20/11/2023 15:11 GMT+7

Đạo diễn Pháp dựng opera Khung lãng quên để tìm nguồn cội Việt Nam

HUỲNH VY
và 1 tác giả khác

Là nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu sống tại Pháp, Olivier Dhénin Hữu chưa từng nghĩ sẽ đến lúc hồi ức Việt Nam tưởng chừng đã lãng quên lại thôi thúc ông phải tìm về.

Đạo diễn Olivier Dhénin Hữu tại hậu trường tập luyện - Ảnh: HUỲNH VY

Đạo diễn Olivier Dhénin Hữu tại hậu trường tập luyện - Ảnh: HUỲNH VY

Olivier Dhénin Hữu khám phá và dựng vở opera Khung lãng quên để tìm về nguồn cội của gia đình mình.

Đi tìm ký ức đã mất thông qua góc nhìn lịch sử và truyền thuyết, vở opera Khung lãng quên được ví như một bức họa, một bài thơ ca trữ tình về Việt Nam ngàn năm văn hiến và mối liên hệ với Pháp lần đầu được kể trên sân khấu.

Vở opera nằm trong chương trình lưu trú sáng tác Villa Saigon của Viện Pháp tại TP.HCM, dự kiến ra mắt vào tối 26-11 tại Nhà hát TP.HCM và ngày 28-11 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Hậu trường tập luyện vở opera Khung lãng quên

Hậu trường tập luyện vở opera Khung lãng quên

Làm sao thấy được quá khứ khi ký ức đã phai mờ?

Gia đình Olivier rời Việt Nam năm 1958. Ông ngoại ông phục vụ trong quân đội Pháp nên sang trước, bà và các con sang sau. Các con ly tán, sống ở các gia đình Pháp khác nhau nên dần mất đi ngôn ngữ rồi văn hóa Việt.

Sinh ra và lớn lên ở Pháp, Việt Nam với Olivier là điều gì đó rất xa xôi dù trong tên ông có chữ Hữu và lúc bé ông khá giống người Việt.

Năm năm trước, Olivier lần đầu về lại Việt Nam nhân dịp tổ chức một triển lãm ảnh. Ông đã đi khám phá Việt Nam từ Hà Nội đến Sa Đéc và Mekong. Chuyến đi đó thôi thúc ông tìm hiểu và kể lại câu chuyện ký ức của gia đình mình.

Khi bắt tay thực hiện vở opera, chính Olivier cũng thấy kỳ quặc vì trong tay ông không có gì ngoài vài tấm ảnh cũ và những thắc mắc: vì sao gia đình mình lại rời khỏi Việt Nam? Ở Pháp, người ta không kể nhiều về giai đoạn Pháp đô hộ Việt Nam hay chiến tranh Pháp - Việt, Việt - Mỹ.

Olivier phải đào lại những thứ gần như đã hoàn toàn mất. Đó cũng là lý do vở opera có tên Paysage dans l'oubli - Khung lãng quên.

Paysage trong tiếng Pháp là vùng đất nhưng cũng gợi nhớ từ visage (gương mặt). Còn oblivion (lãng quên) chỉ những điều trong quá khứ. Vở opera là cái nhìn ngược về quá khứ, nơi ký ức từng tồn tại nhưng bị lãng quên.

Với tôi, sân khấu là chiếc hộp thần kỳ nơi thời gian không hiện hữu, nơi những hình bóng và ký ức có thể xuất hiện sống động. Các nhân vật sẽ tìm về quá khứ, quay về với mảnh đất cha ông nơi họ đã mất đi nguồn cội. Một mảnh nhỏ của lịch sử sẽ được kể lại trên sân khấu.
Olivier DHÉNIN HỮU
Các nhân vật trong phục trang của vở opera Khung lãng quên

Các nhân vật trong phục trang của vở opera Khung lãng quên

"Làm sao thấy được quá khứ khi ký ức đã phai mờ? Nhìn vào những chất liệu lịch sử, thơ ca, những công trình văn hóa, di sản, nghệ thuật truyền thống... Olivier xem đó là manh mối để lần theo. Ông đã nghiên cứu và đọc rất nhiều tài liệu, sách vở.

Trong lúc dựng vở, Olivier chú ý nhiều đến những chi tiết mang đậm chất Việt Nam như trang phục, những chiếc lồng chim... Bằng sự kết nối trí tưởng tượng và những đồ vật thực, đó là cách Olivier kể lại câu chuyện.

Ông cũng sử dụng một số đoạn thơ ca Việt Nam thế kỷ 15 - 17. Với ông, lịch sử Việt 4.000 năm dài hơn nhiều 90 năm Pháp thuộc. Đó là một giai đoạn không ngắn cũng chẳng dài, chưa đầy một thế kỷ nhưng rất quan trọng trong hiện đại.

"Với tôi, quá khó để viết về câu chuyện này vì nó thật đồ sộ. Tôi sẽ trình bày những gì trong hơn hai giờ trên sân khấu? Tôi không kể về chiến tranh mà kể về những mảnh đời, gia đình như của vua Duy Tân, Trần Cao Vân...

Vở opera cũng tri ân tới mẹ và bà ngoại tôi, những người đã từng sống ở Việt Nam và đánh mất một phần tâm hồn khi ra đi, những gia đình khác đã là một phần trong giai đoạn lịch sử khó khăn này", Olivier chia sẻ.

Đạo diễn Olivier Dhénin Hữu tại hậu trường tập luyện

Đạo diễn Olivier Dhénin Hữu tại hậu trường tập luyện

"Nếu biết về gốc gác, ta có thể lớn lên như một cái cây"

Với Olivier, quá khứ rất quan trọng vì nó quyết định tương lai hình thành ra sao. Ông xem văn chương và sân khấu như một nơi để tồn tại và lưu giữ ký ức.

Trong quá trình dựng vở, Olivier không ngừng ngạc nhiên khi biết về lịch sử phong phú của Việt Nam. Ông muốn hiểu về thời Pháp thuộc và cả những thời trước đó. Ông cũng lần đầu biết về thơ ca Việt Nam, Truyện Kiều và Nguyễn Du.

Khung lãng quên là một trong những vở opera dài nhất của Olivier, gồm năm chương hồi, khoảng 41 - 42 cảnh. Ông đã viết toàn bộ lời kịch, phần nhạc do Benjamin Attahir phụ trách.

Vở opera chú trọng tính kết nối: "Chúng ta nhìn vào quá khứ thông qua khe lỗ khóa, xem nó tác động ra sao đến từng phận người.

Tôi phải tưởng tượng các cảnh về vua Duy Tân và mẹ ông để dàn dựng cho mọi người hiểu tâm trạng của người mẹ rời xa con.

Làm sao để kể về cuộc chiến Điện Biên Phủ? Đã có nhiều phim làm nhưng sân khấu thì rất khó.

Tôi tìm thấy một bức ảnh cưới của bà tôi vào ngày 2-8-1954, ngay sau trận chiến và hiệp định Geneve.

Sao mọi người có thể hạnh phúc mừng cưới ở thời điểm đó? Rồi tôi nhận ra người ta vẫn cố vui dù không thể vui, dù mọi thứ đều bị phá hủy.

Đó là vẻ đẹp của con người, luôn chọn hy vọng thay vì tuyệt vọng. Tôi nghĩ người Việt là ví dụ điển hình cho hy vọng vì họ đã đi qua nhiều giai đoạn đen tối trong lịch sử..." - Olivier bộc bạch.

Mở màn vở opera là một cuộc gọi từ ông ngoại. Đến cuối vở, khi nhân vật lạc lối, tình yêu tan biến, ngôn ngữ mất đi, nghệ thuật không còn, âm nhạc tiêu biến..., nhân vật chính nói với khán giả đây là ký ức của gia đình tôi, là nghệ thuật của sự tưởng tượng.

Olivier không biết gì về ông ngoại ngoài một cú điện thoại. Nhưng sân khấu có thể khiến ông xuất hiện. Như tiếng gọi nguồn cội Việt Nam vẫn luôn hiện diện, đến lúc lại trỗi dậy mạnh mẽ, thôi thúc tìm về...

Các nhân vật trong phục trang của vở opera Khung lãng quên - Ảnh: BTC

Các nhân vật trong phục trang của vở opera Khung lãng quên - Ảnh: BTC

Vở opera Khung lãng quên kể về biên niên sử gia đình của Antonin. Bà ngoại Rosaline của ông đã rời Sài Gòn năm 1958 để sang Pháp cùng chồng là một người Việt từng làm phi công trong quân đội Pháp.

Louise, mẹ Antonin, còn rất ít ký ức tuổi thơ ở Sài Gòn. Cuộc sống ở Pháp đã xóa nhòa quá khứ gia đình. Antonin cố gắng tìm lại ký ức thông qua những câu chuyện từ bà ngoại, những cuốn sách và những bức ảnh cũ.

Stéphanie Đỗ: Việt Nam ở trong tim tôiStéphanie Đỗ: Việt Nam ở trong tim tôi

"Sinh ra ở Việt Nam, tới Pháp năm 11 tuổi dù không biết tiếng Pháp, nhiều năm sau Stéphanie Đỗ trở thành nghị sĩ Quốc hội. Cô đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên