14/02/2023 08:26 GMT+7

Nhà phân phối xăng dầu lo bị chèn ép

Các thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng việc siết quyền được lấy hàng từ nhiều nguồn và chỉ giới hạn trong ba đầu mối là bất cập, nguy cơ tiếp tục đứt hàng và cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Tài xế xe công nghệ đổ xăng tại cây xăng Petrolimex (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 13-2 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tài xế xe công nghệ đổ xăng tại cây xăng Petrolimex (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 13-2 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Chiều 13-2, trước thềm cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu do VCCI tổ chức (ngày 14-2), gần 50 thương nhân phân phối xăng dầu cả nước đã có buổi họp bàn các giải pháp, kiến nghị về sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Một trong những nội dung sửa đổi của nghị định là quyền được mua hàng của các thương nhân phân phối, theo dự thảo là chỉ giới hạn trong ba thương nhân đầu mối.

Ông Hoàng Trung Dũng, CEO Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ ba đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật cạnh tranh.

"Mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm. Anh không thể cấm tôi mua chỉ ba ông, trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi hiện nay chỉ có 33 đầu mối. Sửa đổi như vậy thì coi như không sửa, trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu", ông Dũng nêu.

Công ty TNHH đầu tư và phát triển xuất nhập khẩu Toàn Thắng cũng cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới việc tạo nguồn cung, chưa đảm bảo sự cạnh tranh.

"Nếu các đầu mối này bị cơ quan quản lý xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp do bị đứt nguồn", đơn vị này bày tỏ lo ngại.

Theo Công ty TNHH Petro-SG, với việc chỉ được lấy hàng từ ba đầu mối, mức chiết khấu sẽ bị thương nhân đầu mối áp đặt, ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.

Công ty BK Petro cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ ba nguồn là đi ngược lại chủ trương chống độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh.

Do đó, các doanh nghiệp phân phối kiến nghị cần giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, giữ thời gian điều chỉnh giá là 15 ngày. Kéo dài thời gian sửa đổi bổ sung nghị định, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn...

Bất ngờ với giá xăng tăng

Trái với dự báo trước đó về việc giá xăng sẽ giảm trong phiên điều hành ngày 13-2 do giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong chu kỳ 10 ngày qua, thông tin từ liên bộ Công Thương - Tài chính công bố chiều 13-2 cho hay giá xăng tăng từ 540 - 620 đồng/lít.

Theo tính toán của cơ quan điều hành, chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ này với giá cơ sở kỳ trước liền kề với mặt hàng xăng cũng thấp hơn khoảng hơn 300 đồng/lít.

Mặc dù nhà điều hành đã dừng trích lập và dừng chi sử dụng quỹ bình ổn với mặt hàng xăng, chỉ tăng trích lập với dầu diesel là 600 đồng/lít nhưng giá xăng vẫn được điều chỉnh tăng.

Từ 15h30 ngày 13-2: Xăng tăng, dầu giảm giá đồng loạtTừ 15h30 ngày 13-2: Xăng tăng, dầu giảm giá đồng loạt

Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá dầu đồng loạt được điều chỉnh kể từ phiên điều hành vào 15h30 ngày 13-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên