18/12/2017 15:38 GMT+7

Nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Táo bón là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Ước tính vào khoảng 28 - 50% số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên mắc phải.

Nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Ăn ít chất xơ là một trong những nguyên nhân gây táo bón. Ảnh: ecowatch.com

Táo bón (constipation) có nhiều nguyên nhân dẫn đến, có thể là thực thể có thể là chức năng trên một cơ thể người, gây nên các phiền toái trong sinh hoạt đời sống và ăn uống tiêu hóa của người bệnh. Táo bón là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cả trẻ em nhỏ. Ước tính vào khoảng 28 - 50% số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên mắc phải do nhiều yếu tố tác động vào khâu này. Có khoảng 10 nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi được các nhà lâm sàng tổng hợp:

- Thay đổi chế độ ăn ở người cao tuổi: Người cao tuổi thường có xu hướng ăn ít chất xơ hơn, do khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém. Vì lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giảm nên dễ dàng bị táo bón;

- Suy giảm các hoạt động thể chất ở người cao tuổi vì nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường; các bệnh hô hấp mạn tính như tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do thói quen ít hoạt động hoặc thói quen nhịn đại tiện lâu. Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón;

- Táo bón do thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính như thuốc kích thích beta-2 giao cảm hay các thuốc điều trị bệnh parkinson ở người cao tuổi làm tăng tiết nước bọt, khô môi, miệng. Thuốc này gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón;

- Bệnh trĩ là nguyên nhân cũng thường gặp dẫn đến triệu chứng táo bón ở người cao tuổi. Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu;

- Thói quen nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ giảm phản xạ đại tiện, gây tích trữ phân dẫn đến táo bón. Bệnh nhân càng bị táo bón, đi ngoài càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện và táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn;

- Nguyên nhân táo bón sau các phẫu thuật ổ bụng. Sự giảm nhu động ruột và cảm giác đau khi rặn dẫn đến bệnh nhân khó đại tiện kèm theo tình trạng phải ăn thức ăn tinh, ít chất xơ, lượng dịch bù không đủ làm phân khô lại, có trường hợp sờ thấy thành chuỗi cứng dọc theo khung đại tràng;

- Táo bón ở người cao tuổi có thể là do uống không đủ lượng nước hàng ngày. Nguyên nhân có thể do mắc các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện.

- Do nhu động đại tràng giảm, các cơ trực tràng và cơ thành bụng yếu nên khả năng tống phân ra bị suy giảm;

- Nguyên nhân bắt buộc phải loại trừ ở người cao tuổi có táo bón kéo dài, đó là các khối u, polyp của đại trực tràng;

- Nhóm người già tuổi từ 80 trở lên, đó là táo bón do suy tuyến giáp. Các triệu chứng kèm theo thường là mạch chậm và phù niêm, ăn uống khó tiêu tuy không rõ rệt như ở người trẻ.

Như trên, có thể thấy được táo bón có thể gặp do nhiều nguyên nhân hoặc chỉ một nguyên nhân đơn thuần kết hợp với các yếu tố thuận lợi làm phát sinh táo bón. Muốn giảm hoặc chấm dứt táo bón, nên đưa các cụ đi khám đúng chuyên khoa lão khoa để xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị giảm nhẹ hoặc dứt điểm tình trạng táo bón./.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên