Ông Yoon Suk Yeol tại sự kiện Đảng Quyền lực nhân dân chúc mừng ông đắc cử tổng thống vào ngày 10-3 tại Seoul - Ảnh: Reuters
Tháng 6-2021, cựu công tố viên Yoon Suk Yeol tuyên bố tranh cử với cam kết đưa ra những thay đổi lớn. Chín tháng sau đó, ông đã nắm trong tay cơ hội làm được điều này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính những kỳ vọng đã đưa ông lên nắm quyền cũng có thể trở thành sức ép cho ông trong 5 năm tới.
Kêu gọi đoàn kết
"Chúng ta, người dân của Hàn Quốc, là một. Dù thuộc tôn giáo, phe nhóm hay tầng lớp nào, ở đâu, người dân Hàn Quốc là bình đẳng và phải được đối xử công bằng. Tôi sẽ coi sự đoàn kết quốc già là ưu tiên hàng đầu" - Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Yoon phát biểu sau khi giành chiến thắng trước đối thủ Lee Jae Myung với cách biệt chưa đến 1% tỉ lệ phiếu bầu.
Trong bài phát biểu, ông cam kết trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia, lắng nghe người dân và hợp tác với các đảng khác. Trước đó, ông cam kết cải thiện cuộc sống và phúc lợi của người dân, xây dựng thêm 2,5 triệu nhà ở và giảm thuế bất động sản.
Về Triều Tiên, ông Yoon khẳng định sẽ kiên quyết với "hành động vô lý, bất hợp pháp" của Bình Nhưỡng nhưng vẫn để ngỏ đối thoại. Đây là thông điệp có phần dịu bớt so với tuyên bố lúc tranh cử của ông rằng sẽ dạy "anh chàng xấc xược" Kim Jong Un cách cư xử và đòi tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.
Giới phân tích cho rằng ông Yoon sẽ không đi theo con đường hữu hảo của Tổng thống Moon Jae In. "Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ tăng căng thẳng, sớm và đủ để ông Yoon không kịp nói về đối thoại", chuyên gia Christopher Green của Hà Lan nhận định với Reuters.
Ông Yoon, sinh năm 1960 ở Seoul, bắt đầu sự nghiệp từ ngành luật, trở thành công tố viên của quận Daegu ở tuổi 35. Ông tham gia các vụ lớn như điều tra trợ lý của tổng thống Roh Moo Hyun, quỹ của Hyundai Motor, vụ lũng đoạn thị trường chứng khoán liên quan đến ứng viên tổng thống năm 2008 Lee Myung Bak...
Ông là người đứng sau điều tra, buộc tội cựu tổng thống Park Geun Hye, "thái tử" Lee Jae Yong của Tập đoàn Samsung và sau đó là ông Lee Myung Bak. Nhờ đó sự nghiệp của ông đạt đỉnh cao năm 2019 khi được Tổng thống Moon bổ nhiệm làm tổng công tố Hàn Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc mô tả ông là nhà điều tra xông xáo, cứng rắn. Nhưng cũng chính sự "cứng rắn" khiến ông thường xung đột với chính quyền ông Moon. Khi bên công tố đụng đến các trợ lý của ông Moon, căng thẳng leo thang và ông Yoon từ chức để gia nhập Đảng đối lập Quyền lực nhân dân bảo thủ và trở thành ứng viên tổng thống của đảng này.
Ông Yoon giống ông Trump - nhà khoa học chính trị Kim Hyun Joon tại Đại học Myongji (Seoul) so sánh tổng thống đắc cử Hàn Quốc với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ông ấy là người ngoài cuộc muốn cải tổ chính quyền.
Người "ngoại đạo"
"Cho đến gần đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ tham gia chính trị. Nhưng những người đó đã đặt tôi vào vị trí này với sứ mệnh loại bỏ quyền lực khỏi tay Đảng Dân chủ bất tài và tham nhũng", ông Yoon nói ít lâu trước ngày bỏ phiếu.
Việc thiếu kinh nghiệm chính trị sẽ là thách thức lớn cho ông Yoon khi phần khó khăn nhất của ông chỉ mới bắt đầu. "Sau cuộc bầu cử chia rẽ tạo ra một chính phủ chia rẽ, Seoul phải vật lộn để theo đuổi các chính sách cải cách hơn là đền đáp cử tri" - chuyên gia Leif-Eric Easley của Đại học Ewha, Seoul, nhận định.
Chưa kể cuộc bầu cử cũng cho thấy sự chia rẽ trong cử tri Hàn Quốc khi có đến 58% cử tri nam ở độ tuổi 20 bỏ phiếu cho ông Yoon, còn ông Lee lại được 58% cử tri nữ cùng độ tuổi ủng hộ.
Nhà phân tích Park Sang Byoung nói ông Yoon chiến thắng vì cử tri muốn sự thay đổi chứ không hẳn vì ủng hộ chương trình nghị sự của ông. "Hầu hết mọi người không biết ông Yoon Suk Yeol đã làm gì, họ chỉ lờ mờ thích ông vì nghĩ rằng "ông ấy bị ghét bởi những người mà chúng ta ghét"" - nhà văn Kim Nae Hoon, tác giả một số cuốn sách về người trẻ Hàn Quốc, nói.
Chiều 10-3, nhân dịp ông Yoon Suk Yeol được bầu làm tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng.
Trong bức điện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hiệu quả, thực chất và toàn diện hơn nữa cả về song phương và đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngày 10-3, Nhà Trắng đã phát thông điệp chúc mừng tổng thống đắc cử Hàn Quốc, khẳng định quan hệ với Seoul là "nắm đấm thép". "Tổng thống (Joe) Biden mong tiếp tục làm việc với tổng thống đắc cử (Yoon) để mở rộng sự hợp tác khắng khít của chúng ta", người phát ngôn Nhà Trắng nói.
Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida Fumio, cũng gửi những kỳ vọng tới chính quyền mới của Seoul. "Khi cộng đồng quốc tế đối mặt với sự thay đổi lớn, mối quan hệ lành mạnh Nhật - Hàn là không thể tách rời", ông Kishida nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận