27/07/2018 10:19 GMT+7

Nguyện nửa đời lo hậu sự người dưng

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Gần 12 năm qua, ông đã lo hậu sự tươm tất cho cả trăm người khó. Không thể nhớ hết số lần, những ai. Từ dân tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên chính mảnh đất này.


Nguyện nửa đời lo hậu sự người dưng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thắng (trái) cùng bàn bạc việc hậu sự cho người nghèo với các trưởng làng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Người dân phường Hòa Khánh Nam nơi ông Nguyễn Xuân Thắng (62 tuổi) sinh sống và cả người dân phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) gần đó đều nhắc đến ông với một cái tên trìu mến "người đàn ông nghĩa hiệp" bởi ai khó khăn khi nhắm mắt xuôi tay ông đều lo chu tất. Chưa hết, ông còn lo cả đất đai chôn cất rồi thăm nom, săn sóc cả người thân, gia đình của những người quá cố.

Vì thương nên chẳng đành lòng

Một chiều mưa tầm tã năm 2006, một thi thể nam thanh niên dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành. Trên người không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân. Người dân gọi cho cơ quan chức năng. Sau khi giám định pháp y, nạn nhân vẫn nằm trên bãi cát. Phường đã gọi cho mấy dịch vụ mai táng nhưng vì thi thể chưa có thân nhân đến tìm nên không có một cơ sở nào nhận lo chôn cất.

Trời nhá nhem tối, tin đến tai ông Thắng, không do dự, ông gọi ngay cho hơn chục anh em, khoanh chiếc quan tài gần hai chục triệu bạc chạy về phía biển tiến hành lo hậu sự cho người xấu số. Xong xuôi đâu đấy, mọi người về đến nhà đã hơn 10 giờ tối, người ai cũng ướt đầm đìa. Cái nghiệp chôn cất người dưng vận vào người ông Thắng cũng từ ngày đó.

Trong căn nhà tình nghĩa lợp tôn cũ kỹ, ông Thắng bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên đến với cái nghiệp lo hậu sự cho người dưng của mình. "Nhìn người ta gặp nạn rứa mà không có người thân thích, tui thương vô cùng. Nghĩ thôi thì giúp họ được khúc nào hay khúc đó. Thế mà sau cứ rứa lại thấy nhà ai khó có người mất, tui không giúp được là không đành lòng" - ông Thắng nói.

Gần 12 năm qua, ông Thắng đã lo hậu sự tươm tất cho cả trăm người khó. Không thể nhớ hết số lần, những ai. Từ dân tứ xứ tha hương đến Đà Nẵng mưu sinh rồi qua đời trên chính mảnh đất này, đến bà con chòm xóm nghèo, cả người nước ngoài gặp nạn sông nước, người tai nạn giao thông… cứ đâu có người khó khăn mất là lập tức người ta gọi đến ông.

Ông Nguyễn Văn Thị - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh cho biết: "Những trường hợp như thế nhiều lắm. Với người xấu số vô danh, ông Thắng đều khâm liệm và chôn cất như người thân. Nhiều trường hợp sau khi ông lo khâm liệm chu tất, gia đình người bị nạn mới đến nhận. Biết hoàn cảnh khó khăn của họ, ông Thắng còn hỗ trợ tiền xe tàu, gạo cơm cho họ đưa nạn nhân về quê an táng".

Trả ơn cuộc đời

Vợ chồng ông Thắng có đến 6 đứa con. Hai vợ chồng làm nông, nên cái ăn cái mặc cho 8 miệng ăn rất chật vật. Năm 2005, nhà nước hỗ trợ cho ông 10 triệu đồng để sửa lại mái nhà cho có nơi đàng hoàng sinh sống. Cũng căn nhà bấy giờ, ông tận dụng mở luôn cơ sở mai táng. Cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều.

Ông Thắng bộc bạch: "Mình khó khăn xã hội giúp mình được, chừ mình có điều kiện thì giúp lại người khác thôi.". Giờ đây dù là chủ của một dịch vụ tang lễ với 60 nhân công nhưng hai vợ chồng ông Thắng vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa năm nào.

Trò chuyện với chúng tôi, điện thoại ông liên tục những cuộc gọi. Đa phần là báo có người qua đời gia cảnh khó khăn. Qua điện thoại, ông luôn nhắc nhân công: "Con nhớ hỗ trợ họ một xe tang, 1 xe kiệu, 1 ông tổng, 2 nữ phục vụ đám tang. Này, đợi chú nhờ bên Hội chữ thập đỏ xác minh xem gia đình khó thiệt là cho họ luôn chiếc quan tài".

Bà Huỳnh Thị Sanh, vợ ông Thắng cho biết có đợt làm đến 7 đám, xong xuôi mấy ngày về tính tiền nhân công hết, còn được 1,7 triệu. Ông gọi liền về Hội chữ thập đỏ phường Hòa Minh quyên ngay vào quỹ Hội đặng cuối tuần nấu cháo cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Lao. \Bà Sanh cười hiền: "Nhà chỉ còn hai vợ chồng, ổng bảo không dành chi cho bản thân nữa nên cứ sau vài đám, dồn được vài triệu bạc là gọi ủng hộ liền".

Với ông Thắng, việc có tiền dư trong người là hiếm, nhiều lắm chỉ vài trăm ngàn xăng xe, hút thuốc, có hôm còn vài chục bạc, gặp người khó ông cũng cho luôn.

Ông Nguyễn Đức Phẩm, đại diện Hội người cao tuổi khối Khánh Sơn chia sẻ: "Nói về ông Thắng thì không biết bao nhiêu mà kể. Không chỉ việc tang ma miễn phí cho người nghèo, ông Thắng còn ủng hộ hết mọi việc từ thiện hỗ trợ người khó khăn trong vùng, từ khuyến học, mua xe lăn cho người khuyết tật, hỗ trợ hộ nghèo…"

Ông Thắng còn lập một quỹ từ thiện riêng trong cơ sở của mình. Hơn 60 nhân công mỗi tháng một người góp 200 nghìn vào quỹ. Ông cho hay , nguồn quỹ sẽ là sợi dây nối dài việc nghĩa.

Nghĩa trang tình người

Cách đây nhiều năm, ông Thắng tích cóp mua một mảnh đất rộng chừng trăm mét vuông ở gần Nghĩa trang Khe Cái để hai vợ chồng lúc xế chiều có nơi an nghỉ. Bây giờ, nơi đây đã không còn chỗ trống với chi chít những ngôi mộ của người dưng. Trong vùng ai qua đời nghèo khó, không có đất chôn cất, những người vô gia cư… ông đều dành mảnh đất của mình làm nơi an táng.

Ông Lê Văn Thiết (60 tuổi) trú tổ 68, khối Khánh Sơn bày tỏ: "Anh Thắng là ân nhân của nhà tui. Tui chẳng biết nói làm sao cho hết tiếng cám ơn và cũng không có chi để mà báo đáp. Cả vợ và con trai tui mất đều một tay anh Thắng lo từ cỗ quan tài đến đất mồ mả".


ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên