06/07/2018 11:08 GMT+7

Nhà nước vẫn độc quyền, đường sắt sẽ tự rơi vào khủng hoảng

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Nếu năm 2010 có 11,2 triệu khách đi tàu hỏa thì đến năm 2017 con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt. Đường sắt vẫn là độc quyền nhà nước nên không có cạnh tranh và rất có thể sẽ tự rơi vào khủng hoảng.

Nhà nước vẫn độc quyền, đường sắt sẽ tự rơi vào khủng hoảng - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Luyến (Viện CIEM) cho rằng cần sớm thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt - Ảnh: TL

Đó là những nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 6-7 tại Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh rằng không có cơ quan đủ quyền lực giám sát độc quyền thì rất khó giảm độc quyền kinh doanh nhà nước dù Luật Cạnh tranh có đề cập đến.

Chẳng hạn, ông Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện CIEM, khẳng định ngành đường sắt đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh và thị phần đang ngày một giảm.

Trình bày báo cáo nghiên cứu Cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện CIEM) cho biết với vị thế độc quyền, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm.

Bà Luyến cho rằng dù đường sắt vẫn được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhưng hạ tầng đường sắt những năm qua khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối.

Vì vậy, thị phần vận tải đường sắt giai đoạn 2010 - 2017 "giảm trông thấy" khi vận tải hành khách ngành đường sắt giảm từ 0,48% - 0,23% thị phần vận tải hành khách.

Tương tự thị phần vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng giảm từ 0,97% - 0,39% thị phần vận tải hàng hóa.

Cụ thể, bà Luyến cho biết số lượng hành khách sử dụng tàu hỏa từ 11,2 triệu hành khách (năm 2010) giảm xuống còn 9,5 triệu hành khách (năm 2017). Hàng hóa vận tải của ngành đường sắt trong cùng giai đoạn này cũng giảm từ 7,8 triệu tấn xuống 5,55 triệu tấn.

Mạng lưới đường sắt hiện có tổng chiều dài 3.143km, trong đó 2.531 km tuyến chính, 612km đường ga và đường nhánh. Đường sắt Việt Nam có 3 loại khổ đường, khổ 1 mét chiếm 85%, khổi 1,435 mét chiếm 6%, và khổ đường lồng chiếm 9%.

Hiện mạng lưới có 7 tuyến chính ở nội địa và 2 tuyến đường sắt quốc tế nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai.

Hạ tầng đường sắt hiện tại có 259 ga đường sắt, 296 đầu máy, và 5.957 toa xe các loại, trong đó 1.010 toa xe khách, 4.947 toa xe hàng có thời gian sử dụng đã lâu.

Điểm nổi bật của hạ tầng ngành đường sắt những năm qua là đầu tư nhỏ giọt, và tất cả các hạng mục như đầu máy, toa xe, khổ đường đều lạc hậu nhiều chục năm.

TS Nguyễn Thị Luyến kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện tách bạch rõ ràng giữa hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định ngành đường sắt "không đáng để có vị trí như bây giờ"

The bà Lan, ở các quốc gia khác đường sắt có ưu thế rất lớn, "còn ở ta lâu nay phát triển đường sắt bỏ quên nó phải kết nối với đường bộ, và cảng biển, vì vậy đường sắt không thể phát huy lợi thế vận tải vốn có".

TP.HCM đề xuất đẩy nhanh đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ TP.HCM đề xuất đẩy nhanh đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

TTO - UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm sớm thực hiện đầu tư phát triển các tuyến đường sắt Quốc gia liên quan đến địa bàn TP và tuyến đường sắt đô thị TP.HCM theo qui hoạch đã được Chính phủ duyệt.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên