27/03/2010 06:40 GMT+7

Nhà sử học không phải là trọng tài!

NGA LINH ghi
NGA LINH ghi

TT - Ý kiến của PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế, chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ÐH KHXH&NV (Hà Nội), thành viên ban giám khảo cuộc thi sáng tác kịch bản phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (2002-2004).

YhNjmAqi.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Long Thành cầm giả ca - Ảnh đoàn làm phim cung cấp

Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo Kỳ 2: Vì sao “đẻ” khó? Kỳ 3: Hướng đi mở cho một dòng phim Kỳ cuối: Tập làm người đại lượng

Các nhà báo thường hỏi tôi "các nhà làm phim cần hết sức lưu tâm đến những điều gì khi theo đuổi dòng phim lịch sử?". Cuộc sống hẳn không cho phép ai lên giọng kẻ cả và độc quyền ban phát những lời, những kiểu "chỉ tay" kiểu trọng tài! Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa chỉ là nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa thôi. Ai lại bắt nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa làm trọng tài cho các nhà viết tiểu thuyết lịch sử hay làm phim truyện lịch sử bao giờ!

Ðã phim là phim, là cuộc sống con người được nhìn nhận, xử lý theo cách của phim. Mà lịch sử là lịch sử! Hai điều đó không phải đồng nhất, không là một.

Tôi có xem một vài phim truyện lịch sử của VN như Ðêm hội Long Trì của đạo diễn Hải Ninh, rồi Hoàng Lê nhất thống chí trên truyền hình của đạo diễn Trọng Liên. Sau phim đó, những ý kiến khen chê đều dựa trên kiểu: Có "sát" với tư liệu lịch sử không? Có "đúng" tinh thần của thời đại đó không? Làm phim có cẩn trọng không?...

Nhưng đây là phim chứ đâu phải là lịch sử của thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh cuối thế kỷ 18!

Tất nhiên khi đã có cái gọi là phim truyện lịch sử, chí ít giữa phim truyện lịch sử và lịch sử cũng có một phần chung, tương tự hai vòng tròn không đồng tâm có điểm giao nhau vậy, dù phần giao nhau ấy lớn hay bé phụ thuộc rất nhiều điều.

Lịch sử (sự kiện, nhân vật, thời điểm...) là cụ thể, chính xác, khách quan, là cái đã qua, cái một đi không trở lại. Không có lẽ, không có nếu như với lịch sử.

Còn điện ảnh, nghệ thuật - cũng như văn hóa nói chung lại không ngừng vận động, biến đổi. Về mặt này, phim về quá khứ hay về tương lai cũng giống nhau ở điểm góp phần khám phá bất tận về cả hai chiều quá khứ và tương lai. Cả hai đều có điểm chung là xuất phát từ nhu cầu, hiểu biết, vận động, phát triển bền vững của cuộc sống hôm nay của cộng đồng. Bắt đầu sự hấp dẫn mãnh liệt của sự tìm tòi là ở chỗ ấy.

Muốn có phim truyện lịch sử hay thì liên quan chí ít đến hai phần:

- Phần giao nhau giữa phim và lịch sử phải cố gắng đảm bảo chính xác, khách quan (tuy nhiên thật là khó khăn vì tư liệu, lưu trữ nói chung của VN về lịch sử - từ thời cổ đại, trung đại, đến cận - hiện đại vốn đã thiếu, yếu lại chưa được khai thác thấu đáo).

- Phần không giao nhau của điện ảnh với lịch sử phụ thuộc công nghệ làm phim (từ tầm vóc, nhân cách, tài năng, phẩm cách, bản lĩnh của hệ thống có liên quan đến điện ảnh). Ðó cũng chính là khoảng trời bao la cho những nhà làm phim (từ đạo diễn đến diễn viên..) thỏa sức sáng tạo trên nền tảng tài năng, nhân cách của mình. (Oái oăm thay tài năng... trong cuộc sống này, trước sau, sớm muộn lại phụ thuộc sự thừa nhận của cộng đồng xã hội, tức là ngoài bản thân, ngoài chủ quan của mình!).

Chỉ còn hơn 200 ngày nữa đến tuần đại lễ kỷ niệm! Nếu lấy đó làm đích thời gian để có phim về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội mà bây giờ vẫn bàn chuyện làm phim nào thì thành thật mà nói... thấy bất nhẫn, vô trách nhiệm và không tưởng quá. Vấn đề bây giờ không phải là cần làm ngay nữa. Phim ảnh chứ đâu phải chuyện quét một lớp sơn vào bờ tường, trồng một vụ khoai tây, vụ rau đông xuân ngắn ngày để cứu đói giáp hạt, giáp vụ... Nếu đã không kịp, không chuẩn bị, không đầu tư từ trước thì thôi! Kẻo lại lãng phí tiền của của nhân dân, ép non thì sượng lắm!

Nhưng vẫn mãi còn đó mọi đề tài, mọi sự kiện nhân vật... mọi khía cạnh của lịch sử văn hóa ngàn năm Thăng Long - Hà Nội - VN vẫy gọi mời nhà làm điện ảnh sáng tạo, thể hiện. Giống như mùa thu Nga, hay Sa Pa - thành phố trong sương vậy. Cảnh đấy, trời thu đấy, bạch dương đấy, hay núi đây, sương đó... chỉ chờ những tài năng, tấm lòng Levitan, Võ An Ninh thôi là thành kiệt tác.

NGA LINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên