30/08/2015 16:25 GMT+7

​Người trẻ trước những di chỉ của ký ức

PHAN NHẬT ANH
PHAN NHẬT ANH

TTO - Cảm thức chấn thương của văn học hậu chiến được thúc đẩy mạnh mẽ trong các sáng tác từ thập niên 1980.

Đó là không gian lưu giữ một phần ký ức của dân tộc, phô bày những góc khuất của đời sống đa diện, hay tái hiện môi trường văn hóa của các giai đoạn xã hội nhất định mà đôi khi những không gian ký ức khác khó mà bao quát hết.

Gần đây, có thể kể đến những cây bút phục dựng không gian ký ức ấy như Nguyễn Bình Phương, Lê Văn Nghĩa, Sương Nguyệt Anh và Bình Ca. Họ đã góp phần định hình trong nhận thức của một thế hệ lớn lên không khói súng những giá trị về lẽ tồn vong của dân tộc.

Phía tây biên thùy

Đã có một thời gian rất dài hai cuộc chiến biên giới phía Bắc và Tây Nam của dân tộc Việt Nam những năm 1979 là một khoảng trống trong nhận thức của người trẻ. Lịch sử không thể bị lãng quên. Nhưng tiếp nhận lịch sử không chỉ có chiến tranh. Nó còn là một đời sống đa diện, phong phú và phức tạp.

Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mình và Họ của Nguyễn Bình Phương gắn liền với hai cuộc chiến, một chống Pol Pot, một chống Trung Quốc. Cả hai đều lưu giữ những phần ký ức thật riêng biệt. Ở đó không có tượng đài anh hùng tạc nên lý tưởng của thời đại. Câu chuyện về họ, đơn thuần là những người lính gắn liền một phần cuộc đời với chiến tranh, để từ đó bắt gặp số phận mình trong những ngã rẽ khốc liệt.

Đó là Tùng, trong Miền hoang, một người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K lạc rừng cùng “đám tàn binh Pol Pot”. Đó còn là Hiếu trong Mình và Họ với ký ức của người lính và của một hồn ma trong chuyến xe lên và xuống, mở ra những không gian khuất nhất, tăm tối nhất của cuộc chiến biên giới phía Bắc: câu chuyện về phỉ.

Cả Tùng và Hiếu đều giống nhau vì họ phải bước đi trong bản lề của cuộc chiến. Họ không ghi danh mình trong những bản vàng của chiến tích. Với họ, cuộc chiến mà trước đó mình phải gánh lấy đã ở lại đâu đó trong phút trận tàn. Chiến trường của họ không có khói súng, đạn bom mà là những dằn xé của bản ngã, dục vọng.

Ký ức chiến tranh trong văn học hậu chiến đã tiếp nhận những vị trí bên lề của họ. Đó chính là khoảng trống cần được lắp đầy trong nhận thức của người trẻ, để họ biết đã có một thế hệ đi qua trận mạc với những góc khuất bên cạnh vô vàn tượng đài ngoài kia.

Ký ức đô thị

Chấn thương thời hậu chiến trong quá trình tiếp nhận của người trẻ còn là những khoảng trống trong không gian tinh thần. Đó là một hệ thống không gian xã hội không chỉ có khói lửa của trận mạc, mà còn là đời sống đa dạng với các phương thức sinh hoạt, thể hiện những nét đặc trưng của thời cuộc tại các đô thị.

Lê Văn Nghĩa trong Mùa hè năm PetrusChú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và Bình Ca trong Quân khu Nam Đồng đã phục dựng không gian văn hóa của các đô thị thời chiến. Cả hai không gian này đều gắn liền với những câu chuyện của tuổi học trò.

Đó là một Sài Gòn của những thập niên 1960-1970, khi đô thị này trở thành hòn ngọc Viễn Đông. Sài Gòn được định hình trong thứ ngôn ngữ bình dân bất hủ của “quỷ kiến sầu”, “tổ sư Bồ Đề”, “hầm-bà-lằn-xán-cấu”… pha lẫn thứ tiếng nửa ta nửa Tàu của “chủ xành”, “xực phàn mì”, “hắc xịt xập hù” tại các khu người Hoa quận 5, quận 6.

Một Sài Gòn với những chuyện coi cọp, trốn vé của tuổi nhỏ trong các rạp chiếu phim lừng danh Đại Đồng, Việt Long hay những hiệu sách một thời Khai Trí, Xuân Thu. Không gian Sài Gòn ấy là một đô thị “tả pín lù”, của những thị dân “dẫu hèn cũng thể” thường trực trên môi như một phương châm sống.

Đó còn là một Hà Nội của thập niên 1980 được khắc họa qua những cư dân gia binh của các quân khu Nam Đồng, Lý Nam Đế, 1A Hoàng Văn Thụ và 28 Điện Biên,… Ở đó, Hà Nội hiện lên với những khu tập thể, những mái nhà thường xuyên thiếu vắng đàn ông và người phụ nữ vừa là mẹ, là cha phải chóng chầy mọi việc.

Hà Nội của những tem phiếu, phân suất, của tuổi học trò yêu đương hờn giận qua những bức thư tay chép vội, của những trận đánh con nhà binh để từ đó định nên nhân cách khi bước vào đời.

Đã có một Sài Gòn và Hà Nội trong cảm thức văn chương hậu chiến như thế. Người trẻ khi bước đi giữa phồn hoa đô thị hôm nay thật khó hình dung về những không gian quá vãn của chúng nếu họ không được tái hiện qua những phần ký ức còn được lưu giữ đâu đó.

Việc tiếp nhận những ký ức này sẽ định hình trong tư duy của những chủ nhân đất nước về một tâm thế và tầm nhìn sâu rộng, khi chính họ phải lựa chọn cho dân tộc một tính cách trong cuộc giao tranh văn minh hiện đại.

PHAN NHẬT ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên