08/07/2014 02:31 GMT+7

Người trẻ tìm việc ở trong thế khó

HẢI THI
HẢI THI

TT - Ứng viên trẻ Việt Nam ngày càng chật vật kiếm việc do doanh nghiệp giảm mạnh nhu cầu tuyển dụng ở phân khúc “người mới”, đó là nhận định của trang web tuyển dụng Vietnamworks trong báo cáo thị trường nhân lực trực tuyến sáu tháng đầu năm 2014.

Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng dành cho các đối tượng sinh viên mới ra trường, thực tập sinh, người chưa có kinh nghiệm giảm đến 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, phân khúc lao động cao cấp, nhiều kinh nghiệm càng được doanh nghiệp ráo riết săn đón với nhu cầu tăng đến 29%. Theo ông Jonah Levey - chủ tịch HĐQT Vietnamworks, trong môi trường kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay doanh nghiệp phải ưu tiên lựa chọn tuyển người làm việc được ngay.

Hai con số trên góp phần giải tỏa thắc mắc: tại sao doanh nghiệp vẫn đăng tuyển, nhu cầu tuyển dụng - cụ thể là tuyển dụng trực tuyến - liên tục tăng (theo báo cáo là tăng 23% so với hai quý đầu năm ngoái) nhưng vẫn có hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp. Có một thực trạng khập khiễng: lao động mới ra trường, non kinh nghiệm “khát” nơi để học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề, trong khi doanh nghiệp cần người được việc để có thể cống hiến “ngay, nhiều, hiệu quả”.

Tháng 10 năm ngoái, khi ông Keng Chong Yan, chuyên gia nhân sự châu Á - Thái Bình Dương, đến TP.HCM giảng thuyết về đề tài “Cuộc chiến nhân tài”, sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới nhân sự Việt Nam đã cho thấy một khung cảnh “giành giật”, chiêu mộ người giỏi sôi nổi của thị trường nhân lực. “Người tài” ở đây được xác định là người có trên năm năm kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực chuyên môn với nhiều kỹ năng nhuần nhuyễn, từng nắm vị trí quan trọng ở các công ty. Trong khi các giám đốc, trưởng phòng nhân sự, đại diện các công ty “săn đầu người” cùng đưa ra hàng loạt phương cách để hấp dẫn người tài, từ mức lương cạnh tranh, cơ hội phát triển và những hứa hẹn tạo điều kiện cân bằng công việc - cuộc sống... có thể thấy đằng sau khung cảnh náo nhiệt đó là những bàn tay cử nhân chìa ra với... không trung.

Ông Keng Chong Yan cũng đưa ra một phép tính những “tổn thất” của doanh nghiệp khi tuyển người mới gồm: chi phí, thời gian đào tạo, sự phiền nhiễu đối với “ma cũ” do bị “ma mới” hỏi han khiến năng suất lao động giảm, công việc của vị trí mới tuyển chưa được giải quyết gây trì trệ chung cho quy trình... Tất cả đều được tính ra tiền. Rõ ràng ở góc độ của doanh nghiệp, tuyển người mới vào nghề trong tình hình hiện nay không chỉ rủi ro (biết có làm được việc không?) mà còn tốn kém những khoản có con số cụ thể. Trong bối cảnh mỗi sai lầm nhỏ đều có thể là cú tổn thất có thật, giới nhân sự không cho phép mình liều.

Vì vậy, việc doanh nghiệp tảng lờ hồ sơ xin việc của cử nhân mới ra trường là có lý do. Càng hợp lý nữa khi doanh nghiệp đưa ra lý do cử nhân hiện nay thiếu đủ thứ kỹ năng, kiến thức, ý thức trong nghề nghiệp.

Tuy nhiên, có thể thấy viễn cảnh: các doanh nghiệp hiện tại từ chối đào tạo người mới, không cho người mới môi trường để tích lũy kinh nghiệm, phát triển kỹ năng thì trong tương lai, phân khúc lao động có kinh nghiệm, giàu kỹ năng còn... thiếu dài dài. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đỏ mắt tìm người tài, cùng lúc các lứa cử nhân đỏ mắt tìm việc.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên