Thục Nữ trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam 2020 - Ảnh: Vie Channel
Qua cách Nguyễn Thục Nữ liên kết thông tin để đi đến đáp án về cuốn sách Đồi gió hú, có thể thấy cô không chỉ có trí nhớ tốt mà cần đến tâm hồn của một người yêu văn chương, quan tâm đến tác giả và tác phẩm cùng thời đại họ sống.
Thục Nữ chia sẻ, nhờ câu hỏi bất ngờ ấy cô mới nhận ra mình có tư duy liên kết những thứ tưởng chừng không liên quan đến nhau. Trí tuệ luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ mà con người không thể lường tới.
Tôi không nghĩ mình có "trí nhớ máy ảnh"
* Nữ có cho rằng mình có "trí nhớ máy ảnh" - khả năng nhớ hầu hết mọi thứ đã đọc thường thấy ở các thiên tài?
- Tôi không có khả năng đó đâu. Trước giờ tôi hay ghi nhớ theo bản năng, cộng thêm một vài phương pháp như mã hóa, bản đồ tư duy…
* Có quan điểm cho rằng con người là kết quả của tất cả những gì họ đã trải qua. Nếu một người không còn trí nhớ, họ không còn tính cách. Nữ nghĩ sao về điều này?
- Người ta thường nói: gieo thói quen gặt tính cách. Chính vì vậy, tôi cho rằng ngay cả khi mất đi trí nhớ, những gì mà người đó trải qua đã trở thành thói quen, thành bản năng thì nó vẫn nằm trong chính bản thân họ, nên tính cách vẫn ở đấy. Có thể khi bị mất trí nhớ, tính cách sẽ ẩn đi, nhưng dần dần nó sẽ lại hiện lên qua những sự kiện tiếp theo của cuộc đời họ.
* Những bộ sách, truyện như Harry Potter, Conan có gì đặc biệt để khiến bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần?
- Không phải ngẫu nhiên mà Harry Potter được mệnh danh là bộ truyện tuổi thơ của rất nhiều người. Tôi là người mơ mộng, thích đắm chìm vào thế giới của sự tưởng tượng, Harry Potter giúp tôi thỏa mãn được điều đó.
Còn Conan là bộ truyện tranh gắn bó với tôi từ rất nhỏ, gắn liền với nhiều kỷ niệm nhất trong tuổi thơ của tôi và cho đến tận bây giờ.
Chúng ta đang "mua nhiều hơn đọc"
* Truyền thông về văn hóa đọc, thói quen đọc ở Việt Nam đang gặp vấn đề gì, theo bạn?
- Truyền thông về văn hóa đọc hiện nay gặp rất nhiều vấn đề. Ngoài việc hô hào khiến cho các bạn mua nhiều hơn đọc, chạy theo hình thức, số lượng, thiếu chú trọng vào giá trị cốt lõi của việc đọc sách là tiếp thu và lan truyền tri thức.
Một số đơn vị xuất bản, nhà phát hành đang đẩy độc giả lên thành những người chơi sách, tự đặt giá trị cho sách không phải bằng nội dung vốn có của nó mà bằng hình thức bên ngoài quá nhiều, làm mất đi ý nghĩa ban đầu của việc đọc.
* Vậy cách tạo dựng cộng đồng đọc của Nhã Nam reading club, câu lạc bộ mà bạn là quản trị viên, có hiệu quả không?
- Cách tạo cộng đồng của Nhã Nam reading club cũng như một vài cộng đồng về sách khác đã, đang và sẽ tiếp tục tạo hiệu quả cao trong việc kết nối những người yêu sách lại với nhau.
Ngoài việc tạo ra một sân chơi để giao lưu, học hỏi, chia sẻ về sách, mỗi cá nhân còn được thoải mái thể hiện cá tính, quan điểm của mình. Tôi hi vọng càng ngày sẽ có thêm nhiều những cộng đồng như vậy.
* Nhiều người cho rằng hiện nay, nhờ Google và các hệ thống lưu trữ dữ liệu khổng lồ, con người không cần nhớ hết các kiến thức mà chỉ cần sở hữu kỹ năng để sử dụng kiến thức, còn "thứ gì không biết thì tra Google". Bạn có đồng tình?
- Con người và Google có thể chung sống hòa bình. Tuy nhiên, đừng để bản thân mình phụ thuộc vào máy móc khi trí óc của chúng ta có thể sáng tạo ra chúng.
* Bạn từng nói không đọc sách kỹ năng (self help). Dòng sách này có thể gây hại gì cho người đọc?
- Dòng sách self help, như tên gọi của nó, không phải là dòng sách gây hại, nhưng nó tùy thuộc vào độ tuổi của người đọc. Ví dụ, khi người ta còn bé, những cuốn sách như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn... đều là những cuốn có ích cho việc nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp.
Nhưng chúng ta phải hiểu rõ sách và thực tế của cuộc sống đôi khi rất xa vời. Nên nếu cứ mãi đắm chìm vào một dòng sách, đi theo những thứ ru ngủ bản thân thay vì hành động ở bên ngoài thì theo tôi là không nên.
Nguyễn Thục Nữ năm nay 24 tuổi. Cô vừa tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa (khoa y dược ĐH Quốc gia TP.HCM).
Khi còn học trung học, cô từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 (2013-2014).
Trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam 2020, Thục Nữ gây ấn tượng vì đã đọc và ghi nhớ 1.000 cuốn sách của 200 tác giả trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận