10/10/2011 04:03 GMT+7

Nhà máy rác "nửa nạc nửa mỡ"

ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH
ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH

TT - Những năm qua, không ít tỉnh thành đã vay vốn ODA nhập dây chuyền xử lý rác nhưng hiệu quả rất hạn chế. Không ít dây chuyền xử lý rác đang “đắp chiếu” hoặc chỉ vận hành được một phần.

JSJ48WvS.jpgPhóng to
Dây chuyền xử lý rác của nhà máy xử lý rác TP Nam Định trông khá hiện đại, nhưng vẫn phải áp dụng phương pháp thủ công phân loại rác trước khi xử lý - Ảnh: ĐỨC TUYÊN

TP Hải Phòng nhập dây chuyền xử lý rác từ Hàn Quốc có giá trị khoảng 334 tỉ đồng nhưng hiện chỉ xử lý được hơn 40% tổng lượng rác, gần 60% vẫn phải đem chôn. Nhà máy xử lý rác của tỉnh Nam Định (nhập từ Pháp) cũng trong tình trạng tương tự.

Theo điều tra của PV Tuổi Trẻ, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ - compost của cả hai nhà máy trên đều không hoạt động, nguyên nhân cơ bản là không phù hợp với thực tiễn.

Công suất thấp

Năm 2007, UBND TP Hải Phòng đã tiến hành đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát (Nhà máy rác Tràng Cát) trên diện tích 14,2ha tại P.Tràng Cát, Q.Hải An. Toàn bộ dây chuyền của Nhà máy rác Tràng Cát đều được nhập từ Hàn Quốc, giá 16 triệu USD (tính tỉ giá hiện nay gần 334 tỉ đồng). Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ Nhà máy rác Tràng Cát gần 25 triệu USD (khoảng 521 tỉ đồng). Trong đó vốn vay ODA là 19 triệu USD và phải trả trong mười năm. Công nghệ của dây chuyền này ban đầu được cho rằng sẽ sản xuất mùn hữu cơ để chế biến thành phân compost với công suất thiết kế 200 tấn rác/ngày. Tháng 6-2009, nhà máy chính thức hoạt động.

Vẫn lựa chọn công nghệ chôn lấp rác

Trước thực trạng hoạt động của Nhà máy rác Tràng Cát hơn hai năm qua, ông Quý nhận xét: “Công nghệ xử lý rác của một số nước khi nhập về VN đều không đáp ứng được tình hình thực tế. Dây chuyền xử lý rác làm phân hữu cơ của Hải Phòng cũng thế. Từ nay đến năm 2020, Hải Phòng vẫn lựa chọn việc chôn lấp là công nghệ chủ đạo để xử lý rác thải thông thường”.

Chúng tôi đến Nhà máy rác Tràng Cát chiều 24-9 và không thấy bóng dáng xe chở rác nào. Một số nhân viên ở đây cho biết nhà máy đang nghỉ hoạt động để bảo trì. Đi tham quan một vòng dây chuyền xử lý rác, chúng tôi thấy những lớp bụi phủ mờ trên một số băng chuyền, không ít mạng nhện giăng trên những công tắc điện, môtơ điện...

Theo ông Nguyễn Văn Quý - phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng, Nhà máy rác Tràng Cát chỉ có thể xử lý 150 tấn/ngày. Trong khi đó tổng lượng rác của TP Hải Phòng thu gom một ngày lên đến 850 tấn. Ông Quý cho biết hiệu quả hoạt động của Nhà máy rác Tràng Cát khá thấp. Rác sau khi được đưa vào nhà máy để tách lọc và chỉ xử lý được hơn 40% rác hữu cơ để làm phân compost, lượng rác còn lại chiếm tới gần 60% phải đem ra chôn lấp ngoài bãi.

Giải thích việc này, ông Quý cho rằng dây chuyền máy xử lý rác không tự phân loại được. Việc phân loại rác trong nhà máy hiện vẫn phải dùng đến sức người. Ông Quý cho biết dây chuyền làm ra phân compost chưa hoạt động được ngay từ khi nhập về, do nguyên liệu rác mùn hữu cơ của dây chuyền nhà máy sau khi xử lý chưa đạt chất lượng, không thỏa mãn một số chỉ tiêu môi trường như quy định. Ông Quý còn nói giá trị của toàn bộ dây chuyền sản xuất phân compost của nhà máy không lớn so với tổng vốn đầu tư. Theo điều tra, dây chuyền sản xuất phân compost chiếm khoảng 20% trên tổng giá trị 334 tỉ đồng (tức 66,8 tỉ đồng).

FHePN46G.jpgPhóng to

Công đoạn tiếp rác tại Nhà máy xử lý rác Nam Định - Ảnh: Q.Thanh

Mùn làm phân không bán được

TP Nam Định “đi trước đón đầu” bằng cách nhập dây chuyền xử lý rác làm phân compost của Pháp từ năm 1999. Vào thời điểm đó, dây chuyền xử lý rác này có giá khoảng 3 triệu USD. Và tổng vốn đầu tư cho nhà máy xử lý rác của TP Nam Định là 76 tỉ đồng. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2002. Theo ông Triệu Đức Kiểm - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nam Định, dây chuyền xử lý rác thải này đang hoạt động hiệu quả. Thế nhưng chúng tôi được biết do không đủ kinh phí nên nhà máy xử lý rác của TP Nam Định chỉ xử lý được khoảng 102 tấn rác/ngày, trong khi thiết kế ban đầu là 200 tấn rác/ngày.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi phát hiện dây chuyền làm phân compost của nhà máy xử lý rác Nam Định dường như đã lâu không hoạt động. Khi được hỏi, ông Kiểm thừa nhận: “Dây chuyền làm phân compost từ rác thải hữu cơ không hoạt động từ năm 2004 do mùn rác hữu cơ làm ra không đạt các chỉ tiêu để sản xuất phân compost. Giá trị dây chuyền chiếm khoảng 20% của 3 triệu USD”.

Ông Kiểm cũng cho biết hiện 50% lượng rác sau khi đưa vào nhà máy xử lý vẫn phải đem ra bãi chôn lấp, 50% lượng rác còn lại gồm một ít rác được tái chế thành hạt nhựa, còn chủ yếu là mùn hữu cơ. “Riêng phần mùn hữu cơ đã ký hợp đồng tiêu thụ với công ty sản xuất phân hữu cơ và Công ty cổ phần Hoa Nam nhưng chưa tiêu thụ được. Phần rác mùn hữu cơ làm ra chỉ đem cho người dân quanh vùng bón cây trồng là chủ yếu” - ông Kiểm nói.

Theo ông Kiểm, dây chuyền xử lý rác do các nước châu Âu sản xuất, hệ thống tự động hóa không thích nghi được với thời tiết nhiệt đới của VN. “Hệ thống tự động hư hỏng rất nhanh. Chúng tôi phải sáng chế ra một số thiết bị cơ khí để thay thế hệ thống điều khiển tự động bị hư hỏng” - ông Kiểm nói thêm. Ông cũng thừa nhận: “Nhà máy xử lý rác của TP Nam Định chưa đạt hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ rác phải mang đi chôn lấp. Hiệu quả về mặt kinh tế cũng chưa đạt khi sản phẩm mùn rác hữu cơ làm ra chưa bán được”.

______________

Kỳ 2: 82 tỉ đồng “phơi sương”

ĐỨC TUYÊN - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên