Xe buýt tuyến 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) vắng khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong các báo cáo giải trình mà Sở GTVT TP nêu lý do xin bổ sung tiền trợ giá chưa làm rõ được vì sao số chuyến xe buýt giảm, hành khách giảm nhưng vẫn tăng trợ giá
Một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM
"Tiếng kêu" này là "giọt nước tràn ly" của quá trình phân bổ tiền trợ giá chưa đầy đủ kéo dài trong nhiều tháng qua...
Thiếu tiền nhiên liệu hàng trăm triệu đồng
Mới đây, Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam chi nhánh Đồng Nai vừa phát thông báo truy nợ tiền nhiên liệu khí gas CNG đối với Hợp tác xã (HTX) vận tải 28, tổng số tiền lên đến 685 triệu đồng.
Đây là số tiền nợ nhiên liệu của tháng 7-2018 mà HTX 28 hứa thanh toán nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện. Trong thông báo, đơn vị cung cấp nhiên liệu yêu cầu HTX 28 phải thanh toán trước ngày 5-10, nếu không sẽ ngừng cấp khí gas cho các xe buýt.
Đại diện HTX 28 cho biết vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP "giải cứu" khi cho HTX tạm ứng chi phí hoạt động của tháng 10 để trả tiền nợ nhiên liệu nói trên. Tuy nhiên, HTX vẫn chưa thoát khỏi cảnh nợ nần, đặc biệt là tiền nhiên liệu của tháng 8, tháng 9.
"Với tiền tạm ứng cho hoạt động xe buýt chỉ khoảng 50% từ đầu năm đến nay không đủ chi phí hoạt động. Đến nay, các xã viên gồng gánh bỏ tiền túi bù vào. Hết tiền, rồi phải vay mượn. Nhưng sự việc kéo dài khiến các xã viên không chịu nổi và lâm vào cảnh nợ nần..." - đại diện HTX 28 chia sẻ.
Ông Trần Trọng Thảo - giám đốc HTX Đông Nam, đơn vị hoạt động trên 8 tuyến xe buýt với hơn 150 xã viên - cho biết: "Tình hình hoạt động xe buýt hiện nay rất căng thẳng. Mỗi ngày, tùy theo tuyến có hàng chục trường hợp phải bỏ chuyến vì không còn chi phí đổ nhiên liệu, chi trả nhân viên...".
Việc nhiều xe buýt bỏ chuyến cũng góp phần làm sản lượng hành khách đi xe buýt giảm.
Chị T., xã viên HTX Đông Nam, than thở: "Do tiền trợ giá nhận được quá ít, chúng tôi phải cầm cự bằng cách cầm cố ngân hàng, vay bên ngoài... Có lúc muốn bán rẻ cả xe buýt nhưng chẳng ai mua".
Xe buýt TP.HCM vắng khách (ảnh chụp ngày 1-10 trên tuyến xe buýt số 24) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Nhiều lần thương thảo bất thành
Theo nguyên tắc, căn cứ dự toán phân bổ ngân sách TP trợ giá hoạt động xe buýt năm 2018 là 1.000 tỉ đồng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (thuộc Sở Giao thông vận tải TP) ký hợp đồng đặt hàng với các HTX để phân bổ lại tiền trợ giá trên.
Tuy nhiên, qua nhiều lần thương thảo, hợp đồng chính thức giữa ngành giao thông và các HTX vẫn chưa được ký chính thức. Vì vậy, khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho các HTX những tháng qua chỉ nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá tháng 12-2017.
Khoản chi phí này, theo các HTX, không đủ bù đắp hoạt động xe buýt khiến nhiều xã viên phải bỏ tiền túi, mượn, vay nợ để duy trì hoạt động.
Đại diện một HTX cho biết khoảng giữa năm nay, trong lần thương thảo hợp đồng đặt hàng, các HTX có ý kiến với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP về việc hưởng ứng chủ trương nâng chất lượng xe buýt của TP nên nhiều đơn vị đã đầu tư xe mới, xe chạy khí gas thân thiện với môi trường.
Vì vậy, giá trị đầu tư vào xe buýt mới cao hơn rất nhiều so với các xe đã đầu tư trước đó, chưa kể chi phí nhiên liệu, nhân công... đều tăng. Do đó, các HTX đề xuất cách tính trợ giá phải cao hơn năm 2017.
Từ cơ sở này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã lập dự toán trình Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị UBND TP bổ sung tăng chi phí trợ giá 330 tỉ đồng (nâng tổng chi phí trợ giá năm 2018 lên 1.330 tỉ đồng).
Sở Giao thông vận tải TP đề xuất với UBND TP trong thời gian chờ nguồn kinh phí bổ sung, sở dùng khoản tiền trợ giá 1.000 tỉ đồng chi cho công tác trợ giá từ tháng 1 đến hết tháng 8-2018 theo kế hoạch. Còn từ tháng 9 trở đi sẽ cắt giảm 55% số chuyến/ngày của từng tuyến xe buýt.
Đến tháng 8, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP ký hợp đồng đặt hàng với các HTX cũng trên cơ sở tiền trợ giá đã được bổ sung. Nhiều HTX phấn khởi, tưởng rằng sắp được thanh toán chi phí trợ giá đầy đủ.
Tuy nhiên, đề xuất bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt của Sở Giao thông vận tải TP bị "bắt giò" vì thực hiện chưa đúng trình tự, quy định, giải trình lý do chưa rõ ràng nên chưa được chấp thuận.
Một cán bộ thuộc Sở Tài chính TP đặt vấn đề: "Theo báo cáo đến tháng 8-2018, công tác giải ngân trợ giá chỉ hơn 40% trong khoảng 1.000 tỉ đồng cho các HTX. Như vậy, tiền ngân sách TP cấp còn dư dả mà tại sao sở lại xin bổ sung?".
Nhận thấy việc xin bổ sung kinh phí chưa được chấp thuận nên Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP "hủy kèo", đề nghị các HTX thương thảo ký lại hợp đồng đặt hàng trên cơ sở sử dụng ngân sách trợ giá 1.000 tỉ đồng cho cả năm 2018.
Cuộc thương thảo ký lại hợp đồng đặt hàng này diễn ra ngày 27-9, nhưng bất thành do nhiều HTX cho rằng mức trợ giá như trên đã giảm khoảng 25% so với hợp đồng trước đây.
Ngoài ra, theo các HTX, trong lần thương thảo hợp đồng lần 2, việc lập dự toán của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP về mức khoán doanh thu bán vé quá cao.
"Thực tế hành khách đi xe buýt đang có dấu hiệu giảm, khó tăng ở mức 20% so với năm trước mà trung tâm giao khoán cho các HTX" - một xã viên HTX Đông Nam nhận định.
UBND TP đang xử lý vụ việc
Trong văn bản kiến nghị khẩn cấp, các HTX vận tải xe buýt cho rằng trong thời gian chưa ký hợp đồng đặt hàng nên tăng mức tạm ứng tiền trợ giá lên 80% để các đơn vị có thêm chi phí cố gắng duy trì hoạt động.
Trong trường hợp các xã viên không đủ tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động, buộc phải ngừng nghỉ, đề nghị Sở GTVT TP không xử phạt...
Nếu các kiến nghị không được giải quyết sớm, các HTX không đảm bảo hoạt động ổn định kể từ sau ngày 15-10 vì nợ nần quá nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Thanh Bình - phó Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - xác nhận đơn vị đã nhận được văn bản kiến nghị khẩn cấp của các HTX.
Ông Bình thông tin thêm hiện UBND TP đang xử lý vụ việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận