Những lá cờ được chính tay những người trẻ thêu để gìn giữ nghề truyền thống - Ảnh: MAI THƯƠNG
Gần cả tháng nay, gia đình chị Vương Thị Nhung ở làng Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) hiếm khi neo người.
Trước mỗi ngày lễ lớn như ngày Quốc khánh, 30-4 hay dịp tết, chị Nhung phải gọi thêm người trong làng đến phụ giúp thêu cờ vì lượng đơn đặt hàng quá nhiều.
Đây là một trong số ít nhà còn giữ lại nghề thêu cờ tại làng nghề truyền thống Từ Vân. Chị Nhung là đời thứ 3 được truyền nghề thêu cờ tổ quốc.
Bước vào khoảng sân nhỏ, 4 khung thêu được bày dọc sân. Tấm vải đỏ kéo căng hết cỡ, hai bên, mọi người chụm đầu tỉ mẩn thêu ngôi sao 5 cánh từ những sợi chỉ vàng. Người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi, người nhỏ tuổi nhất sắp lên 9, ai nấy đều cặm cụi với đường chỉ để cho ra những sản phẩm cờ đỏ sao vàng kịp Tết Độc lập.
Khéo léo đâm mũi kim lên xuống, em Đặng Thị Yến (17 tuổi) cho biết: "Cứ mỗi lần có dịp lễ là bọn em lại qua đây giúp bác Nhung may cờ. Ngày nào cũng thêu từ sáng đến tối, tầm 3 ngày mới xong một sản phẩm. Em vừa thi xong đại học nên cũng có nhiều thời gian rảnh và cũng muốn được rèn nghề cho quen tay để tiếp nối nghề truyền thống".
Nghề thêu tại làng Từ Vân nổi tiếng từ thế kỷ 16. Thời đó, không ít người làng đã lên phố Hàng Bông, Hàng Gai (Hà Nội) mở cửa hàng để bán các sản phẩm thêu truyền thống.
"Dân làng luôn truyền tai nhau niềm tự hào khi thời khắc lịch sử Cách mạng tháng 8 nổ ra, khắp các tuyến đường, phố phường thủ đô là hàng vạn lá cờ của làng Từ Vân" - bà Lê Thị Tịnh (70 tuổi) bồi hồi nhớ lại.
Tiếp nối niềm tự hào đó, những em nhỏ được bố mẹ cho học thêu để không làm mai một đi nghề truyền thống của làng. Dịp lễ tết, nhà chị Nhung lại nhộn nhịp những em nhỏ lớp 4, lớp 5 sang vừa phụ giúp thêu cờ vừa học việc từ những người lớn tuổi.
Chị Vương Thị Nhung (46 tuổi) là một trong số ít những người còn lưu giữ nghề thêu cờ tại làng Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Ngoài việc làm nghề, chị Nhung còn dạy những đứa trẻ trong làng thêu cờ để giữ gìn làng nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
"Nghề này chỉ dành cho những người tỉ mỉ, cẩn trọng trong mọi khâu từ chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu sao cho đường nét đều đẹp" - bà Lê Thị Tịnh (70 tuổi) chia sẻ - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Tiếp nối niềm tự hào đó, những em nhỏ được bố mẹ cho học thêu để không làm mai một đi nghề truyền thống của làng - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Em Nguyễn Thị Thanh Thảo (9 tuổi) là "nghệ nhân" nhỏ tuổi nhất trong những người thêu cờ tại nhà chị Nhung - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Chị Nhung cho biết làm cờ thêu tay rất tốn thời gian, trung bình một người tranh thủ thời gian làm trong 3-5 ngày mới xong được một sản phẩm - Ảnh: MAI THƯƠNG
Không dừng lại ở việc sản xuất cờ mà người dân ở đây còn nhận làm các băngrôn, cờ khẩu hiệu... để tăng thu nhập - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Những lá cờ treo trước cửa nhà được chính những người dân ở đây sản xuất - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận