Sau nhiều ngày nghị án, chiều 31-8, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với 13 bị cáo trong vụ "xà xẻo" đất công tại khu dân cư Phước Thái (TP Biên Hòa).
Chủ đầu tư khu dân cư Phước Thái lãnh 14 năm tù
Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Quốc Tuấn (48 tuổi, ngụ TP.HCM, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái) 14 năm tù về tội "vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".
Cùng tội danh trên, hội đồng xét xử còn tuyên phạt 10 bị cáo khác là cán bộ, công chức nhà nước.
Cụ thể, tòa tuyên bị cáo Nguyễn Tấn Long (58 tuổi, cựu phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa) 10 năm tù; Nguyễn Tấn Tài (61 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai chi nhánh TP Biên Hòa) 9 năm tù.
Nguyễn Tấn Vinh (62 tuổi, cựu trưởng và phó Phòng tài nguyên - môi trường TP Biên Hòa) 8 năm tù, Hồ Bá Minh (64 tuổi, cựu phó phòng) 6 năm tù.
Hai chuyên viên Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai chi nhánh TP Biên Hòa là Trương Thành Giàu (46 tuổi) 6 năm tù và Nguyễn Mộng Hiền (55 tuổi) 5 năm 6 tháng tù.
Võ Cao Cường (44 tuổi, cựu chủ tịch UBND phường Tam Phước) và Nguyễn Văn Đức (62 tuổi, cựu phó chủ tịch) cùng lãnh mức án 7 năm tù. Hai cán bộ địa chính phường Tam Phước là Nguyễn Anh Thương (41 tuổi) và Võ Văn Huy (41 tuổi) cùng lãnh mức án 4 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Hữu Thành (59 tuổi, em trai bị cáo Nguyễn Văn Đức) lãnh án 7 năm tù cũng về tội danh trên.
Riêng bị cáo Lê Viết Hưng (66 tuổi, cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai) bị tuyên 5 năm 6 tháng tù về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
'Xà xẻo' đất công gây thất thoát gần 78 tỉ đồng
Tại buổi tuyên án, hội đồng xét xử nhận định Tuấn là người khởi xướng, chuẩn bị kế hoạch và các điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Tuấn cũng là người hưởng lợi trực tiếp từ hành vi phạm tội.
Tuấn là chủ đầu tư dự án và là thành viên của hội đồng bồi thường, do đó được xác định là chủ mưu trong vụ án. Vì vậy, Tuấn phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Cũng theo hội đồng xét xử, các bị cáo Long, Tài, Vinh, Cường và Thành có vai trò thực hành, giúp sức tích cực. Qua đó, giúp Tuấn thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 78 tỉ đồng.
Các bị cáo Đức, Thương, Huy, Giàu, Minh và Hiền có nhiệm vụ xác định nguồn gốc đất, xác định chủ sử dụng đất, thẩm định và trình phương án bồi thường cho hội đồng bồi thường… Tuy nhiên, các bị cáo đã có nhiều sai phạm, giúp sức cho những bị cáo khác trong vụ án.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của những bị cáo này nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước về kinh tế, quản lý đất đai. Các bị cáo phạm tội nhằm trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân… Do đó, cần có mức hình phạt nghiêm để cải tạo, răn đe đối với các bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Mặt khác, sau khi bị phát hiện sai phạm, các bị cáo đã nhanh chóng, tích cực khắc phục hậu quả. Ngoài bị cáo Tuấn và Thành thì những bị cáo còn lại đều không có động cơ, mục đích vụ lợi, không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên được xem xét giảm án.
Kiến nghị chấn chỉnh hoạt động quản lý đất đai
Qua công tác xét xử, hội đồng xét xử nhận định quản lý đất đai tại địa phương còn lỏng lẻo, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Hành vi của các bị cáo gây mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan hành chính trên địa bàn.
Do đó, hội đồng xét xử kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác tham mưu về quản lý đất đai tại địa phương nhằm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai.
Các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát đối với cán bộ công chức, cá nhân có liên quan trong vụ án nhưng chưa đủ hoặc chưa đến mức xử lý hình sự. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan công an tiếp tục điều tra đối với các cá nhân có liên quan trong vụ án và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận