06/09/2024 10:48 GMT+7

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn vở Đời Như Ý, khán giả xúc động với thế hệ 'nghệ sĩ con'

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn lại vở cải lương Đời Như Ý. Xem vở, khán giả xúc động với tình yêu nghề hát truyền từ đời này sang đời khác.

Mê nghề hát từ ba mẹ, ông bà - Ảnh 1.

Bé Thảo Trúc (vai Như) diễn cùng ba Điền Trung (trái, vai Tám thịt heo) và nghệ sĩ Võ Minh Lâm (vai Hai Đời) trong vở Đời Như Ý - Ảnh: LINH ĐOAN

Những năm gần đây, người làm nghề tỏ ra lo lắng khi những bộ môn nghệ thuật truyền thống thiếu đội ngũ kế thừa.

Nghề hát lắm công phu nhưng sàn diễn ngày càng thu hẹp, tương lai mịt mờ, vì vậy tìm được người trẻ say nghề rất khó khăn.

Nghề hát thấm từ trong bụng mẹ

Vở cải lương Đời Như Ý (Bùi Quốc Bảo viết từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dựng thành kịch trên sân khấu Thế Giới Trẻ trước khi được chuyển thể sang cải lương bởi Hoàng Song Việt, đạo diễn: Quốc Kiệt), được dàn dựng khoảng năm 2015.

Một trong những vai diễn quan trọng và lấy nước mắt của người xem chính là vai bé Như và Ý, con của cô bé Ba bị khùng, mà anh Hai Đời tốt bụng cưu mang.

Anh Hai Đời bị mù nhưng vì thương ba mẹ con nên cố gắng làm việc để bảo bọc họ.

Rồi một ngày người cha hoang đàng tìm tới ngang nhiên bắt con dẫn đến tấn bi kịch đầy nước mắt trong mái nhà nghèo nhưng rộn rã tiếng cười đó.

Năm 2015, vở khiến người xem rơi nước mắt với diễn xuất đầy cảm xúc của bé Hồng Quyên (vai Như) và Gia Nguyên (vai Ý). Chín năm sau vở tái diễn, vai bé Như giờ do Thảo Trúc và Ý là bé Vương Tiến thủ diễn.

Điều đáng nói là bốn bé dù cách nhau chín năm nhưng đều là con của các nghệ sĩ. Hồng Quyên là con gái nghệ sĩ Tú Sương, hiện là sinh viên năm 2 khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Gia Nguyên là con nghệ sĩ Lê Hồng Thắm (vai bé Ba) cũng là sinh viên năm 2 một trường đại học liên kết quốc tế. Bé Thảo Trúc là con nghệ sĩ Điền Trung - Lê Thanh Thảo (em ruột Tú Sương). Bé Vương Tiến là con trai nghệ sĩ Hoài Vương - Thanh Tâm.

Bé Thảo Trúc năm nay học lớp 6 nhưng đã sớm lên sân khấu từ hồi 3 - 4 tuổi. Từ trong bụng mẹ, bé đã sống trong tiếng đờn lời ca nên tình yêu nghề hát đã ngấm vào bé lúc nào không hay.

Mới đây, cô bé đã tham gia Sân khấu tài năng thiếu nhi do Nhà hát Trần Hữu Trang thành lập. Sân khấu tập trung phần lớn là con em nghệ sĩ có năng khiếu. Thảo Trúc không ngần ngại bày tỏ ước mơ trở thành đào hát.

Mê nghề hát từ ba mẹ, ông bà - Ảnh 2.

Hai thế hệ diễn viên nhí vào vai Như và Ý trong Đời Như Ý hội ngộ sau đêm diễn ngày 25-8. Từ trái sang: diễn viên Hồng Quyên, Thảo Trúc, Vương Tiến, Gia Nguyên - Ảnh: LÊ NGỌC BÍCH

Truyền nghề từ gia đình

Ông Lê Nguyên Đạt, chủ tịch hội đồng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, từng bày tỏ khó khăn khi tuyển sinh viên vào khoa kịch hát dân tộc. Nhiều khi quá thiếu phải đi lấy sinh viên vớt từ các khoa khác về nên chất lượng đầu vào không cao.

Hát bội cũng nan giải khi không còn khoa nào đào tạo từ các trường. Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM "gỡ rối" bằng cách tuyển sinh viên từ cải lương về nhà hát để đào tạo lại.

Múa rối và xiếc cũng gặp vấn đề về nhân lực trẻ khi chỉ đào tạo phía Bắc. Sinh viên ra trường ngại đi xa vì không biết tương lai như thế nào.

Mỗi bộ môn cũng đang cố gắng tìm cách tháo gỡ. Trong các phương án đó, truyền nghề trong gia tộc có vẻ hiệu quả.

Những diễn viên nhí sinh ra trong gia tộc có truyền thống nghề hát thường có gene nghệ thuật. Thêm nữa, các em được ngấm nghề hát một cách tự nhiên và đam mê một cách "tự nguyện".

Các bé Tú Quyên, Hồng Quyên, Kim Thư, Thảo Trâm, Thảo Trúc, Andy... thuộc thế hệ thứ sáu trong gia tộc có đến hơn 100 năm ăn cơm tổ nghiệp, gia tộc Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng.

Bé Bella Cát Tiên, con nghệ sĩ Bình Tinh, thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Bé Bắp, bé Dâu con nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ mê xiếc và diễn xiếc cùng ba mà không ai ép.

Hát bội cũng có kha khá trường hợp con cái nghệ sĩ vì mê mà theo ba mẹ đi hát. Các em hầu hết chưa biết mặt chữ đã có thể ca bài bản, thuộc thoại, lên sân khấu diễn. Khi còn nhỏ các em ham và muốn theo nghề hát là việc có thật.

Nhưng khi lớn lên, còn nhiều yếu tố khách quan, thậm chí còn có sự cản trở của chính cha mẹ vì lo lắng đường dài của con sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của những mầm non nhí.

Tuy nhiên, gieo được hạt mầm từ chính tình yêu nghề của ba mẹ, ông bà đã là bước đầu đáng khích lệ cho một thế hệ tương lai...

Nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, múa rối, xiếc... đòi hỏi diễn viên tập luyện vất vả nhưng tương lai thì... hên xui!

Bởi theo thời gian, sàn diễn này ngày càng chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt với những loại hình giải trí thời thượng khác. Mà không có người trẻ thì chắc chắn không thể nối tiếp và duy trì.

Mê nghề hát từ ba mẹ, ông bà - Ảnh 3.Ra mắt vở cải lương Long phụng kỳ tài: Mang sử Việt đến khán giả và chờ khán giả

Tối 24-8, tại Nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu mới Thiên Long ra mắt khán giả với vở cải lương Long phụng kỳ tài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên