Kỳ 1: Bom nổ chậm treo trên tường
Phóng to |
Cảnh phiên tòa xử vợ chồng Wolfgang Beltracchi - Ảnh: dirk gebhardt |
Nhiều bức tranh cũ tôi mua lại thật ra rất đẹp. Nếu không thể cạo lớp sơn màu cũ đi thì tôi kết hợp các chi tiết cũ với chi tiết mới”.
Vẽ những bức tranh các danh họa không vẽ!
Vụ án Beltracchi gây chấn động trong giới sưu tập, chủ gallery, các chuyên gia thẩm định và cả những người quản lý bảo tàng. Tài nghệ vẽ tranh giả của Beltracchi đã phơi bày mặt trái của thế giới mua bán tranh: hàng triệu đôla được chi trả cho những bức tranh rất khó xác định tính xác thực, nhưng chính hệ thống đó lại đưa ra những phán định sai lầm về giá trị của tác phẩm mỹ thuật.
“Tôi không vẽ một loạt tranh của một tác giả mà tôi nghiên cứu thật tận tường các danh họa” - Beltracchi thuật lại cách vẽ tranh của mình. Beltracchi thuộc lòng phong cách của nhiều danh họa khác nhau, cho nên ông ta có thể vẽ theo phong cách của những danh họa quen thuộc vào bất cứ lúc nào thị trường muốn.
Beltracchi không hề giả tranh của các danh họa hạng nhất như Picasso, vì những tác giả này đã được nghiên cứu và lập danh mục cặn kẽ. Họa sĩ 61 tuổi này chỉ giả tranh của những danh họa hạng nhì.
Nguyên tắc của Beltracchi là không sao chép tranh của các danh họa Ấn tượng, mà theo lời ông, “chỉ điền vào chỗ trống trong danh mục tác phẩm của họ”. Hoặc là Beltracchi sáng tạo ra những bức tranh và môtip mới, phù hợp với một giai đoạn sáng tạo đặc trưng trong cuộc đời một danh họa; hoặc ông ta vẽ những bức tranh có tựa đề đã được liệt kê trong tổng tập danh mục tác phẩm của danh họa ấy nhưng tranh đó được cho là đã thất lạc và không có hình ảnh nào để lại.
Beltracchi nói: “Bí quyết của tôi là vẽ một bức tranh không hề tồn tại, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với danh mục tác phẩm của một danh họa”.
Với một tác giả như André Derain - một trong những danh họa tiêu biểu của trường phái Dã thú, chỉ đứng sau Matisse - Beltracchi biết rõ chỉ có những tranh Derain vẽ trong giai đoạn từ 1905-1909 mới có giá cao. Đầu tiên, Beltracchi đọc tất cả tài liệu về danh họa này, sau đó ông ta đến các triển lãm và bảo tàng xem tranh. Beltracchi phải xem tranh gốc tận mắt vì màu sắc in lại trong các phiên bản thường là sai.
Beltracchi sang Pháp, đến tận làng Collioure ven biển phía nam, nơi Derain đã sống một mùa hè với Matisse vào năm 1905. Ông quan sát ngôi làng, bãi biển, ánh sáng, rồi mường tượng và cảm nhận bầu không khí cùng trạng thái của mùa hè 100 năm trước. “Tôi trở thành một với Derain” - Beltracchi cho biết. Ông nghiên cứu cả bối cảnh chính trị - xã hội của thời đó để hình dung những tác động đến cảm hứng sáng tạo của Derain.
“Tôi nhận ra đặc điểm của từng họa sĩ để vẽ đẹp hơn chính người ấy một chút. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng đó chính là điều cốt yếu - Beltracchi giải thích - Để làm thế, tôi phải tìm được trọng tâm sáng tạo của một họa sĩ và trở thành quen thuộc với nó, để tôi có thể nhìn bằng chính con mắt của họa sĩ ấy xem những bức tranh của người đó sẽ hình thành ra sao. Và tất nhiên, nhìn những bức tranh mới tôi sẽ vẽ bằng con mắt của họa sĩ đó - thậm chí trước khi tôi cầm cọ”.
Qua mặt cả chuyên gia hàng đầu
Cảm giác khi nhìn thấy tác phẩm giả mạo của mình trưng bày trang trọng trong các bảo tàng hay gallery đối với Beltracchi luôn là một cảm giác lạ lùng. Bất cứ lúc nào gặp phải tình huống ấy, người vẽ tranh giả này luôn tránh thật xa khỏi bức tranh. “Tôi không muốn đến quá gần. Tôi sợ bức tranh sẽ lên tiếng nói với tôi”.
Tranh giả của Beltracchi đã lừa được các chuyên gia thẩm định. Bức đầu tiên Beltracchi bán được thông qua nhà đấu giá lớn nhất thế giới Christie’s vào tháng 10-1995 là bức Cô gái với thiên nga, giả mạo một tác phẩm thất lạc của danh họa Heinrich Campendonk.
Trong danh mục đấu giá “Tác phẩm mỹ thuật Đức - Áo” của nhà Christie’s phát hành vào dịp đó, nữ sử gia mỹ thuật Andrea Firmenich - từng làm luận án tiến sĩ về Campendonk - hết lời tán dương về “màu sắc biểu cảm, chói chang, mãnh liệt” của bức Cô gái với thiên nga. Còn nhà Christie’s thông báo với khách hàng: “Tiến sĩ Andrea Firmenich đã xác nhận chứng thực cho tác phẩm này”.
Bức tranh của Campendonk đã được nhà Christie’s bán vào thời điểm ấy với giá 67.500 bảng Anh (hơn 105.000 USD) nhưng sau nhiều lần sang tay sau đó, giá bức tranh đã tăng vọt gấp bội.
Một trong những “sáng tác” đắc ý nhất của Beltracchi là những bức giả tranh của Max Ernst. Beltracchi tự hào là mình vẽ Ernst “còn đẹp hơn cả chính Ernst vẽ”. Trong số tranh sau này xác định là do Beltracchi giả mạo đã bán thông qua nhà đấu giá Christie’s ở London, có bức Đám đông ký tên Max Ernst đã được định giá 3,5 triệu bảng Anh (khoảng 5,5 triệu USD) và cuối cùng bán cho Bảo tàng tư nhân Đức Reynold Wurth.
Giả mạo bút pháp Max Ernst, Beltracchi vẽ bức Khu rừng tài tình đến độ người vợ góa còn sống của danh họa này - nữ họa sĩ Dorothea Tanning - phải nhìn nhận đây là bức “đẹp nhất chưa từng thấy” của Ernst. Cả sử gia mỹ thuật Werner Spies, nguyên giám đốc Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Pompidou ở Paris và là một chuyên gia về Max Ernst, cũng từng đến ngắm nghía bức Khu rừng ở một gallery tại Berlin. Bức này sau đó thậm chí còn được trưng bày trong một cuộc triển lãm tưởng niệm Max Ernst tổ chức tại Bảo tàng Metropolitan ở New York.
Spies đã chứng nhận bảy bức tranh Max Ernst giả của Beltracchi là tranh thật. Khi vụ xìcăngđan tranh giả bùng nổ, Spies trả lời với báo chí: “Xét về phong cách, tôi vẫn tin rằng những bức tranh đã giao cho tôi thẩm định đúng là tác phẩm của Max Ernst”. Những bức tranh đó không mang ra bán đấu giá mà bán cho các nhà sưu tập tư nhân nhờ các chứng thực của Spies. Số tranh này cuối cùng đã bán hết với tổng trị giá lên tới 7,2 triệu USD.
Spies nói: “Nếu những bức đó mà là tranh giả thì chỉ có thể nói đó là tác phẩm của một người giả mạo kiệt xuất”.
Christoph Graf Douglas, một nhà buôn tranh kiêm tư vấn cho những người sưu tập ở Frankfurt, chỉ biết lắc đầu: “Thật kinh khủng. Vụ này đã xói mòn hoàn hoàn niềm tin trong thị trường mỹ thuật. Không chỉ có tội phạm giả mạo mà có cả những nghiên cứu cũng giả mạo luôn. Người ta đã quen cho rằng các chuyên gia có thể phát hiện được tranh giả và vụ này cho thấy thực tế không phải vậy”.
______________
Làm thế nào mà Beltracchi có thể qua mặt thiên hạ dễ dàng như vậy? Đơn giản, ông soạn kịch bản đáng tin cậy về nguồn gốc bức tranh.
Kỳ tới: Ngụy tạo “lý lịch” tranh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận