Bếp lửa sớm mai của một ngày tháng Chạp
Hơn 20 năm rồi, cha vẫn tin rằng có ngày chú sẽ quay lại, nhất là những khi cạn ngày năm cũ, Tết đã cận kề.
Chú làm công cho xí nghiệp sản xuất mía đường ngoài phố huyện. Sau này tôi mới biết, chú từng quản lý một công ty mấy trăm người. Đến khi sa cơ lỡ vận, sự nghiệp tan tành, chỉ còn hai bàn tay trắng thì gia đình cũng tan tác. Chú lưu lạc khắp nơi rồi đậu lại vùng đất gió Tây Nam xao xác này.
Lúc cha mới dựng nhà trên mảnh đất mới, đúng tiết trời tháng Tư gió thổi về hầm hập. Cha lo xa cho những mùa nắng dữ năm sau, nên xin được bất cứ hạt giống cây nào đều vùi xuống đất với hi vọng sẽ phủ xanh cả mảnh đất đầy sỏi cát và thông thốc gió núi này.
Chú bảo mỗi bận đi ngang qua nhà tôi, tinh sương nào cũng thấy khói len đầy chái bếp và mùi nước ngô thơm đằm trong gió sớm, cảm giác rất đỗi gần gũi và thân thuộc. Vậy nên thành một cái duyên, một thói quen, cứ có thời gian là chú đến và mang vô số những hạt xoài tượng, quả dừa đã lên mầm và những cây bạch đàn con cho nhà tôi.
Chú uống chén nước râu ngô, trò chuyện với cha vài ba câu rồi lại đi. Và mỗi bận chú đến, thường cho tôi một gói kẹo dẻo phủ những hạt đường cát li ti bên ngoài, loại kẹo rất lạ lẫm với những đứa trẻ quê chỉ biết đến sắn khoai lúc bấy giờ. Chú thường dắt mấy anh em chúng tôi ra vườn, chỉ cho tôi biết từng thân cây một.
Đây là giống xoài quả dài, gọi là xoài tượng, kia là mít ướt còn này là mít ráo. Giống dừa này gọi là dừa xiêm có trái nhỏ, còn kia là dừa sọ lớn…
Những năm đầu của thập niên 90, chưa có những loại cây giống lai tạo, cắt ghép ngắn ngày cho quả như bây giờ. Muốn có cây ăn trái, phải ươm hạt, trồng và chăm bón, đợi từng ngày. Với tôi, sự trông ngóng và chờ đợi cây ra hoa kết trái khi đó lại là niềm vui bất tận của tôi.
Chú nói rằng nhớ quê nhưng chẳng có nhà mà về nữa. Đã hơn 10 năm nay, mỗi bận cuối năm nhìn khói bếp bay lên lại thấy đời mình thêm hao khuyết…
Cha bảo hãy cứ coi đây là nhà mình và mảnh đất này là quê hương mới của mình. Đất luôn cưu mang hết thảy những phận người! Khu vườn ngày một lên xanh bao bọc nếp nhà làm vơi đi cái nắng gay gắt tháng Tư và gió rét hun hút thổi về mỗi khi tháng Chạp.
Chú cùng cha lợp lại mái tranh chuẩn bị đón Tết về
Mỗi một cái cây trong vườn lớn lên thì sợi dây gắn kết giữa chú và gia đình chúng tôi càng thêm bền chặt. Mỗi bận chăm cây trong vườn, vốc từng nắm đất vun xới rồi trầm ngâm thật lâu, ánh mắt như màu sương giăng tháng Chạp. Đất nơi nào cũng cưu mang nhưng trong tim chú, vẫn luôn đau đáu một quê hương, dẫu nơi ấy gợi lại bao thăng trầm mất được của một thời trai trẻ…
Khu vườn theo năm tháng càng um tùm cây trái và tôi cũng cũng quen với hình ảnh cả gia đình quây quần bên gian bếp đỏ lửa, má giã gạo hong than mỗi mùa mưa dầm chuyển Chạp còn cha và chú uống trà râu ngô. Mấy anh em chúng tôi thì lảy những hạt ngô tẻ treo trên gác bếp bỏ trong chiếc bảy bằng đồng đã nóng lửa, chờ chúng nổ bung trong tiếng cười rộn rã.
Những chiếc bóng in lên bức vách đầy vết thời gian và loang màu khói trắng. Mùi sương phảng phất bên hiên lẫn trong mùi lá vườn, mùi của nhũng quả chuối sứ bị lũ dơi ăn đêm bỏ lại và mùi bỏng ngô tẻ thơm giòn hòa trộn vào nhau. Đó chính là mùi của Tết quê, mùi của quê hương.
Rồi cứ cạn Chạp chú lại tranh thủ giúp cha lợp lại mái tranh những chỗ bị nắng mưa làm mục nát.
Tôi nhớ nhất là trước đêm giao thừa năm nào cũng thế, khi đôi vai cha gầy hơn vì cái lo giáp hạt, khi má cố giấu sự lo âu vì dăm ba ngày tết vẫn phải dè xẻn ăn cho đủ bữa thì chú đến từ khi còn mờ hơi đất, sương lạnh của ngày cuối năm đọng trên tóc để mang cho mấy phong bánh in được gói trong giấy màu, lưng bao gạo hẩm cùng một ít trà lá vụn.
Đó chính là phần quà Tết của chú. Và những chiếc bánh đầy màu sắc ấy luôn lấp lánh giấc mơ thơ trẻ của tôi và cho đến tận sau này, trở thành một vệt ký ức vô cùng đậm sâu.
Năm rộng tháng dài nối tiếp nhau, những cây dừa giống chú mang đến trồng giờ đã cao hơn mái nhà, trái từng buồng nặng trĩu. Những cây mít, cây xoài đến mùa cũng đua nhau ra chùm chùm quả ngọt. Gian bếp vẫn ám đầy muội khói và cha vẫn chong đèn khơi tàn lửa, nấu ấm râu ngô sôi tràn miệng bếp, bốc khói thơm trong những sáng mờ hơi sương.
Chỉ có chú là đi không hẹn ngày trở lại. Tháng Chạp năm ấy, rét về căm căm, chú thức thâu đêm cùng cha bên gian bếp ấm. Hai người đàn ông đứng tuổi, với bao câu chuyện đời, chuyện người tưởng không bảo giờ cạn, và cũng là lời từ biệt để sớm mai ra chú lại đi. Cho đến bây giờ, qua bao nhiêu năm tháng, cả nhà tôi luôn xem chú là một thành viên trong gia đình.
Chúng tôi nhớ về chú trong từng câu chuyện của cha khi kể về những tháng ngày đầy thiếu thốn thuở nào, trong những lúc dọn lại khu vườn giờ đã um tùm cây trái, trong những khi tháng Chạp rét se mờ hơi sương và nhất là những khi sắp cạn ngày năm cũ, chuẩn bị thời khắc giao thừa…
Sau này trên bước đường áo cơm, tôi vẫn hỏi thăm về chú song mọi thứ cứ lặng im như sương khói. Rồi dịch bệnh kéo dài, trong dòng người lũ lượt bỏ phố về quê, cha vẫn giữ niềm tin chú sẽ quay trở lại. Hàng dừa thuở xưa giờ đã thành dừa lão, tôi vẫn thường gom những tàu khô rụng chất đầy góc bếp, nhóm lửa khói lên sớm tối.
Và tôi luôn tin rằng, trong một sớm mai nào đó rét se của ngày cạn Chạp, bóng người đi trong sương sớm sẽ về kịp trước khắc giao thừa, để giấc mơ tôi lại thơm mùi sương sớm của ngày đoàn viên với bao kỷ niệm!
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận