14/11/2022 17:24 GMT+7

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục 'tung tiền' mua cổ phiếu rớt giá

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu bị rớt giá mạnh, trái ngược với cảnh bán tháo của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng sáu phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 6.200 tỉ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục tung tiền mua cổ phiếu rớt giá - Ảnh 1.

Giữa lúc nhà đầu tư trong nước liên tục bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài lại tăng mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt - Ảnh: B.MAI

Thị trường chứng khoán tiếp tục chìm trong "chảo lửa" phiên hôm nay, 14-11. Có lúc chỉ số VN-Index giảm gần 30 điểm. 

Đáng chú ý, giữa lúc hàng loạt cổ phiếu bị rớt giá do nhà đầu tư trong nước bán ra, nhà đầu tư nước ngoài lại tranh thủ "vợt hàng", mua ròng tới 1.700 tỉ đồng, trở thành phiên thứ sáu liên tiếp mua ròng, đồng thời giúp rút ngắn mức giảm của thị trường chung.

Cụ thể, khối ngoại tăng mua ròng ở mã STB (Sacombank), HPG (Hòa Phát), SSI (Chứng khoán SSI), KBC (Đô thị Kinh Bắc), VND (VNDirect), CTG (VietinBank), VHM (Vinhomes), DMP (Đạm Phú Mỹ), HDB (HDBank), VIC (Vingroup), GAS (PetroVietnam Gas), FRT (FPT Retail)...

Mới tuần trước, trong lúc chỉ số VN-Index giảm tổng cộng gần 43 điểm, khối ngoại cũng mua ròng hơn 4.500 tỉ đồng. Như vậy, lũy kế sáu phiên gần đây nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 6.200 tỉ đồng.

Sau khi lập đỉnh lịch sử với mốc hơn 1.528 điểm vào hồi đầu năm 2022, đến nay chỉ số chứng khoán VN-Index đã bị giảm 587 điểm (-38%), nhiều cổ phiếu cũng bị rớt giá từ 30-70% trở lên. Tuy nhiên, cũng từ đầu năm đến nay khối ngoại đã mua ròng xấp xỉ 4.600 tỉ đồng, trái ngược diễn biến bán ròng hơn 54.200 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước - khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Với chiến lược đầu tư dài hạn, chính định giá thấp đã góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài tăng mua ròng. Hiện định giá P/E (giá thị trường so với giá trị thu nhập cổ phiếu) ở thị trường chứng khoán Việt đã bị giảm về mốc 9,x lần - thấp hơn so với thị trường ở nhiều nước khác lân cận như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan...

Bên cạnh đó, định giá P/B (giá thị trường của cổ phiếu so với giá trị trong sổ sách) của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở mốc 1,5 lần, thấp hơn thị trường Indonesia, Philippines và Thái Lan. 

Theo thống kê của FIDT, rất hiếm khi P/E thấp như hiện tại. Bên cạnh đó, tính từ tháng 4-2009 đến nay xác suất định giá P/B nằm dưới mốc này cũng rất thấp. 

Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, định giá P/B rơi xuống vùng thấp chủ yếu nằm trong giai đoạn cuối năm 2011 đến đầu 2013, đi kèm với đó là tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng gia tăng, lãi suất cho vay có nhiều giai đoạn lên hơn 20%, lãi suất huy động cũng có lúc 15-18%, thị trường bất động sản đổ vỡ và trải qua "mùa đông" khá dài.

"Chúng tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, khả năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước tốt hơn giai đoạn trước và "bơm tiền" thấp hơn nhiều, nên tình trạng sẽ không đến mức như giai đoạn đấy" - ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT, nhận định.

Hiện nhiều yếu tố vĩ mô còn bất lợi và chưa rõ ràng, nên việc dự đoán ngắn hạn gặp khó. Tuy nhiên, với định giá cổ phiếu rơi xuống vùng thấp bậc nhất trong lịch sử, ông Tuấn cho rằng "đây là môi trường tốt để đầu tư dài hạn và tích sản".

Việc đầu tư dài hạn trong giai đoạn này cũng cần phân bổ làm nhiều lần để bảo đảm sức mua. Việc tích sản cũng cần tuân thủ nguyên tắc đều đặn, mua trong các nhịp giảm sâu.

"Những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ, và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu", bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đồng thời cho biết rất khó để nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận.

Dù vậy, phía công ty chứng khoán cũng cho biết vì định giá của VN-Index hiện đã giảm về mức thấp trong nhiều năm, nên phù hợp để tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu dài hạn. Lưu ý, những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao và ngành kinh doanh mang tính chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với phần còn lại. 

Thay vì dò đáy, với vai trò là người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite (Phần Lan), ông Petri Deryng chọn cách xác định chỉ số VN-Index sẽ tăng tới mức nào trong vài năm tới. Vì theo ông, mặt bằng chung giá cổ phiếu hiện đang thấp, trong khi GDP Việt Nam vẫn ước tính hồi phục tăng 8% và lạm phát vẫn kiểm soát dưới mức 4% ở năm 2022, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể giảm tốc song nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn có triển vọng tăng thu nhập.

Ủy ban Chứng khoán: Khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng Ủy ban Chứng khoán: Khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng

TTO - Từ đầu năm đến nay chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm hơn 37%. Ủy ban Chứng khoán cho biết thị trường biến động do áp lực từ những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới, việc khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn...

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên