12/06/2020 10:46 GMT+7

Nguyên nhân người không hút thuốc vẫn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khoảng 30% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) chưa bao giờ hút thuốc.

Nguyên nhân người không hút thuốc vẫn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh 1.

Các CT scan đường thở (màu đỏ) và phổi (màu đen) cho thấy phổ của chứng khó thở, với đường thở nhỏ hơn so với kích thước phổi (trái) so với đường thở kích thước bình thường (giữa) và lớn hơn đường thở thông thường (phải). Ảnh: medicalxpress.com

Từ lâu người ta cho rằng hút thuốc và ô nhiễm không khí là những nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tuy nhiên, khi tỉ lệ hút thuốc và ô nhiễm không khí nhìn chung giảm hơn tại Mỹ và phương Tây, số người mắc COPD vẫn tiếp tục được ghi nhận và khoảng 30% trong số này chưa bao giờ hút thuốc. Công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 9/6 đã đưa ra lời giải thích về vấn đề này.

Để tìm hiểu nguyên nhân, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành phân tích hình chụp phổi cắt lớp vi tính (CT) của 6.500 người lớn tuổi, gồm cả người hút thuốc và không hút thuốc và cả người mắc và không mắc COPD.

Tác giả hàng đầu của nghiên cứu, Benjamin Smith của Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia cho biết điều ngạc nhiên nhất là những người có đường hô hấp nhỏ hơn có nguy cơ mắc COPD cao hơn so với những người có đường hô hấp kích cỡ bình thường hoặc lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu về những người nghiện thuốc lá trong nhiều năm song không mắc COPD. Kết quả cho thấy những người này có đường hô hấp lớn hơn nhiều so với kích cỡ phổi của họ. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy những người có đường hô hấp lớn hơn thì có khả năng kháng lại ảnh hưởng nguy hại của việc hút thuốc lá.

Không khí mà chúng ta hít thở đi qua các khí quản vào các đường hô hấp nhỏ hơn gọi là cuống phổi và nhánh cuống phổi nhỏ. Khi chúng ta lớn lên, các đường hô hấp này phát triển tương ứng với kích cỡ của lá phổi. Tuy nhiên, ở một số người chúng lại trở nên nhỏ hơn hay lớn hơn so với kích cỡ lá phổi.

Theo ông Smith, nguyên nhân của vấn đề này chưa rõ ràng và cần nghiên cứu thêm. Song một khả năng là có liên quan tới quá trình phát triển của phổi từ khi chúng ta còn nằm trong bào thai cho đến khi lớn lên. Bất kỳ yếu tố nào như hút thuốc sớm, bị ô nhiễm không khí, virus đường hô hấp sẽ tác động tới quá trình phát triển của đường hô hấp.

COPD là nguyên nhân lớn thứ 4 gây tử vong ở Mỹ. Cứ 10 người trên 40 tuổi ở Mỹ thì có 1 người mắc phải căn bệnh này.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên