19/01/2022 14:52 GMT+7

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má

AN NGUYÊN
AN NGUYÊN

TTO - Mặc cho những bộn bề, ngổn ngang còn dư âm sau cơn đại dịch. Như mọi năm, trước chạp nửa tháng má lại xuống giống trồng khổ qua, với "niềm tin" chắc như bắp rằng: "Bao nhiêu cái khổ của năm này trong thiên hạ sẽ trôi qua hết...".

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 1.

Món khổ qua của má tôi - Ảnh tác giả cung cấp

Gọi là xuống giống cho ra vẻ nhà vườn vậy chứ mấy giàn khổ qua của má toàn trồng trong... chậu! Vườn đầy cây ăn trái nên má nghĩ ra cách đương mấy tấm vỉ tre làm giàn cặm vô chậu rồi đem kê ngay mấy chỗ có nắng để trồng. 

"Tết đứa nào bày món gì bày, còn lại dưa mít, dưa cải, khổ qua hầm, để má". Mấy chục Tết, má thủy chung với bấy nhiêu món cổ truyền dân dã. Đặc biệt là món khổ qua hầm.

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 2.

Vườn khổ qua trồng chậu của má tôi

Có năm, ngày cận Tết khổ qua ngoài chợ khan hiếm, giá cao ngất ngưởng. Người đi chợ than tiền mua khổ qua còn nhiều hơn tiền mua thịt. Than nhưng rồi ai cũng bấm bụng mua.

Cái sự lo của má không đơn giản là đi chợ lựa mua mớ trái khổ qua về ngồi móc hạt, nhồi thịt vô trái, thả vào nồi hầm chín là xong. 

Bữa sáng mùa xuân se se lạnh, má cắp rổ ra vườn. Thấy Tết vàng hực một góc vườn. Tết treo lủng lẳng, xanh mơn trên mấy giàn khổ qua. Năm này má trồng loại khổ qua trái dài. Trái nào trái nấy cũng tạo dáng cong veo, õng ẹo. Má nhẹ nhàng từng trái, từng trái chừng tí đã đầy rổ.

Món khổ qua hầm của má đúng nghĩa là bao ngon, bao sạch. Từ gieo hạt, ươm mầm, chăm sóc đến ra hoa, đậu quả. Từ vườn vào bếp đến thành món nồng nàn hương vị mùa xuân lên mâm cúng chiều ba mươi rước ông bà.

Kế bên mấy chậu khổ qua má trồng thêm mớ hoa vạn thọ, chen thêm mớ bắp nếp. Sáng chưa bét mắt đã thấy má lụi hụi ra vườn. 

Tỉa trồng cho má bận rộn chuyện cỏ cây, quên những không vui của tháng ngày dịch dã. Má tưới hoa, tưới rau, tưới luôn... cỏ. Mảnh vườn hoa cỏ đúng cảnh cỏ chen lá, lá chen hoa...

Có năm, thấy hình dáng mớ khổ qua cong veo phức tạp quá, máu làm biếng nổi lên, tôi bèn "hiến kế": "Để con cắt làm đôi cho dễ móc ruột". 

Má gạt, biểu để má làm cho vừa ý. Khứa một nhát dao ở đuôi trái, má dùng cán muỗng inox khựi khựi, tỉ mẩn từng hạt, từng hạt đến không còn hạt nào. Rổ khổ qua, qua bàn tay má sau "xử lý" vẫn nguyên vẹn dáng hình.

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 3.

Khổ qua má nhồi đẹp lắm

Khổ qua nhà trồng, không phun xịt nhưng má vẫn cẩn thận rửa với nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, rồi chúc ngược xuống cho đến khi ráo hết nước. 

Nhân dồn khổ qua, nguyên liệu chính là thịt heo với 7 phần nạc 3 phần mỡ được xay hoặc băm nhuyễn, trộn với ít tôm khô ngâm mềm, giã nhuyễn, và các loại gia vị: củ hành tím, bột ngọt, đường, muối, tiêu và nước mắm, ướp từ hôm trước để vào tủ lạnh cho thấm đều gia vị.

Mười Tết như một, công thức ướp nhân thịt dồn khổ qua của má không theo một định lượng cố định nào mà chỉ toàn theo cảm tính! Thành thử, muốn "kế thừa" kinh nghiệm món khổ qua hầm của má cũng gian nan!

Công đoạn hầm khổ qua theo ý má cũng nhiêu khê. Nhất định phải hầm bằng bếp củi má mới chịu. "Hầm bếp củi, trái khổ qua mềm đều, không chín hỗn". Tôi hì hụi phụ má nhóm củi, nghe "hương vị mùa xuân" cay nồng lên mũi, lên mắt tèm nhem!

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 4.

Má hầm khổ qua bằng bếp củi

Má xắt lát mấy củ hành tím thả vô nồi nước, rồi thêm tí muối, đường, bột ngọt, và vài muỗng nước mắm ngon. Trong lúc đứng "tác nghiệp", tôi học lõm được "chiêu" thả khổ qua vào nồi nước đang sôi ì ầm trên bếp củi: "Thoa nước mắm cho thịt săn lại, thả vào nồi, phần thịt nhồi không bị rớt ra".

Tiếng củi lửa nổ tí tách nghe vui tai, thấy Tết về, nghe hương vị mùa xuân nồng nàn gian bếp củi. Cả năm đỏ lửa được vài bận giỗ quải và Tết, chắc gian bếp cũng chạnh lòng! 

Nia khổ qua xanh mơn, vô nồi, tích tắc chuyển vàng. Rồi thì đẩy gộc củi bự vô bếp, để đó, đi mần chuyện khác. Chút lại tạt vô thăm chừng. Chừng gộc củi tan thành tro, thành khói là nồi khổ qua hầm bếp củi của má tỏa mùi thơm lừng.

Nhớ hồi lũ con má còn nhỏ. Tết, nhìn nồi khổ qua đứa nào cũng sợ lè lưỡi. Đến bữa len lén moi cục nhân thịt, chừa đám trái rỗng ruột, lềnh bềnh trong nồi nước. Giờ đám con má đã "sành ăn", Tết chưa cạn mùng chứ nồi khổ qua hầm bự chảng của má sạch sành sanh.

Giữa tứ bề nem, chả trên mâm cúng chiều ba mươi, món khổ qua hầm của má lúc nào cũng "kiêu hãnh". Khách thưởng thức ai cũng tấm tắc. Má cười, khoe: "Khổ qua tui trồng, bao sạch, bao ngon, bao sang năm hết khổ!

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 5.

Cỗ Tết nhà tôi còn có món bánh tráng, thịt ram, dưa mít dân dã

Mặc cho thế sự trải qua những trầm luân. Mùa vẫn giao hòa, và hoa vẫn chộn rộn nở. Dẫu buồn, dẫu vui ngày vẫn trôi, ba trăm sáu lăm ngày của một năm cũng đang dần cạn. Chừng mươi hôm nữa là hết năm. 

Một năm mà ai nấy đều chất chứa đầy ứ những ưu tư, khắc khoải về cơn đại dịch COVID-19. Thôi thì tạm gác lại những bộn bề năm cũ. Tâm thế buồn, vui cũng phải đón một mùa xuân nữa đang về...

Hết rét buốt, sẽ chỉ còn se se lạnh. Nắng hanh hao ươm hương vị mùa xuân nồng nàn. Đôi khi, gửi gắm niềm tin vào mớ hoa, mớ trái cũng là cách để tự an ủi lòng, hy vọng một năm mới mọi điều sẽ tươi mới! Như cách má gửi "niềm tin" vào món khổ qua hầm mỗi Tết:

Những khổ năm cũ sẽ trôi qua.

Sẽ chỉ còn hương vị mùa xuân ngọt ngào đọng lại.

Món khổ qua hầm thịt kiêu hãnh của má - Ảnh 6.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Cá lóc nướng trui, gà luộc xé phay: Món dân dã mà đậm đà hương vị Tết Cá lóc nướng trui, gà luộc xé phay: Món dân dã mà đậm đà hương vị Tết

TTO - Các món ăn hết sức bình dân của người ở quê từ lâu thường hiện diện trên mâm cơm cúng ông bà vào ngày 30 Tết. Gia đình tôi cũng vậy, năm nào cũng có cá lóc nướng trui, gà luộc xé phay cúng rước ông bà ngày cuối năm.

AN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên