Tại Đà Nẵng có vụ việc kéo dài suốt nhiều năm từ người cũ cho đến chủ nhà mới vẫn chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm.
Vụ việc kéo dài bảy năm chưa xong
Vụ tranh chấp lối đi ở thửa đất có số hiệu CH00009 trên đường Phạm Nhữ Tăng (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) kéo dài suốt bảy năm là một trong những vụ điển hình về việc bị cản trở quyền tiếp cận lối đi thứ hai.
Năm 2020, gia đình ông Lê Duy Trung nhận chuyển nhượng căn nhà tại thửa đất trên từ ông Trương Văn Trẻ. Khi được chuyển nhượng, căn nhà có hiện trạng cửa ngõ hướng ra kiệt 72/4 Phạm Nhữ Tăng và một lối đi sau nhà ở kiệt 62B Phạm Nhữ Tăng.
Tuy nhiên từ khi gia đình ông Trung về sinh sống thì bị người hàng xóm nhà cuối kiệt 72/4 ngăn cấm, rào chắn bằng dây thép, đổ đất chặn lối đi trước phòng khách ở hướng ra kiệt 72/4.
Sau nhiều lần chính quyền đối thoại, gia đình ông Trung được tiếp cận lối đi hướng ra kiệt 72/4 để đi lại cùng ba hộ dân khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây người hàng xóm này lại bất ngờ trồng cây, mang xe đạp chặn ngay lối ra vào phòng khách của ông Trung.
Đây là một trường hợp điển hình của việc tranh chấp lối đi chung. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tranh chấp, chặn đường tiếp cận lối đi thứ hai giữa những người hàng xóm với nhau không phải là hiếm.
Như đối với thửa đất của ông Trung, chính quyền nhiều lần trả lời kết luận "kiệt 72/4 đường Phạm Nhữ Tăng, phường Hòa Khê là đường kiệt công cộng. Vì vậy mọi người được quyền tiếp cận", nhưng lại yêu cầu chủ lô đất "phải xin phép".
Chính quyền phường Hòa Khê và quận Thanh Khê cho rằng hộ gia đình ông Trung phải có thủ tục xin cấp phép mở lối ra hướng kiệt 72/4 Phạm Nhữ Tăng.
Quyền mở lối đi là đương nhiên
Luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng chủ đất hoàn toàn có quyền trổ cửa ra vào đường kiệt công cộng. Theo luật sư này, khoản 1 điều 178 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng".
Như vậy với thửa đất có số hiệu CH00009, tại thời điểm thửa đất trên được cấp phép xây dựng không có quy định cấm chủ sở hữu được trổ cửa ra vào đường công cộng" - luật sư Tín phân tích.
Luật sư cũng cho rằng liên quan vụ việc của ông Lê Duy Trung, UBND quận Thanh Khê đã có văn bản khẳng định đường kiệt H04-K72 Phạm Nhữ Tăng là đường công cộng thì việc ông Lê Duy Trung trổ cửa, sử dụng lối đi này là phù hợp với giấy phép xây dựng đã được cấp, phù hợp với pháp luật về xây dựng.
Do đó các chủ thể sử dụng đất liền kề phải tôn trọng và không được cản trở quyền được tiếp cận lối đi của gia đình ông Lê Duy Trung.
"Nếu cả hai kiệt đi phía trước và phía sau nhà ông đều thuộc đất công trình giao thông công cộng thì căn cứ vào sự thuận tiện và hợp lý nhất cho sinh hoạt, hộ ông Trung có thể trổ cửa ra kiệt trước hoặc kiệt sau hoặc cả hai kiệt" - luật sư Tín phân tích thêm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tứ (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng pháp luật hiện hành không cấm một nhà mở nhiều lối đi. Do vậy trường hợp vợ chồng ông Trung mở lối đi thứ hai phải xem xét đến yếu tố lối đi đó có qua đất thuộc quyền sử dụng của chủ đất khác không?
"Nhà có bốn mặt tiền, bốn mặt kiệt tiếp giáp với đường thì chủ nhà hoàn toàn có quyền mở, chọn lối đi cho mình. Hoặc thậm chí sử dụng lối đi từ cả bốn hướng. Việc ông Trung mở lối ra kiệt 72/4 thuộc đất công cộng dưới sự quản lý của Nhà nước là đương nhiên mà không cần phải xin phép" - luật sư Tứ giải thích.
Làm gì khi gặp người cản trở lối đi?
Theo luật sư Tín, có rất nhiều vụ việc người dân bị hàng xóm cản trở bịt lối đi ra đường công cộng với các hành vi: trồng cây, đặt chướng ngại vật như xe đạp cũ, cọc bê tông, các vật dụng khác... trên đường để chặn lối ra đường công cộng.
Theo luật sư Tín, hành vi để chướng ngại vật trái phép trên đường, lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Người vi phạm có thể bị xử phạt theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi nghị định 123/2021.
Cụ thể có thể phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi "trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông" (điểm b, khoản 2, điều 12). Trong đó, biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Hoặc có thể phạt tiền 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi "sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác" (điểm d, khoản 6, điều 12).
Đồng thời yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu dọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
"Tôi cho rằng nếu phát hiện có cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm trên, người dân có thể báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành lập biên bản, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan chính quyền cũng cần mạnh tay với các hành vi cản trở này để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị" - luật sư Tín nói.
Ngoài phương án báo cáo với chính quyền để xử lý hành chính người vi phạm, luật sư Tín cho rằng người dân có thể lựa chọn phương án khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền (tòa án cấp huyện nơi có bất động sản) để yêu cầu tòa án giải quyết dứt điểm về tranh chấp lối đi chung theo đúng quy định của pháp luật.
Khẳng định lối đi chung nhưng từ chối cho tiếp cận
Trong đơn trả lời công dân tháng 12-2023, ông Trần Viết Trí - chủ tịch UBND phường Hòa Khê - cho rằng giấy phép xây dựng của UBND quận Thanh Khê cấp tại thửa đất có số hiệu CH00009 chỉ có lối đi chính ra hướng kiệt 62 Phạm Nhữ Tăng, không thể hiện được việc mở cửa đi ra hướng kiệt 72/4 Phạm Nhữ Tăng.
Tuy nhiên, ông Trần Viết Trí khẳng định hiện nay đường kiệt 72/4 là lối đi công cộng thuộc quản lý của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận