Chủ xe kiên quyết không chịu hợp tác, cố thủ trong xe ô tô khi CSGT yêu cầu xuống xe - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tuy nhiên, gần đây tình trạng này xảy ra thường xuyên, có trường hợp người tham gia giao thông cù nhầy với rất nhiều lý do "khó đỡ".
"Cố thủ" trên xe có phạm luật?
Chiều 23-7, khi kiểm tra phương tiện trên xa lộ Hà Nội đoạn qua P.Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM), Đội CSGT Cát Lái đã phát hiện ôtô Mercedes (biển số 51G - 947xx) vi phạm lỗi dừng đỗ nơi có biểm cấm.
Tuy nhiên, tài xế cùng nhóm người trên xe đã bỏ đi, còn một người đàn ông nhận là chủ xe vẫn cố thủ trong xe ô tô, mặc cho tổ cảnh sát giao thông đã yêu cầu, thuyết phục người này xuống xe để lực lượng cẩu xe về trụ sở giải quyết. Lý do người này đưa ra là trên xe có nhiều tiền nên không thể xuống xe.
Phải mất khoảng hai giờ (từ hơn 16h đến 18h), công an mới đưa được người đàn ông ra khỏi xe.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), bản thân phương tiện giao thông không thể vi phạm pháp luật, mà người điều khiển phương tiện này mới vi phạm quy định. Trong một số trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Trong trường hợp trên, người ngồi trên xe không lái xe thì không vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, khi có hiệu lệnh của cơ quan chức năng, trên xe chỉ có người này mà người này không chấp hành, "cố thủ" trên xe thì lúc này đã vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Công, việc "cố thủ", đôi co gây mất thời gian, trở ngại cho việc xử lý của lực lượng, giảm hiệu lực thực thi pháp luật của người thi hành công vụ, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ theo khoản 2, điều 20 nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt 2-3 triệu đồng.
CSGT niêm phong ôtô của người đàn ông “cố thủ” trong xe - Ảnh: C.TUẤN
Cần hỗ trợ người dân đảm bảo tài sản
Về vấn đề tài sản trên xe, luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản, đưa phương tiện về nơi quy định để xử lý nếu người vi phạm không hợp tác. Theo quy định, người ra quyết định tạm giữ, ở đây là lực lượng CSGT, chỉ phải chịu trách nhiệm với phương tiện bị tạm giữ, còn đối với tài sản trên phương tiện thì chủ xe, chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm.
Cảnh sát giao thông cũng không có chức năng cưỡng chế, ra quyết định niêm phong tài sản trên xe.
Cảnh sát giao thông cũng không có quyền cưỡng chế người ngồi trong phương tiện giao thông ra ngoài. Chỉ khi người này có hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ mới có thể bị xử lý.
Theo luật sư Thuấn, lý do người đàn ông đưa ra cũng có một phần lý, bởi nếu người này mang theo nhiều tài sản ra khỏi xe có khả năng sẽ gặp nguy hiểm. Trong trường hợp này, để vừa có thể xử lý phương tiện vi phạm vừa bảo đảm quyền hợp pháp của cá nhân không vi phạm, tài sản của công dân thì cơ quan chức năng có thể gọi taxi để người đàn ông này về nhà, hoặc cử người hỗ trợ, giúp áp tải tài sản này về nhà hoặc về ngân hàng để gửi giữ tài sản.
Ở nhiều nước trên thế giới, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu các lực lượng khác hỗ trợ gửi giữ tài sản cho người vi phạm, rồi có thể tiếp tục xử lý xe.
Trong trường hợp đã tạo điều kiện, vận động, thuyết phục mà người này không chịu ra khỏi xe thì lực lượng chức năng phải lập biên bản, ghi rõ ý kiến của người này và tiếp tục xử lý phương tiện vi phạm theo quy định (tức cẩu xe về nơi quy định).
Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng khi lập biên bản tạm giữ phương tiện, cơ quan chức năng phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ...
Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử để bảo đảm kỷ cương thi hành công vụ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho hay lực lượng CSGT đã lập biên bản để xử lý hành vi vi phạm lỗi dừng đậu của tài xế ôtô. Tuy nhiên, người đàn ông ngồi trong xe "cố thủ" không phải là người lái xe, không phải là đối tượng vi phạm giao thông mà lực lượng phải xử lý.
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm phải tuân thủ quy định pháp luật. Trong khi hiện nay pháp luật chỉ quy định xử lý vi phạm đối với người vi phạm giao thông (người điều khiển, người tham gia giao thông - PV).
Trường hợp cụ thể của người đàn ông "cố thủ" trong xe dù gây mất thời gian, trở ngại cho công tác xử lý vi phạm của CSGT nhưng quy định hiện hành trong lĩnh vực giao thông không có chế tài cho hành vi này, nên lực lượng không thể xử lý được.
"Gặp trường hợp như vậy thì lực lượng làm nhiệm vụ phải vận động, giải quyết bằng cách khác để yêu cầu người này ra khỏi xe..." - trung tá Nguyễn Văn Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận