08/11/2014 15:36 GMT+7

​Nhà nổi giữa biển giúp lính đảo tăng gia

PHAN DƯƠNG
PHAN DƯƠNG

TT - Sau ba tháng nghiên cứu chế tạo, nhóm sinh viên TP.HCM  hoàn thành giai đoạn đầu công trình “Môđun hậu cần nổi nâng cao chất lượng đời sống của chiến sĩ đảo xa”.

Nhóm sinh viên kiểm tra mô hình mẫu 1/5 của công trình nghiên cứu “Môđun hậu cần nổi nâng cao chất lượng đời sống của chiến sĩ đảo xa” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM chiều 7-11 - Ảnh: Quang Định

Công trình do Thành đoàn TP.HCM “đặt hàng” nhóm sinh viên nhiều trường đại học tại TP.HCM nghiên cứu, là một trong 40 đề tài, công trình nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu niên cả nước được triển lãm tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 7-2014 đang diễn ra tại TP.HCM.

Dành tặng chiến sĩ Trường Sa

Theo anh Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), sau chuyến ra thăm Trường Sa trở về, mọi người rất băn khoăn việc tăng gia sản xuất trồng rau, chăn nuôi của quân dân trên đảo.

Những ngày sóng to gió lớn, các vườn rau phải được che kín bằng đủ các loại phông bạt hoặc đem hẳn vào nhà để tránh nước biển xâm nhập.

Nhớ lại nhóm sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã từng nghiên cứu thành công mô hình nhà nổi chống lụt, nên anh Thành đã liên hệ “đặt hàng” nhóm sinh viên này.

Với sự hỗ trợ của hai nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM và ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, công trình “Môđun hậu cần nổi nâng cao chất lượng đời sống của chiến sĩ đảo xa” dành tặng chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đã được hoàn thành.

Nhóm sinh viên gồm chín bạn với nhiều chuyên ngành khác nhau của ba trường đại học: khoa điện - điện tử ĐH Bách khoa, khoa xây dựng ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng... “Cả nhóm chưa ai có dịp ra Trường Sa nên rất muốn dùng kiến thức, sự sáng tạo của tuổi trẻ để làm được gì đó giúp đỡ các chiến sĩ đang công tác ở đảo xa” - bạn Quang Vinh cho biết.

Từ “nhà nổi thông minh chống lũ”

Trưởng nhóm Quang Vinh chia sẻ thêm việc xây dựng ý tưởng cho công trình dựa vào đề tài mô hình “Nhà nổi thông minh chống lũ” của nhóm đã nghiên cứu từ trước.

Tuy nhiên, với đặc thù ở đảo gặp nhiều khó khăn về sóng to, gió lớn nên nhóm phải nghiên cứu rất nhiều để tạo ra mô hình có kết cấu tháo lắp, đầy đủ trang thiết bị phù hợp, đủ sức bền trong môi trường thời tiết khắc nghiệt.

Khác với mô hình nhà nổi thông minh, lần này mô hình có kết cấu như một búp sen giữa biển, sử dụng hệ thống phao nổi, có thể di chuyển như chiếc thuyền trên mặt biển. Mô hình cũng đủ rộng, vững chắc và phù hợp để có thể chăn nuôi và trồng rau xanh kết hợp hệ thống lọc nước biển.

Phần quan trọng nhất của môđun là hệ thống nhà giàn dài 6m, chia làm hai khu vực trồng rau và chăn nuôi, toàn bộ làm bằng inox không gỉ.

Trên mái vòm lắp đặt bộ phận chưng nước cất, tận dụng ánh sáng mặt trời qua các hệ thống tăng cường nhiệt độ để bay hơi ngưng tụ, lọc nước biển thành nước ngọt dùng để tưới cây.

Hỗ trợ cho bộ phận này còn có các cánh cửa có thể bung mở, hứng ánh sáng rọi vào, hứng nước mưa dẫn xuống các khe rãnh để đưa vào các thùng chứa, với khối lượng tối đa lên đến 2 tấn nước. Lượng nước thu được sẽ sử dụng để tưới rau, thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Tổng giá thành sản xuất của môđun khoảng 300 triệu đồng. Quang Vinh cho biết thêm trong quá trình hoàn thành mô hình để báo cáo với Thành đoàn và triển lãm tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần này, nhóm phải thường xuyên thay đổi, sửa chữa, cải tiến rất nhiều môđun từ thiết kế kết cấu, vận hành...

Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu các điều kiện thời tiết, đặc điểm mùa bão, khí hậu ở đảo để vận dụng, thiết kế mô hình tốt hơn với thực tế và có thể giảm giá thành sản phẩm.

Ngày hội sáng tạo khoa học cho giới trẻ

Sáng nay 8-11, Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 7 và Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM lần thứ 5-2014 do Trung ương Đoàn phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức, khai mạc tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (Q.1) với rất nhiều hoạt động sáng tạo.

Tại khu vực sân 4A, hàng trăm mô hình, sản phẩm, đề tài, công trình nghiên cứu, ý tưởng, giải pháp kỹ thuật... về sáng tạo, khoa học công nghệ của bạn trẻ khắp cả nước được triển lãm, giới thiệu đến bạn trẻ TP.HCM.

Dịp này, tại Nhà văn hóa Thanh niên cũng tổ chức các sân chơi giao lưu khoa học cho thanh thiếu nhi thành phố; tọa đàm “Khởi nghiệp với ý tưởng sáng tạo”; tuyên dương 40 đề tài nghiên cứu sáng tạo trẻ, giao lưu và trao bảo trợ cho các tài năng trẻ toàn quốc; ngày hội sinh viên sáng tạo, liên hoan câu lạc bộ đội nhóm các trường THPT...

 

PHAN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên