Trong các trang tài liệu viết về người trai đất Bắc đi kháng chiến và hy sinh bi tráng ở chiến trường miền Nam này cũng rất ngắn gọn, không rõ chi tiết. May là chính bà Ba Thi có kể lại trong tài liệu. Và đặc biệt là chúng tôi cũng tìm ra được nhân chứng, những người địa phương ngày ấy đã tuổi 15 - 17 đủ để hiểu và nhớ chuyện. Căn hầm của ông Tuyển cùng đồng đội trú ẩn và hy sinh cũng chính ở góc vườn người nhà của họ.
Đêm chia tay cuối cùng của ông Nguyễn Trọng Tuyển
Trở lại thời điểm năm 1959, tài liệu còn lưu giữ ở nhà con cháu bà Ba Thi (tức Nguyễn Thị Ráo, vợ ông Nguyễn Trọng Tuyển) có ghi lời mẹ kể rằng lần cuối cùng vợ chồng được gặp nhau khoảng giữa năm 1959.
Ông Tuyển lúc đó đang là bí thư Tỉnh ủy Gia Định, bí mật đi công tác về đô thành Sài Gòn, có ghé thăm vợ cùng hai con gái thơ dại mới được vài tuổi đầu. Đây cũng là thời điểm chính quyền ông Ngô Đình Diệm đang bố ráp dữ dội phong trào cách mạng khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ bị bắt, tù đày. Cuộc hội ngộ của gia đình này diễn ra ngắn ngủi nhưng phải được bí mật thu xếp thời gian, nơi chốn để bảo đảm an toàn.
Thương tình cảnh vợ con, ông Tuyển có nhắn nhủ với bà Tư Minh là bạn kháng chiến của hai vợ chồng rằng sau kỳ này ông có thể sắp xếp rồi rước mẹ con về chỗ ông ở cho thoải mái, yên ổn hơn. Tuy nhiên, lời hứa đó đã vĩnh viễn không thể thực hiện được.
Bà Ba Thi kể buổi tối ngày cuối cùng vợ chồng được bên nhau, bà đã dắt cô con gái út tiễn ông trở lại chiến khu. Họ đi dọc đường gần chợ Da Bà Bầu (chợ Nhật Tảo, quận 10 bây giờ) mà nhắn nhủ nhau lỡ có bị bắt thì giữ vững khí tiết kháng chiến.
Đó là đêm rằm tháng 5 âm lịch, tức khoảng giữa tháng 6-1959, trăng sáng vằng vặc y như những đêm họ mới thành đôi lứa trong lớp học Trường Chinh 3 dưới tán rừng tràm Cà Mau bảy năm về trước. Lúc chia tay chồng, bà còn tặng ông con dao nhỏ để dùng sinh hoạt hằng ngày mà cũng có thể tự vệ khi cần thiết.
Đi đến ngã ba đường Nguyễn Tiểu La thì vợ chồng chia tay. Ông Tuyển lưu luyến ôm vợ, hôn con rồi quay lưng đi về hướng Hố Bò (Củ Chi). Còn bà Ba Thi kìm lòng quay về để tiếp tục hoạt động ở khu vực Bàn Cờ trong nội thành. Đôi vợ chồng không thể ngờ đây lại là lần cuối cùng họ được bên nhau.
Rồi suốt thời gian dài sau đó, bà hoàn toàn bặt tin chồng dù hai người cùng hoạt động trên địa bàn Gia Định - Sài Gòn không xa nhau lắm. Bà chỉ nghe phong phanh có tin ông Tuyển đã ra Bắc rồi đi học Liên Xô mấy năm mới về.
Đây cũng là giai đoạn phong trào kháng chiến đang diễn biến phức tạp, nhiều người bị bắt bớ, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, bà chưa có điều kiện để biết tin về người chồng đang giữ trọng trách bí thư Tỉnh ủy Gia Định - một tỉnh rộng lớn giáp ranh đô thành Sài Gòn ngày ấy.
Trong trái tim người vợ không thể nghĩ chồng mình đã hy sinh và hai cô con gái thơ đã mất cha vĩnh viễn. Bà vẫn nghĩ chồng mình bận bịu nhiều trọng trách và cần giữ kín bí mật ở giai đoạn cách mạng đang gặp khó khăn.
Thực tế ngày tháng lịch sử đó, bà Ba Thi có người bạn cùng hoạt động kháng chiến là cô Năm Gà ở khu vực Bàn Cờ thường hay bắt liên lạc với cơ sở ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và đã phong phanh biết tin ông Tuyển hy sinh. Một người bạn khác cùng hoạt động nội thành với bà là cô Tư Minh cũng biết tin này. Nhưng cả hai người đều còn ngần ngại, chưa dám báo tin buồn này với bạn vì bà còn đang nuôi con nhỏ.
Nghẹn nghe tin chồng hy sinh
Mãi đến cuối năm 1960, bà Ba Thi tạm rời nội thành, nhận nhiệm vụ mới đi phối hợp xây dựng căn cứ ở vùng Củ Chi giáp ranh với Tây Ninh, gần cơ sở hoạt động của chồng mình. Viết lại chuyện ngày ấy, bà Ba Thi tâm sự "tôi vẫn còn nhớ y như chuyện mới xảy ra hôm qua".
Bà xách cái giỏ bàng có 20 quả vịt lộn và một cây thuốc lá với tâm trạng nôn nao của người vợ đã lâu ngày mới được gặp người chồng thương yêu của mình. Giao liên đoạn Sài Gòn - Củ Chi đưa bà đi xuyên đêm an toàn, tới bờ bên đây sông Sài Gòn để chờ giao liên bên kia qua đón đi tiếp. Khi gặp người giao liên thứ hai bờ bên kia qua đón, bà hỏi ngay tin chồng: "Anh Ba có khỏe không? Còn đi bao lâu nữa thì tui gặp ảnh?".
Người giao liên nhìn bà, không chịu trả lời rồi cúi mặt xuống, ngón chân cái cứ di di dưới đất. Mãi sau, anh ta mới nói nhỏ giọng nghèn nghẹn: "Anh Ba đâu còn nữa mà đón chị?". Bà Ba Thi sững sờ, lặng người đi. Bà muốn bật khóc nhưng không thể khóc được.
Người vợ kháng chiến cố gắng không để ai thấy giọt nước mắt của mình! Nhìn tình cảnh ấy, người giao liên đưa bà đi đoạn đầu đến bờ bên đây sông Sài Gòn, cằn nhằn trách anh giao liên kia sao không đưa bà qua sông hãy nói. Cố gắng giữ bình tĩnh, bà Ba Thi vượt qua bên kia sông, băng rừng cao su gặp ông Mười Hải đang ngồi đánh cờ để đợi bà. Và câu chuyện ông Nguyễn Trọng Tuyển chồng bà hy sinh như thế nào đã được kể lại như sau:
"Ngày 11-7-1959, anh Ba Thi đến xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh để đón anh Trần Bạch Đằng, đặc phái viên Xứ ủy Nam Bộ, đến phổ biến nghị quyết 15. Gián điệp địa phương hay tin anh Ba sắp đến nên bố trí sẵn một đại đội bảo an quân của Trảng Bàng bao vây từ 4h sáng ở ấp Bàu Trâu (xã An Tịnh) - nơi đồng bào đã chuẩn bị rất nhiều hầm bí mật.
Anh Ba Thi cùng với đồng chí Huyện ủy Trảng Bảng xuống hầm. Đến 4h chiều, chúng xom được hầm anh trú ẩn. Anh Ba, bí thư Tỉnh ủy Gia Định, mất năm anh vừa tròn 37 tuổi đời".
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối năm 1960, chuyện ông Tuyển hy sinh cũng chỉ là nghe kể lại, chưa thể đầy đủ chi tiết. Bởi bối cảnh lúc đó, những người đi cùng vị bí thư Tỉnh ủy Gia Định này đã bị bắt, chịu tù đày chưa về.
Còn những nhân chứng trực tiếp, tức những người dân địa phương ở quanh đó, đặc biệt là người trong gia đình, đã tận tay đào hầm che giấu ông thì kể gì?
Kỷ vật để lại
Đặc biệt có một chi tiết cảm động nữa là khi bị bao vây, quyết chọn hy sinh chứ không đầu hàng, ông Nguyễn Trọng Tuyển đã kịp đào đáy hầm để giấu kỷ vật của mình. Đó là một cuốn sổ tay sờn cũ, một cây viết máy hiệu Paker và một con dao nhỏ mà bà Ba Thi tặng chồng trong lần chia tay cuối cùng hồi giữa năm 1959.
Trong cuốn sổ tay, ông Tuyển vẫn kịp ghi lại mấy dòng chữ nhờ ông Tư Hồ, tỉnh đội trưởng Gia Định, nếu tìm thấy thì trao lại cây bút cho hai con gái làm kỷ vật về cha, và ông nhắn nhủ vợ mình tiếp tục vững vàng trên con đường lý tưởng mà vợ chồng đã chọn nhưng ông đành phải dở dang.
Và các kỷ vật liệt sĩ này đều đã được tìm thấy!
------------------
Ít người biết thời điểm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Nguyễn Trọng Tuyển hy sinh có mấy nhân chứng là người dân địa phương mà đến giờ vẫn còn sống để kể lại câu chuyện bi tráng. Họ nói đại đội quân bảo an Trảng Bàng bao vây hầm suốt nhiều tiếng và kêu gọi ông đầu hàng, cuối cùng dùng đến cả hun khói rơm và bơm nước cho ngập hầm để ông phải ra. Nhưng ông đã chọn hy sinh chứ không đầu hàng.
Kỳ tới: Thà hy sinh chứ không đầu hàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận