Trong khi đó, chính đạo diễn vở opera này - nghệ sĩ Oyama Daisuke - cũng phải thừa nhận ngay cả ở Nhật Bản, opera cũng không phải là bộ môn nghệ thuật được yêu thích rộng rãi.
Dự án opera Công nữ Anio do ban điều hành dự án Công nữ Anio phối hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và một số nhà hát ở Việt Nam tổ chức, là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).
Nghệ sĩ hai nước hát opera bằng cả hai thứ tiếng
Vở diễn là câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa, một chuyện tình cảm động có thật vào thế kỷ XVII. Tình yêu sâu đậm vượt qua biên giới quốc gia, vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ và cả giai cấp, cuối cùng đã có một kết cục có hậu.
Nàng công nữ của Việt Nam theo chàng thương gia Nhật Bản về làm dâu xứ sở hoa anh đào và có cuộc đời hạnh phúc viên mãn, được người dân Nhật Bản yêu mến gọi bằng cái tên thân mật Anio (theo tiếng công nữ hay gọi chồng bằng tiếng Việt "anh ơi").
Tác phẩm do nhạc trưởng Honna Tetsuji - giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam - tổng đạo diễn; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là tác giả âm nhạc; đạo diễn, ca sĩ opera Oyama Daisuke là đạo diễn, tác giả kịch bản, tác giả soạn lời (tiếng Nhật); nhạc sĩ Hà Quang Minh là tác giả soạn lời (tiếng Việt).
Công nữ Anio có sự tham gia biểu diễn của các diễn viên opera xuất sắc hai nước, trong đó, nghệ sĩ Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang đảm nhiệm vai công nữ Anio, nghệ sĩ Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai Araki Sotaro.
Các nghệ sĩ hai nước sẽ hát bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật. Vở opera có ba buổi công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, vào ngày 22, 23 và 24-9 tới.
Sau đó, vở sẽ được đưa tới với bà con Hưng Yên trong một đêm diễn ở tỉnh này. Ban tổ chức cho biết lãnh đạo tỉnh Hưng Yên rất chào đón vở opera.
Vở diễn cũng được dự kiến đưa vào Hội An và TP.HCM.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 18-5 về lý do chọn hình thức opera không phải là thế mạnh của hai nước để thể hiện câu chuyện tình cảm động giữa công nữ Ngọc Hoa và thương gia Araki Sotaro, đạo diễn Oyama Daisuke thừa nhận ngay cả ở Nhật Bản không phải ai cũng yêu thích xem opera.
Nhưng ông vẫn lựa chọn hình thức này vì đó là công cụ tuyệt vời để truyền tải một câu chuyện kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai. Không gì tốt bằng opera để giúp đưa câu chuyện 400 năm trước đến gần với công chúng hiện nay.
Ông cũng cho biết thêm ông đã tìm được hậu duệ đời thứ 18 hay 19 của công nữ Ngọc Hoa và chồng. Những người thực hiện dự án đã mời hậu duệ của hai người đến Việt Nam xem vở opera trong thời gian tới.
Muốn phát âm đúng tiếng Việt thì mặt phải... cười
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 18-5, giọng nam cao Nhật Bản Kobori Yusuke (một trong hai diễn viên vào vai Araki Sotaro) cho biết anh đã phải tập luyện rất nhiều để hát opera tiếng Việt vì tiếng Việt "cực kỳ khó" bởi sự phong phú của các nguyên âm và nhiều vấn đề khác của phát âm tiếng Việt với người nước ngoài.
Nhưng qua sự luyện tập chăm chỉ với giáo viên tiếng Việt và với đồng nghiệp Việt Nam mấy hôm nay, anh nhận ra muốn phát âm tiếng Việt đúng thì phải… cười tươi khi nói, hát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận