10/07/2018 17:00 GMT+7

Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Trong khi cơ thể đang trải qua rất nhiều thay đổi thể chất khi bạn mang thai, bệnh trĩ có thể là một kích thích không mong muốn.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: http://ilaiki.net

Bệnh trĩ - tình trạng các tĩnh mạch bị sưng ở hậu môn và trực tràng là tình trạng khá phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối khi tử cung lớn hơn gây tăng áp lực lên các tĩnh mạch.

Bệnh trĩ có thể gây đau, cũng có thể gây ngứa, ngứa râm ran, hoặc chảy máu, đặc biệt là trong hoặc sau khi đi đại tiện.

Trong khi cơ thể của bạn đang trải qua rất nhiều thay đổi thể chất khi mang thai, bệnh trĩ có thể là một kích thích không mong muốn. Nhưng tin tốt là bệnh thường không có hại cho sức khỏe của bạn hoặc em bé, và mặc dù việc rặn trong quá trình chuyển dạ có thể làm trầm trọng thêm bệnh trĩ, nhưng trĩ thường tự biến mất sau khi sinh.

Một số phụ nữ lần đầu tiên mắc bệnh trĩ khi họ mang thai. Nhưng nếu bạn đã từng mắc bệnh trĩ trước đó, bạn sẽ có nhiều khả năng bị lại hoặc bệnh nặng hơn khi mang thai.

Những nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ trong khi mang thai

Khi thai nhi lớn dần lên, tử cung sẽ lớn hơn và bắt đầu đè vào xương chậu. Sự tăng trưởng này đặt rất nhiều áp lực lên tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng khiến các tĩnh mạch này có thể bị sưng to và gây đau đớn.

Sự gia tăng hormone progesterone trong khi mang thai cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trĩ, vì nó làm giãn các tĩnh mạch của bạn, làm cho chúng dễ bị sưng hơn. Sự gia tăng thể tích máu, làm giãn tĩnh mạch, cũng có thể gây ra trĩ trong thai kỳ.

Ba nguyên nhân phổ biến gây ra trĩ trong thai kỳ bao gồm:

- Rặn nhiều khi đi ngoài;

- Căng tức do tăng cân khi mang thai;

- Ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài.

Bệnh trĩ phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai bị táo bón

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Clinical Evidence, có tới 38% phụ nữ mang thai bị táo bón tại một số thời điểm trong thai kỳ.

Một trong số những nguyên nhân của táo bón trong thai kỳ là do tử cung đang lớn lên đè vào ruột. Viên sắt mà bạn đang uống cũng có thể góp phần gây táo bón, vì vậy bạn nên bổ sung sắt một cách tự nhiên thông qua chế độ ăn uống của bạn.

Các hormone khi mang thai cũng có thể làm chậm sự chuyển động của thức ăn qua đường tiêu hóa, làm cho táo bón dễ xảy ra hơn.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh trĩ trong thai kỳ

Tránh táo bón là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh trĩ trong thai kỳ. Dưới đây là các biện pháp để ngăn ngừa táo bón:

- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Có rất nhiều cách tốt để kết hợp nhiều chất xơ hơn vào chế độ ăn uống của bạn. Thực phẩm bổ sung chất xơ bao gồm các loại trái cây như lê (đặc biệt là khi bạn ăn cả vỏ), bơ và quả mọng; các loại rau như bông cải xanh, atisô và rau cải Brussels; ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch, gạo lứt, và thậm chí cả bỏng ngô; các loại đậu, bao gồm đậu lăng và đậu xanh; và đừng quên các loại hạt.

- Uống nhiều nước. Mục tiêu là 10 cốc nước mỗi ngày.

- Sử dụng nhà vệ sinh ngay khi bạn cảm thấy muốn đi ngoài. Nhịn đi ngoài có thể góp phần gây táo bón.

- Cố gắng không ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài. Nếu bạn ngồi tại nơi làm việc, hãy chắc chắn rằng bạn thường xuyên đứng dậy và đi bộ xung quanh trong vài phút mỗi giờ. Ở nhà, cố gắng nằm nghiêng khi bạn đọc sách hoặc xem TV, để giảm áp lực xuống các tĩnh mạch trực tràng của bạn.

- Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng một chất làm mềm phân. Điều này có thể giúp đỡ nếu các phương pháp khác không làm giảm táo bón. Sử dụng thuốc nhuận tràng điều trị táo bón không được khuyến cáo trong khi mang thai, vì chúng có thể gây mất nước và có thể kích thích các cơn co thắt tử cung.

Điều trị bệnh trĩ trong thai kỳ

Bệnh trĩ thường tiến triển tốt hơn sau khi mang thai, nhưng có một số điều bạn có thể làm để giảm ngứa và đau trong thời gian chờ đợi:

- Ngâm vùng trực tràng trong nước ấm nhiều lần trong ngày. Bạn cũng có thể đổ đầy bồn tắm thông thường với nước ấm để tạo ra một hiệu ứng tương tự.

- Chườm túi nước đá hoặc gạc lạnh vào khu vực này nhiều lần trong ngày. Chườm lạnh có thể làm giảm sưng và giúp giảm đau.

- Giữ hậu môn sạch và khô. Hãy thử sử dụng khăn ẩm hoặc khăn ướt để nhẹ nhàng làm sạch khu vực trực tràng sau khi đi ngoài. Dùng khăn ẩm/giấy ướt có thể nhẹ nhàng hơn giấy vệ sinh khô.

- Hãy chắc chắn vỗ nhẹ - không lau - khu vực trực tràng sau khi tắm hoặc đi ngoài. Độ ẩm dư thừa có thể gây kích ứng.

Nhưng trước khi bạn sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các loại kem bôi hoặc giấy ướt an toàn trong thai kỳ.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên