08/01/2024 08:42 GMT+7

Người thầy Việt được Pháp phong tước hiệp sĩ: Ghi nhận cống hiến của cả cộng đồng

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế, vừa được nước Pháp trao tặng Huân chương Công trạng quốc gia với tước hiệp sĩ.

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy trong một cuộc họp ở Trường ĐH Y Dược Huế - Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy trong một cuộc họp ở Trường ĐH Y Dược Huế - Ảnh: NVCC

Huân chương ghi nhận đóng góp của ông đối với cộng đồng Pháp ngữ y khoa tại Thừa Thiên Huế nói riêng và mối quan hệ Pháp - Việt nói chung.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy cho biết ông xúc động và tự hào khi biết mình được trao tặng huân chương cao quý của Pháp.

"Tự hào không phải vì bản thân mình được tặng thưởng mà vì người ta (nước Pháp - PV) đã ghi nhận những đóng góp của một phong trào, của cả một cộng đồng Pháp ngữ ở Huế nói chung và cộng đồng y khoa Pháp ngữ ở Huế nói riêng trong hơn 30 năm qua.

Hơn 30 năm bền bỉ

* Tại sao ông lại nói đó là sự ghi nhận cho cả một phong trào, cộng đồng trong hơn 30 năm qua?

- Đúng vậy. Khởi nguồn là phong trào tự học, tự đọc tiếng Pháp y khoa ở Huế. Hơn 30 năm trước, khi tôi còn là sinh viên của Trường ĐH Y Dược Huế, đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, còn vô vàn khó khăn. Mối quan hệ quốc tế của Việt Nam với khối nước phương Tây nói tiếng Anh gần như không có, phương Tây lúc đó chúng ta chỉ có quan hệ với Pháp.

Ngay khi vào trường, tôi đã tham gia CLB dịch thuật. Đây là một trong những CLB sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Y Dược Huế. CLB đã dịch hàng trăm bản sách, tài liệu và tạp chí khoa học tiếng Pháp để cập nhật kiến thức y khoa mới cho bạn bè, sinh viên toàn trường cùng đọc và học.

Thời đó chưa có mạng Internet, sách báo thì rất hạn chế, đặc biệt vô cùng thiếu thốn sách báo và thông tin khoa học về ngành y. Do vậy việc dịch sách, tạp chí khoa học y khoa của Pháp lúc đó gần như là một trong những cách duy nhất để sinh viên chúng tôi cập nhật kiến thức mới. Nói là cập nhật kiến thức mới nhưng cũng đã chậm hơn so với phía Pháp ít nhất là từ 1-2 năm.

Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường để công tác và tiếp tục tham gia các phong trào, hoạt động dịch thuật, thúc đẩy cán bộ trẻ nghiên cứu khoa học. Rồi dù giành được học bổng và đi tu nghiệp ở Đức nhưng không vì thế mà mối quan tâm về Pháp ngữ y khoa của tôi giảm đi.

Về nước, tôi tiếp tục tham gia trong công tác hỗ trợ, thúc đẩy tổ chức các khoa đào tạo ngắn hạn do các giáo sư người Pháp tổ chức tại Việt Nam, và sau đó trở thành hội viên danh dự quốc tế của Hội Sản phụ khoa Pháp.

Trên cơ sở những hoạt động đó, hội phụ sản Việt Nam và Pháp đã tổ chức các khóa đào tạo liên ĐH thường niên tại Việt Nam.

Các giáo sư người Pháp hằng năm về Việt Nam để dạy, cập nhật, nâng cao kiến thức thực hành chuyên ngành sản phụ khoa cho các bác sĩ ở Việt Nam từ 6-7 ngày, liên tục hơn 13 năm nay.

* Ông nghĩ gì khi trở thành một hiệp sĩ?

- Tôi muốn làm một người bình thường thôi (cười). Huân chương này kỳ thực không phải của riêng tôi mà nó là của mọi người, của cả một cộng đồng Pháp ngữ y khoa ở Huế.

Những năm 90 của thế kỷ trước, ở Huế có hai tổ chức thiện nguyện chung tên đuôi là "không biên giới". Đó là tổ chức Thầy thuốc không biên giớiTrường ngoại ngữ không biên giới.

Cả hai tổ chức nói trên đều cử tình nguyện viên người Pháp về Huế giúp đỡ người dân, đội ngũ y tế rất nhiều. Một bên là cử bác sĩ để khám chữa bệnh miễn phí cho người dân và một bên là những bác sĩ, nhà khoa học người Pháp dạy tiếng Pháp cho đội ngũ y bác sĩ Huế.

Rất nhiều cán bộ, y bác sĩ giỏi ở Huế đã bắt đầu nghiên cứu khoa học từ những lớp học tiếng Pháp như thế. Ví dụ điển hình là GS.TS Phạm Như Hiệp - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay.

Giáo sư Hiệp đã học tiếng Pháp từ những lớp như vậy để hoàn thiện ngôn ngữ, hoàn thiện chuyên môn rồi mới sang Pháp học hỏi, tiếp thu những kiến thức mới.

Chính giáo sư Hiệp đã tiếp thu kỹ thuật nội soi ở Pháp, sau đó đưa về Huế triển khai và hiện nay Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế hàng đầu cả nước trong lĩnh vực nội soi.

Đó là ví dụ điển hình, để nói đến câu chuyện rất nhiều thầy cô, bác sĩ, nhà khoa học của ngành y Thừa Thiên Huế đã nổ lực học, tiếp thu tiếng Pháp trong môi trường khó khăn như thế.

Tôi nghĩ đây là sự ghi nhận của cả chuỗi hoạt động của mọi người, của cả một cộng đồng chứ không phải của riêng một người. Tôi chỉ là người đại diện đứng ra nhận huân chương này mà thôi.

Trường ĐH Y Dược Huế đang nỗ lực hợp tác nhằm tăng thêm cơ hội cho đội ngũ cán bộ, sinh viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp - Ảnh: NHẬT LINH

Trường ĐH Y Dược Huế đang nỗ lực hợp tác nhằm tăng thêm cơ hội cho đội ngũ cán bộ, sinh viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp - Ảnh: NHẬT LINH

Tăng cường kết nối

* Suốt cả chặng đường dài hơn ba thập niên, có kỷ niệm nào làm ông nhớ mãi?

- Đó là khi thành viên CLB dịch thuật chúng tôi nhận được tài liệu mới từ Pháp chuyển về. Như tôi đã nói, thời điểm đó khó khăn vô cùng.

Sách nghiên cứu, tạp chí khoa học y khoa tiếng Pháp nói thật có tiền cũng không mua được vì làm gì có ai bán. Chúng tôi phải nhờ người quen đang ở Pháp tập hợp, tìm mua rồi tìm cách chuyển về Huế.

Mỗi chuyến nhận sách như vậy có khi mất cả năm trời mới tới, quý vô cùng. Khi nhận được tài liệu, anh em trong CLB lao vào dịch ra tiếng Việt, sau đó in số tài liệu đó ra trên giấy than thành vài chục bản rồi chuyền tay nhau cho cả trường cùng đọc, cùng cập nhật.

* Sau khi nhận huân chương này, dự định tiếp theo của ông là gì?

- Trên cương vị của mình, tôi sẽ tiếp tục nâng cao hoạt động đối ngoại để giúp cho bên ngoài, đặc biệt là Pháp, hiểu Việt Nam hơn, hiểu Huế hơn và có những hợp tác có lợi cho cả đôi bên. Tôi cũng sẽ thúc đẩy việc trao đổi sinh viên và cán bộ.

Chẳng hạn, năm vừa qua, bằng những nỗ lực kết nối, trường đã ký thêm ba thỏa thuận hợp tác song phương với ba trường ĐH lớn ở Pháp, trong đó có Trường ĐH Paris-Sorbonne, ngôi trường công lập danh giá và nổi tiếng số 1 ở Pháp.

Sinh viên, cán bộ người Pháp đã về trường chúng tôi thực tập từ tháng 7 vừa qua, trong đó có những em người Pháp gốc Việt lần đầu tiên quay trở về nguồn cội.

Ngoài trao đổi chuyên môn, chúng tôi còn hỗ trợ các bạn ấy trong việc tìm hiểu về văn hóa, con người Huế thân thiện, mến khách. Còn khóa cán bộ của trường sẽ sang Trường ĐH Paris-Sorbonne thực tập vào đầu tháng 7 năm nay.

Có nhiều đóng góp quan trọng

PGS.TS Lê Anh Phương, giám đốc Đại học Huế, nói rằng rất vui khi hay tin thầy Nguyễn Vũ Quốc Huy được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Công trạng quốc gia vì những đóng góp cho y học và tình hữu nghị Việt - Pháp.

Ông Phương cho biết giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy là một người thầy, một nhà khoa học gần gũi, mẫu mực, giỏi chuyên môn và luôn hết lòng vì đồng nghiệp, sinh viên và cả người bệnh.

Trong quá trình công tác của mình, thầy Nguyễn Vũ Quốc Huy đã có những đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng Trường ĐH Y Dược Huế nói riêng và Đại học Huế nói chung.

Người thầy Việt được Pháp phong tước hiệp sĩ: Ghi nhận cống hiến của cả cộng đồng- Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa, ngành phụ khoa ung thư tại Đại học Düsseldor (Đức) và được phong hàm giáo sư vào năm 2019.

Ngoài công việc hiệu trưởng và một nhà khoa học ở Trường ĐH Y Dược Huế, ông Huy còn là chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Đức tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên danh dự của Hội Hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam và là hội viên danh dự Hội Sản phụ khoa Cộng hòa Pháp...

Người thầy của đổi mới, cải cách giáo dụcNgười thầy của đổi mới, cải cách giáo dục

Tôi chỉ là một học trò nhỏ của thầy Trần Hồng Quân, khi tôi bước vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM thì thầy đã là hiệu trưởng nhà trường, và sau đó ít lâu thầy chuyển ra Hà Nội công tác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên