17/04/2014 07:29 GMT+7

Nhà bị bán đấu giá xong mới biết

TR.TÂN
TR.TÂN

TT - Thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng nhưng do làm ăn thua lỗ không trả được nợ, một người dân ở Đắk Lắk bị cưỡng chế thi hành án. Đáng nói là việc bán đấu giá theo đương sự là quá nhanh, giá rẻ và khi bán xong mới biết.

s9KSURMO.jpgPhóng to
Ông Võ Văn Lợi - Ảnh: TR.T.

Năm 2008, ông Võ Văn Lợi (52 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Đức Lợi) thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn Ea Đen, xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) để vay 750 triệu đồng tại chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Đắk Lắk.

Ngày 12-6-2009, ông Lợi bị bắt giam về hành vi đưa hối lộ (sau đó thụ án tại trại giam Gia Trung, Gia Lai), mọi công việc kinh doanh đều giao cho vợ. Cũng từ khi ông Lợi vướng vào vòng lao lý, công việc làm ăn của gia đình sa sút và thua lỗ nên khoản tiền vay của ngân hàng không có khả năng thanh toán. Ngân hàng kiện ông Lợi ra TAND tỉnh Đắk Lắk để yêu cầu trả nợ. Vì đang trong thời gian chịu hình phạt tù nên ông Lợi ủy quyền cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim Loan tham gia tố tụng tại phiên tòa.

2 tỉ và 800 triệu

Ngày 30-12-2009, TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định buộc ông Lợi phải trả cho ngân hàng hơn 845 triệu đồng. Hết thời gian ba tháng tự nguyện thi hành án, Cục Thi hành án Đắk Lắk đã tiến hành việc cưỡng chế, kê biên, định giá tài sản và đưa ra bán đấu giá tài sản của ông Lợi, bà Loan. Ngày 9-8-2013, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk ra thông báo số 884 sẽ bán đấu giá tài sản của ông Lợi vào lúc 8g ngày 13-8-2013. Thông báo cũng cho biết ông Lợi và bà Loan có quyền nộp đủ số tiền thi hành án để chuộc lại tài sản trước ngày 13-8-2013.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Lợi khẳng định họ chỉ được giao thông báo nói trên sau khi tài sản (gồm nhà ở, kho bãi kinh doanh nông sản) của mình đã được bán xong. Ông Lợi cho rằng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đã tước đi quyền được chuộc lại tài sản của vợ chồng ông để tiếp tục sinh sống, kinh doanh. “Dù biết rõ tôi đang ở tù và vợ tôi có mặt tại địa phương (ở nhà bà con) nhưng chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk không gửi thông báo bán tài sản trực tiếp cho chúng tôi. Mãi đến chiều 14-8-2013, tôi mới nhận được thông báo số 884 từ giám thị trại giam (công văn đến trại giam ngày

13-8-2013)” - ông Lợi nói. Trị giá tài sản, theo ông Lợi, là gần 2 tỉ đồng nhưng bán đấu giá chỉ được gần 800 triệu đồng nên thiệt hại cho gia đình ông rất lớn. Ngày 30-3-2013, sau khi được trả tự do (trước thời hạn), ông Lợi đến Cục Thi hành án dân sự Đắk Lắk yêu cầu được sao lục toàn bộ hồ sơ thi hành án để có căn cứ khiếu nại. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự Đắk Lắk trả lời đã làm đúng nên không chấp nhận yêu cầu của ông Lợi.

Cục Thi hành án: đã niêm yết công khai

Ngày 1-4, ông Hoàng Đức Sĩ, phó chánh văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk, cho biết cơ quan thi hành án đã thực hiện đúng các trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản của ông Lợi, bà Loan. Hơn nữa, theo ông Sĩ, vì có sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nên đảm bảo hồ sơ được thực hiện đúng quy định.

Ông Sĩ cho biết thêm khi ra thông báo bán đấu giá tài sản của ông Lợi, chấp hành viên đã đến nhà nhưng bà Loan đi khỏi địa phương nên đã tổ chức niêm yết công khai tại nơi có tài sản phải thi hành án (trong khi ông Lợi cho biết vào thời điểm này vợ ông vẫn ở nhà bà con tại địa phương và chấp hành viên có số điện thoại di động của bà Loan - PV). Việc niêm yết công khai này đã được UBND xã Ea Nam, nơi vợ chồng ông Lợi cư trú, ký xác nhận. Ông Sĩ cho rằng ông Lợi đang thụ án phạt tù và đã ủy quyền cho vợ nên thông báo số 884 chỉ gửi kèm để ông được biết, không phải để ông quyết định! Việc ông Lợi yêu cầu sao lục hồ sơ thi hành án, Cục Thi hành án không chấp nhận vì các khiếu nại của đương sự đã được trả lời bằng các quyết định giải quyết khiếu nại.

Đương sự có quyền được thông báo trực tiếp

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn luật sư Đắk Lắk) cho rằng: Luật thi hành án dân sự quy định rõ quyền của đương sự có tài sản bị kê biên là được thông báo trực tiếp (trừ trường hợp bất khả kháng) tất cả quyết định, giấy triệu tập, văn bản liên quan đến việc thi hành án. Đương sự cũng có quyền được chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản, được chuộc lại tài sản của mình trước khi bán đấu giá (tối thiểu một ngày)... Cho nên cơ quan thi hành án cho rằng ông Lợi đang chấp hành án phạt tù và đã ủy quyền cho vợ nên chỉ thông báo cho ông Lợi biết thôi là không chính xác. Ông Lợi chỉ ủy quyền cho vợ tham gia tố tụng trong quá trình tòa án giải quyết vụ án, vợ ông Lợi không được toàn quyền định đoạt tài sản này.

Thêm vào đó, Luật thi hành án quy định việc niêm yết công khai các thông báo, quyết định chỉ thực hiện khi không biết địa chỉ, không liên hệ được với đương sự, tức trong trường hợp bất khả kháng. Còn ở đây, Cục Thi hành án biết “địa chỉ” của ông Lợi là trại giam Gia Trung. “Nếu làm đúng quy định, Cục Thi hành án dân sự phải gửi thông báo đến trại giam và phải có xác nhận của ông Lợi thì mới tiến hành bán đấu giá tài sản của vợ chồng ông. Ông Lợi cũng đương nhiên được sao lục toàn bộ hồ sơ thi hành án tài sản của ông để có căn cứ khiếu nại về thủ tục thi hành án của cơ quan thi hành án. Nếu việc thi hành án là đúng các trình tự thủ tục thì không việc gì phải giấu giếm cả” - luật sư Nhàn nói.

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên