời hạn nhất định.

Việc xử lý tiến độ cũng quan trọng, nhưng theo tôi việc sửa chữa để công trình đạt chất lượng, tuổi thọ như đã nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi còn quan trọng hơn. 

Sự cố đã làm chậm tiến độ dự án, nhưng người dân quan tâm hơn là giải pháp sửa chữa thế nào, đảm bảo chắc chắn và chất lượng bền vững không. Vì vậy, ngoài tiến độ phải sửa chữa triệt để sự cố cầu Vàm Cống, tránh "dục tốc bất đạt".

* PGS.TS Trần Chủng (nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng):

Có thể đưa ra tòa

Với việc khắc phục sự cố cầu Vàm Cống, quan trọng nhất là nhà thầu phải tuân thủ theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Nếu để xảy ra sự cố, hư hỏng, nhà thầu phải khắc phục, bồi thường thiệt hại, đảm bảo chất lượng công trình.

Trường hợp nhà thầu chậm trễ trong việc khắc phục, ngoài việc kêu gọi, đốc thúc nhà thầu thực hiện việc sửa chữa cầu Vàm Cống đúng tiến độ, Bộ GTVT với vai trò chủ đầu tư có thể căn cứ vào hợp đồng kinh tế để đưa ra trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp. 

Trường hợp trọng tài kinh tế giải quyết không được thì đưa ra tòa án giải quyết.

* TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Cần thanh tra chỉ rõ trách nhiệm

Nhìn nhận từ quan điểm thị trường, việc lựa chọn nhà thầu công trình xây dựng, người mua (chủ đầu tư) là mua năng lực, chứ không phải mua tài sản của nhà thầu. Để mua năng lực tốt nhất cần phải tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu đủ năng lực kỹ thuật và tài chính. 

Chính vì vậy, liên quan đến hàng loạt dự án chậm trễ thi công ở các tỉnh, cần phải xem xét rõ việc lựa chọn nhà thầu dự án có tổ chức đấu thầu hay chỉ "móc ngoặc" để chỉ định nhà thầu.

Mặt khác, nếu dự án có tổ chức đấu thầu cũng cần phải xem lại quy trình thẩm định năng lực, tiêu chí tuyển chọn nhà thầu thế nào, có gì bất cập dẫn đến việc tuyển phải một nhà thầu không đủ năng lực. Chậm trễ chỉ là hậu quả, việc cấm cửa nhà thầu "chây ì" là đúng nhưng chưa đủ. 

Cơ quan quản lý cần phải thanh tra các dự án chậm trễ để xem xét, tìm đúng nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Liệu có khả năng có móc ngoặc hoặc trường hợp nhà thầu không đủ năng lực nhưng "bôi trơn" người chấm thầu để được nhận? Khi tìm đúng nguyên nhân và quy rõ trách nhiệm như vậy mới đảm bảo việc thực hiện đúng quy trình đấu thầu và chọn đúng nhà thầu có năng lực, uy tín.

* Luật sư Trương Trọng Nghĩa (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Xác minh mức độ hư hỏng và trách nhiệm

Để xử lý nhà thầu chậm trễ trong tiến độ thi công dự án, cần chú ý ba điểm chính. Thứ nhất, những hợp đồng thầu xây dựng là những hợp đồng phức tạp, nhưng do soạn thảo không kỹ lưỡng, quá trình thực hiện dễ xảy ra tranh chấp. Thứ hai, một nhược điểm của người xét thầu ở Việt Nam là dựa quá nhiều vào giá. 

Có những đơn vị khi tham gia đấu thầu cố tình hạ giá để trúng thầu, nhưng sau đó lại tăng lên. Cuối cùng, đấu thầu các dự án đầu tư chia ra làm nhiều giai đoạn, không loại trừ việc chủ đầu tư, cán bộ cơ quan nhà nước bị nhà thầu mua chuộc.

Riêng cầu Vàm Cống, việc cấm nhà thầu thực hiện dự án này không được tham gia dự án khác là chuyện sau này. Vấn đề hiện nay, cơ quan chức năng lập tức phải điều tra, xác minh kết luận mức độ hư hỏng, trách nhiệm thuộc về ai. 

Nếu nguyên nhân từ nhà thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục, chịu mọi chi phí. Nếu tất cả các khâu của mình liêm khiết thì không việc gì không đấu tranh, yêu cầu nhà thầu thực hiện quyền lợi.

* Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội):

Trách nhiệm từ khâu thẩm định hồ sơ đấu thầu

Hiện nay luật quy định khá chi tiết, rõ ràng quy trình lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng thực hiện dự án... nhưng tại một số dự án, quá trình thực hiện đấu thầu có nhiều vấn đề không minh bạch dẫn đến việc chọn nhà thầu không đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án. 

Mặc dù trên hồ sơ tham gia đấu thầu các điều kiện có vẻ đủ nhưng nhiều khi chỉ đối phó, thực tế năng lực kém. Ở đây không loại trừ vấn đề móc ngoặc giữa nhà thầu và các bên liên quan để được trúng thầu.

Do vậy, nếu cơ quan nhà nước, chủ đầu tư có trách nhiệm, làm tốt, khách quan từ khâu thẩm định hồ sơ đấu thầu sẽ loại bỏ được những nhà thầu kém năng lực. Quá trình đấu thầu cần được công khai, minh bạch để có sự tham gia của nhiều đơn vị.

* Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật:

Ảnh hưởng dự án kết nối ĐBSCL

Do sự cố nứt dầm thép nên đến nay dự án cầu Vàm Cống chưa thể đưa vào khai thác làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác chung của toàn dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên bức xúc trong dư luận của người dân do phải đi qua phà Vàm Cống bị kẹt xe, đặc biệt là trong các dịp lễ.

Theo quy định của hợp đồng, sự cố nút dầm xảy ra trong thời gian thi công, nhà thầu phải có trách nhiệm về chất lượng công trình và phải thực hiện ngay các công tác xử lý, khắc phục đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.

Mặt khác, để đảm bảo uy tín của nhà thầu GS Engineering & Construction tại Việt Nam cũng như uy tín của các dự án sử dụng nguồn vốn từ Chính phủ Hàn Quốc, Bộ GTVT đã yêu cầu tổng giám đốc Tập đoàn GS Engineering & Construction khẩn trương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác sửa chữa dầm ngang CB6 cầu Vàm Cống để đảm bảo tiến độ hoàn thành như đã cam kết vào tháng 12-2018 và đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.

Ngoài việc làm việc với đại diện nhà thầu tại Việt Nam, bộ đã có văn bản đề nghị tổng giám đốc GS đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cầu Vàm Cống. Còn lại, mọi việc đều phải tuân thủ các điều khoản của hợp đồng đã ký kết.

Vào ngày 14-11-2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29 của cầu Vàm Cống (phía Cần Thơ) bị nứt.

Sự cố cũng khiến dầm ngang trên đỉnh trụ P28 đối xứng phía Đồng Tháp bị rạn nứt.

Theo tiến độ thi công do nhà thầu lập, việc sửa chữa dầm cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành trong tháng 12-2018, hoàn thành toàn bộ cầu trong tháng 2-2019.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ chế tạo dầm thép thay thế dầm cầu Vàm Cống bị hỏng đã chậm 40 ngày.

Nhà thầu GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) vẫn chưa đặt hàng một số loại vật liệu liên quan, thợ hàn Hàn Quốc và các đơn vị thí nghiệm chưa được huy động.

Sửa chữa nứt dầm cầu Vàm Cống cuối năm nay mới xong Sửa chữa nứt dầm cầu Vàm Cống cuối năm nay mới xong

TTO - Ông Lê Kim Thành, cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), nêu các giải pháp xử lý sự cố nứt dầm ngang trên trụ neo cầu dây văng Vàm Cống (nối Cần Thơ và Đồng Tháp).

TUẤN PHÙNG - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên