Riêng anh thì dừng lại và không ít lần chảy nước mắt với nỗi đau của người khác trên gương mặt tài xế chai sạn sóng gió cuộc đời.
Kỳ 1: Không thể làm ngơKỳ 2: Cứu người trong đêm
Phóng to |
Anh Nguyễn Xuân Thiên, quản đốc trong Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM, vẫn nhớ ơn người tài xế tốt bụng Nguyễn Minh Dũng đã đưa mình vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời sau vụ tai nạn giập phổi trên đường Hùng Vương, quận 6 cách đây 14 năm - Ảnh: Quốc Việt |
Ám ảnh cuộc đời
Ngần ngừ mãi anh mới nặng nề chịu tâm sự lý do không thể làm ngơ của mình: “32 năm trước, vợ con tôi cũng đau đớn ra đi bất ngờ như thế. Buổi tối định mệnh đó, tôi đang đạp xe chở vợ con xuống nhà nội ở Thủ Đức (TP.HCM) thì bị một chiếc xe reo chở gỗ tông trúng. Trời đất quay cuồng, tôi lịm đi, khi tỉnh lại thấy mình nằm ở đường, còn vợ con chết rồi!”.
Ánh mắt vẫn khắc khoải, đau đáu nỗi buồn như đang sống lại chính giờ phút bi thảm đó, anh Dũng kể đã cố lết dậy, chặn một chiếc xe nhờ chở vợ con vô bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu, nói khỏi đưa vào phòng cấp cứu vì mẹ con đã chết từ trước rồi.
Vợ anh bị chấn thương sọ não, con anh bị gãy xương, đứt động mạch, chảy máu đến chết lúc nằm trên đường. Run run cho tôi xem tấm ảnh vợ con mà anh vẫn giữ kỹ trong bóp suốt 32 năm qua, anh đau đớn nói: “Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy cảnh tang tóc này, giật mình tỉnh lại tôi cứ nghĩ không hiểu sao lại chẳng có ai dừng xe để giúp. Hơn 30 năm trước đường sá còn vắng, nhưng tôi không nghĩ sẽ không có một ai đó đi qua, mà trước hết chính là tài xế chiếc xe reo gây tai nạn”.
Đã biết anh gần ba năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe anh kể chuyện buồn kín đời mình. Suốt buổi chiều mưa, anh miên man tâm sự rất nhiều chuyện và nói tôi muốn thì cứ viết, dẫu sao chúng cũng có thể đáng để người ta suy nghĩ ít nhiều trong cõi đời lắm tranh đua, phiền muộn này! Anh nói: “Hãy ghi tôi vô danh hay chỉ một chữ Dân bình thường như bao nhiêu người dân không quen biết đang ngược xuôi trên đường. Đến loài vật như con chó còn biết giúp người, chẳng lẽ mình làm người tình cờ giúp nhau một chút mà cũng kể lể ơn nghĩa hay sao”.
Vợ con mất vì tai nạn giao thông, nhưng run rủi anh lại tiếp tục vô nghề cầm lái. Hồi đầu anh lái xe lam chở rau củ miệt Củ Chi, Hóc Môn về bỏ mối chợ Ông Tạ, Hòa Hưng. Nhiều lần lỗ lã, anh tưởng đã bỏ nghề vì không thể làm ngơ trước những nỗi đau bất chợt của người dưng trên đường.
“Có bữa xe lam chở rau của tôi phải đổ bớt xuống ruộng để chở người bị tai nạn đến bệnh viện. Thời đó, xe cộ đâu nhiều như bây giờ, cứu mạng người như cứu hỏa, mình chần chờ trông đón xe khác thì người ta chết mất”. Anh tâm sự ngoài chuyện đổ rau dành chỗ chở người bị nạn, mấy lần anh còn bị hư cả mớ rau quả còn lại vì lo giúp người trong bệnh viện mà quên béng mất chính xe rau của mình.
Một buổi sáng, anh Dũng đang hối hả chạy xe lam rau từ Hóc Môn về chợ Hòa Hưng, bất chợt thấy một ông già đang đạp xe chở cháu đi học bị xe máy đụng lăn ra đường gần ngã tư An Sương. Đứa cháu bị nhẹ, nhưng ông già gãy xương, nằm bất động trên vũng máu.
Đổ bớt rau xuống ruộng để dành băng ghế chở người bị nạn, nhưng đưa vô đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu, anh không nỡ hết trách nhiệm vì lúc đó chỉ có mỗi cháu nhỏ ngồi co ro bên người ông đang hôn mê. Hồi ấy lại đâu có điện thoại để gọi tìm người nhà, thế là anh ở lại bệnh viện luôn với ông cháu. Rau chưa bán được, trong túi anh chỉ còn ít tiền xăng xe, đành vét đóng trước viện phí. Còn mấy đồng anh mua ổ bánh mì chỉ đủ xịt xì dầu rồi lại bẻ cho đứa nhỏ một nửa.
Đến sáng hôm sau, người thân của nạn nhân tìm đến được thì xe rau của anh đậu ngoài bệnh viện đã thối hết. Họ ái ngại, nhưng nghèo quá không có tiền hỗ trợ anh, chỉ biếu bọc khoai mì tạ ơn. Anh cười: “Thôi, để lo cho ông đi, nằm bệnh viện tốn kém nhiều đó”. Thậm chí có lần gặp cảnh giúp người giống như vậy, khi anh quay ra bệnh viện, nhìn xe rau đã bị người ta tranh nhau hốt sạch mà cười méo xẹo.
Một lần khác anh còn quay về nhà, bán luôn xe máy để giúp mẹ con người bán vé số bị tai nạn trên đường Cách Mạng Tháng Tám. “Tối đó chở rau về, tôi tranh thủ chở thêm ít khách. 23g đêm, sắp về đến nhà, tôi bất ngờ thấy trước mặt có hai mẹ con nằm lăn lộn trên vũng máu. Chẳng hiểu ai đụng họ nhưng tôi đến thì họ vẫn nằm đó. Dân hai bên đường tò mò túa ra xem, nhưng loay hoay không biết làm gì. Ác hơn, có người còn nhặt cả vé số rơi rớt của họ”.
Bế mẹ con nạn nhân lên xe chở vô Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu, anh lấy tiền túi lo viện phí ban đầu. Đến khi người mẹ tỉnh lại mếu máo nói gia đình chỉ có hai mẹ con. Căn nhà ổ chuột họ cũng vừa bán để lo tang ma người cha mới chết vì bệnh phổi. Anh thấy tội nghiệp, nhưng túi cũng chẳng còn đồng nào, đành về nhà bán chiếc xe máy cà tàng của mình để giúi thêm tiền cho họ. Những đồng tiền đẫm cả mồ hôi của anh và nước mắt của hai mẹ con người bán vé số nghèo. Về sau, người mẹ xin anh địa chỉ để đến nhà tạ ơn nhưng anh chỉ cười: “Cứ coi tôi vô danh đi. Có gì đâu mà ơn nghĩa”.
“Muốn chém cứ chém”
Tâm sự với tôi, anh Dũng trầm ngâm thật lòng những lúc giúp người, đâu kịp nghĩ gì chuyện phước đức. Vợ con mất, anh sống độc thân, còn con cháu gì mà tích phước sau này. “Đưa nạn nhân vô bệnh viện thì bác sĩ kêu bảo vệ giữ mình lại, công an đến thì sẽ hỏi han, nghi ngờ mình đầu tiên”. Anh kể phức tạp nhất là những lần cứu người bị tai nạn trong đêm hôm vắng vẻ, không người làm chứng và chưa tìm được kẻ gây tai nạn. Thường tài xế sẽ không dám dừng lại trong trường hợp này vì sẽ bị nghi ngờ là người gây tai nạn.
“Vợ con tôi chết vì không được cấp cứu kịp. Sinh mạng lúc này được tính bằng phút. Mình làm theo lý trí hay trái tim?”. Anh kể có đêm trên đường đi Vũng Tàu, dừng xe cứu một người qua đường đã bị tai nạn lúc nào không biết. Khi người nhà kéo đến, bất ngờ anh bị mấy thanh niên đè xuống đường đánh tới tấp, gãy cả ba răng cửa. Rồi họ lột cả áo anh để trói lại, chờ công an giải quyết. Mãi đến sáng anh mới được minh oan trong tình trạng rách quần áo, máu me đầm đìa cả người!
Mấy lần đến cơ quan điều tra và ra tòa làm chứng tai nạn, anh Dũng kể chịu nhiều áp lực, nhất là phía người gây tai nạn hết năn nỉ, xin chi tiền đến hăm thuê giang hồ chém chết. Nhưng anh chỉ nói thẳng: “Vợ con tôi cũng chết vì tai nạn giao thông. Tôi bây giờ chỉ còn một mình. Các anh muốn chém cứ chém. Nhưng tôi thề sẽ không nói sai nửa từ của sự thật”.
__________
Đám bạn cùng nhóm vẫn thường gọi anh là Trung “khùng” bởi những hành động khác người của chàng thanh niên đến từ Tây nguyên. Gặp người bị tai nạn giữa đường, biết nạn nhân đã chết lâm sàng nhưng anh vẫn cố tìm mọi cách để cứu...
Kỳ tới: Trung “khùng” nghĩa hiệp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận