Nhà báo Lại Văn Sâm trong cuộc trò chuyện với PV Tuổi Trẻ online chiều 1-9 tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LÊ
Cuộc sống của tôi giờ thảnh thơi hơn, không bị áp lực như trước. Trước đây tôi quản lý một ban biên tập có rất nhiều chương trình, khả năng rủi ro xảy ra rất cao và tôi là người đứng mũi chịu sào. Giờ thì tôi có một ngày không họp hành, không duyệt bài, công việc này từng chiếm một nửa ngày làm việc của tôi. Sáng tôi tập thể dục, viết lách, chơi thể thao… Thỉnh thoảng tôi tham gia các sự kiện của các đài truyền hình, làm giám khảo, khách mời giao lưu ở một số trường đại học. Nói chung là cuộc sống nhẹ nhàng, thích lắm. Nếu vào đợt ghi hình chương trình Ai là triệu phú thì mình làm việc. Hay như mấy hôm nay tôi bắt tay chuẩn bị cho chương trình giải trí Mặt trời bé con dành cho thiếu nhi.
Nhà báo Lại Văn Sâm trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ online - Thực hiện: HOÀNG LÊ
* Vì sao anh lại chọn chương trình thiếu nhi là công việc mới đầu tiên sau khi nghỉ hưu?
- Tôi nhớ ngày xưa lâu rồi, trong một cuộc phỏng vấn có người hỏi tôi sẽ làm gì khi về hưu?
Tôi nói rằng tôi đã từng dẫn nhiều chương trình dành cho nhiều đối tượng như sinh viên là SV96, lực lượng quân đội như Chúng tôi là chiến sĩ, giải trí như Ai là triệu phú… chỉ còn mỗi còn thiếu nhi là chưa làm.
Biết đâu sau này lúc về hưu tôi sẽ dẫn chương trình thiếu nhi. Giờ lại thành sự thật. Giống như điềm báo vậy. (cười)
Khi đơn vị sản xuất chương trình này gọi điện mời, tôi xem chương trình gốc thấy thích quá. Mà mình thích thì nhận lời thôi.
* Nhiều người cho rằng làm chương trình thiếu nhi khó khăn vì trẻ Việt Nam vốn nhút nhát. Anh và bọn trẻ (gameshow này dành cho tuổi từ 3-13) có độ tuổi chênh lệch khá xa. Vậy làm thế nào để có thể "dụ" các bé nói lên những suy nghĩ của mình?
- Theo tôi, làm chương trình trẻ con vừa khó lại vừa dễ. Trẻ con thật thà, trong sáng, hồn nhiên, không nhiều mưu mẹo như người lớn.
Nếu ta khai thác được, mỗi đứa trẻ là một con người riêng, chúng đôi khi khiến người lớn ngỡ ngàng không ngờ.
Tôi xem một số chương trình truyền hình thấy bọn trẻ bây giờ đâu có nhút nhát gì. Chúng khôn như ranh ấy chứ. Còn việc dụ con nít thì tôi đã có kinh nghiệm.
Tôi có hai đứa cháu (đứa sáu tuổi và đứa bốn tuổi). Người mà chúng nó yêu thích và gần gũi nhất là ông nội chứ không phải cha mẹ đâu. Chúng thích được đi chơi với ông nội.
Mặc khác, những đứa trẻ không có nỗi niềm tâm tư như người lớn. Nếu tạo cho nó sự tin tưởng, gần gũi thì nó nói hết, người Việt ta có câu 'đi hỏi già về hỏi trẻ" mà.
Người lớn nhiều khi còn nói dối, không nói ra suy nghĩ của mình có khi để chiều lòng khán giả hay chiều lòng ai đấy. Còn trẻ con sẽ nói thật. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn.
* Những mong muốn anh đưa ra, liệu có đi xa so với phiên bản gốc không?
- Điều này là do nhận thức của người xem. Cùng một sự việc người ta có thể nhìn theo nhiều hướng. Ví dụ như trong một tai nạn giao thông, có người tới giúp đỡ người bị nạn, nhưng cũng có người lấy điện thoại ra quay, người thì đi ngang qua không hành động gì cả…
Tôi dẫn chương trình không theo kiểu để người xem hiểu thế này thế kia. Mỗi người theo dõi buổi trò chuyện theo cách của mình thôi.
Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ rằng anh vui vì thấy mọi người vẫn nhớ đến mình - Ảnh: HOÀNG LÊ
Thông tin tôi nghỉ hưu được các báo đăng tin, khai thác nhiều. Tôi lúc đó đang đi nước ngoài và rất ngạc nhiên. Ô hay, mình nghỉ hưu bình thường như mấy chục triệu người đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ thôi mà. Nhưng sau đó tôi cảm thấy rất vui vì biết rằng mọi người vẫn còn quan tâm đến mình. Mấy chục năm làm nghề bằng sự chân thật, nhiệt tình, nay tôi được đền đáp bằng tình yêu thương của mọi người. Các bạn có lẽ sẽ không tin một đêm bình luận hai trận bóng đá của tôi trước đây thù lao chỉ đủ 3 bát phở thôi nhưng tôi chưa bao giờ phàn nàn mà thấy mình thật là may mắn vì được làm việc. Lúc đó, chúng tôi như những người đi khai hoang đến vùng đất mới đầy hăm hở và nhiệt huyết.
* Trên truyền hình đầy rẫy gameshow thiếu nhi. Nhiều chương trình tôn vinh các em là ngôi sao, thần đồng...
Dường như những đứa trẻ đang bị người lớn khai thác triệt để như những công cụ kiếm tiền của người lớn. Liệu anh cũng sẽ bị áp lực bởi những chiêu trò sẽ cần có trong các gameshow không?
- Các gameshow tôi dẫn, không có chiêu trò gì. Nếu có chiêu trò họ sẽ không chọn tôi vì tôi đâu biết diễn. Diễn viên diễn tốt hơn tôi nhiều.
Với chương trình thiếu nhi này có một số yêu cầu nhất định và tôi thấy là đúng. Ví dụ như tôi phải biết biểu lộ cảm xúc khi xem một tiết mục của các bé.
Nguyên tắc là tôi không được tiếp xúc trước với trẻ con để tạo ra sự mới mẻ nhưng lại phải gần gũi.
Việc đặt cho các em danh xưng trên, tôi nghĩ chả phải các em mà cũng người lớn cũng vậy. Đó là sự ảo tưởng, ngộ nhận nhưng không phải ai cũng suy nghĩ như thế.
Bọn trẻ con trong sáng, ngây thơ. Nói như trong văn học là chúng như trang giấy trắng, chỉ có người lớn làm vấy bẩn chúng.
Quan điểm tôi là không nên làm phức tạp hóa vấn đề là khai thác trẻ để mua vui. Nên bình đẳng trẻ con với người lớn.
Chúng chỉ khác với người lớn ở chỗ là những con người hoàn thiện hay chưa hoàn thiện thôi. Phân ra trẻ con như thế này khác gì với việc so sánh phụ nữ và đàn ông.
Tôi cho rằng những cuộc thi Giọng hát việt nhí, Thần tượng âm nhạc cũng là cơ hội cho trẻ con sống với đam mê của mình. Biết đâu sau này có những đứa trẻ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng.
Little big shots đến VN
Chương trình truyền hình giải trí Little big shots là sân chơi để các tài năng nhí trong nước và quốc tế đến phô diễn biệt tài riêng của mình trước công chúng.
Lần đầu tiên được phát sóng trên kênh NBC của Mỹ vào 2016, Little big shots nhanh chóng trở thành chương trình giải trí được yêu thích nhất và có lượt xem nhiều nhất của NBC trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đến thời điểm hiện tại, Little big shots đã được mua bản quyền và phát sóng trên 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại VN, chương trình có tên gọi là Mặt trời bé con - hội tụ các em nhỏ có độ tuổi từ 3-13 tuổi.
Ngoài những tiết mục trình diễn, các em còn trò chuyện MC Lại Văn Sâm về những chủ đề khác nhau.
Mỗi tập có khoảng 5 đến 6 mặt trời bé con được giới thiệu.
Mùa đầu tiên có 15 tập, phát sóng lúc 20h thứ bảy hằng tuần trên VTV3, bắt đầu từ ngày 9-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận