Người Israel gốc Ả Rập ở thị trấn Sakhnin phía bắc Israel biểu tình ủng hộ người Palestine hôm 13-10 - Ảnh: Reuters |
Vụ đổ máu đầu tiên lần này xảy ra ngày 4-10, khi hai người Palestine dùng dao đâm chết hai người Do Thái.
Quân đội Israel đã hạ sát tại chỗ hai kẻ tấn công, đồng thời áp đặt các biện pháp an ninh hà khắc đối với người Palestine ở khu vực thánh đường al-Aqsa thiêng liêng của người Hồi giáo và phong tỏa khu phố của người Palestine ở Đông Jerusalem - nơi cư trú của hai người Palestine gây ra vụ án mạng trong ngày.
Vòng luẩn quẩn bạo lực
Từ đó đến nay, ngày nào cũng xảy ra các vụ người Palestine tấn công người Do Thái bằng dao và các vũ khí thô sơ khác. Tổng số người Do Thái thiệt mạng ngày càng tăng. Còn những người Palestine tấn công thì hầu như đều bị binh sĩ Israel hạ sát tại chỗ.
Hình thức và quy mô các vụ tấn công này cho thấy đây là những hành động tự phát nhưng đã xảy ra liên tục, kéo dài, ngày càng lan rộng. Bởi thế, người Palestine gọi các diễn biến này tương tự một “làn sóng nhân dân” hay một cuộc “nổi dậy” (Intifada) mới chống lại ách chiếm đóng của Israel.
Chính quyền Palestin của tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố ngay từ ngày 4-10 lên án những hành động bạo lực nhắm vào nguời Do Thái, đồng thời đang thu thập các bằng chứng để kiện thủ tướng Israel- Benjamin Netaniyahu ra tòa án hình sự quốc tế về “những tội ác giết chóc tập thể” nhắm vào người Palestin
Nội các an ninh của Israel cũng họp khẩn vào hôm qua và đã đề ra “những biện pháp kiên quyết” để chống lại “bạo lực khủng bố” từ phía Palestine.
Israel đã ra lệnh “đóng cửa” toàn bộ lãnh thổ Bờ Tây, phong tỏa các khu phố của người Ả Rập ở Đông Jerusalem và gọi quân dự bị nhập ngũ để sẵn sàng đối phó với tình hình mà một số bộ trưởng Israel cho là “đã vượt tầm kiểm soát”!
Israel còn thực hiện trở lại biện pháp trừng phạt bằng cách phá hủy nhà ở của những gia đình Palestine có người đã đâm chết dân Do Thái. Những biện pháp này của Israel càng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa phẫn uất của người Palestine.
Nguyên nhân trực tiếp khiến bột phát “làn sóng nhân dân” này là để phản kháng các biện pháp hà khắc do Israel áp đặt tại khu vực thánh đường al-Aqsa ở Jerusalem, lấy cớ “đảm bảo an ninh” cho khu vực thánh đường này trong dịp Đại lễ hiến tế (al-Adha) của người Hồi giáo diễn ra hồi cuối tháng 9.
Người Palestine cho rằng Israel đã cố tình lạm dụng việc này để xâm phạm quyền hành lễ thiêng liêng của người Hồi giáo. Dư luận Palestine còn tố cáo Israel có những hành động xâm phạm đến khuôn viên của khu vực thánh đường và “âm mưu Do Thái hóa” lấn chiếm khu vực thánh địa thiêng liêng thứ ba của người Hồi giáo toàn thế giới!
Chưa thấy hi vọng hòa giải
“Câu chuyện” về các mâu thuẫn tức thời và xung đột thâm căn cố đế giữa Palestine với Israel vốn đã là trung tâm cuộc xung đột Trung Đông từ hơn sáu thập niên qua, mấu chốt là “mối thù không thể khoan dung” giữa người Ả Rập với người Do Thái.
Các nỗ lực quốc tế, với thế lực bảo trợ hàng đầu là Mỹ, đã dốc nhiều công sức suốt mấy chục năm qua mong giải tỏa được cuộc xung đột mang đậm tính chất đối đầu dân tộc (Ả Rập - Do Thái) và tôn giáo (Hồi giáo - Do Thái giáo) này.
Rồi những “câu chuyện mới” của thời kỳ mới ập đến. Xung đột giữa Ả Rập với Iran dường như đang chiếm vị thế áp đảo các mâu thuẫn khác tại Trung Đông.
Với người Ả Rập, nay dường như Ba Tư còn nguy hiểm hơn cả “kẻ thù Do Thái” và “khủng bố IS”! Và cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Syria, với những tác nhân đối đầu - hợp tác đan xen chằng chịt cả quốc tế và khu vực, cũng bội phần phức tạp và nhức nhối, khiến các thế lực liên quan bị hút vào dù muốn hay không.
Trong hoàn cảnh ấy, ngọn cờ Palestine được kéo lên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 30-9 đúng là một sự kiện vĩ đại cho sự nghiệp Palestine, nhưng ánh hào quang của sự kiện ấy cũng kém phần rực rỡ rất nhiều bởi những đám mây mù từ Syria, Ukraine, Iran... lấn át!
“Bộ tứ quốc tế” (gồm Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và EU) bảo trợ “giải pháp hai nhà nước” giữa Palestine với Israel sắp tái hội tụ để đến gặp các lãnh tụ Palestine và Israel nhằm tác động làm dịu cuộc xung đột đẫm máu đang bùng phát hiện nay.
Liên đoàn Ả Rập cũng quyết định họp bất thường cấp ngoại trưởng. Nhưng thật khó hi vọng gì nhiều ở một số nỗ lực như thế, khi đôi bên trong cuộc chẳng bên nào chịu nhường bên nào.
Vấn đề nội bộ của Palestine Bản thân Palestine từ năm 2007 đến nay cũng đã hình thành hai thực thể phân liệt với nhau trên thực tế là chính quyền Bờ Tây do Tổng thống Abbas đứng đầu và chính quyền Gaza trong tay Phong trào Hamas. Israel có lý để cho rằng không thể có “giải pháp hai nhà nước” khi Palestine không có một chính quyền thống nhất. Viện cớ này, Israel tiếp tục chính sách xây dựng mới tại các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem - một chính sách bị cả thế giới lên án, và người Palestine coi đó là chủ đích chiếm đóng lâu dài lãnh thổ của Palestine. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận