20/09/2017 11:50 GMT+7

'Người sắt' vượt thử thách

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - “Gian khổ chạy vượt đèo, bơi biển dưới thời tiết nắng nóng, hay đạp xe ngược gió hàng trăm cây số... cũng chỉ là những thách thức về thể chất. Chỉ có vượt lên gian khổ, chiến thắng thử thách bạn mới biết mình là ai, làm được gì trong đời”.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Gia Huệ - nhà vô địch ba năm liên tiếp cuộc thi Ironman (Người sắt) VN và là nữ VĐV VN hai lần tham dự cuộc thi vô địch Ironman thế giới. Để có được những vinh quang, Gia Huệ đã trải qua gần 20 năm vật lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh, nuôi mẹ bị bệnh ung thư và sáu đứa em nhỏ dại nên người.

Gia Huệ đối thoại với Tuổi Trẻ khi vừa hoàn thành cuộc thi Ironman vô địch thế giới 2017 tại Mỹ.

Có sức khỏe là hạnh phúc

Người sắt vượt thử thách - Ảnh 1.

Ảnh: HOÀNG PHI PHI

* Gia Huệ đến với ba môn phối hợp khi nào?

- Tôi tập luyện bộ môn ba môn phối hợp (đạp xe, bơi, chạy bộ) từ năm 2015, năm đầu tiên tổ chức cuộc thi Ironman tại Đà Nẵng. Tôi nghiệm ra cuộc sống hạnh phúc ngoài các điều kiện cần và đủ thì sức khỏe là quan trọng nhất.

* Trước đây chị từng là giáo viên tiếng Anh, tiếp viên hàng không, giờ là VĐV ba môn phối hợp. Chị coi đây là nghề hay chỉ là cuộc dạo chơi với thể thao?

- Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, tôi về quê tại Nha Trang làm giáo viên tiếng Anh. Năm 2001, khi đó tôi mới 23 tuổi, đang chập chững bước vào nghề thì mẹ phát hiện bị ung thư. Lương giáo viên không đủ trang trải cho căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của mẹ, thời điểm đó mẹ tôi mới 43 tuổi, sau tôi còn sáu đứa em nhỏ dại cần có tiền để đến trường. Thật may lúc đó biết tin Hãng hàng không Pacific Airlines cần tuyển tiếp viên hàng không nên tôi dự thi và trúng tuyển.

Tập luyện ba môn phối hợp có lẽ là môn thể thao tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhất trong các môn thể thao hiện nay, đắt hơn cả chơi golf.

Tôi làm tiếp viên tám năm, bay nhiều nên có tiền chữa bệnh cho mẹ và phụ ba nuôi sáu em ăn học tại TP.HCM. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm của tôi đều chi phí cho các ca mổ của mẹ, tiền hóa chất, xạ trị và nuôi các em. Từ việc mẹ bị ung thư sớm, đau đớn, tốn bao tiền của điều trị nên tôi nhận ra mình chính là bác sĩ của đời mình.

Phòng cháy hơn chữa cháy, sức khỏe không tự nhiên có mà phải đầu tư cho sức khỏe bằng cách luyện tập. Vì thế tôi tập luyện thể thao, chơi thể thao chứ không coi thể thao là nghề của mình.

Hi sinh hạnh phúc riêng

Người sắt vượt thử thách - Ảnh 3.

Ảnh: HOÀNG PHI PHI

* Tôi thấy chị quanh năm suốt tháng mải miết với việc tập luyện, thi đấu, vậy thời gian nào chị dành cho gia đình và hạnh phúc riêng?

- Bao nhiêu năm qua tôi phải chăm sóc mẹ bệnh ung thư nặng và phụ ba nuôi sáu em học hành. Giờ tôi dành hết thời gian cho thể thao vì cảm thấy đến lúc phải sống cho cuộc đời mình nên chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Mục tiêu của tôi là tập trung thời gian rèn luyện sức khỏe, đặt mục tiêu giành kết quả cao ở các cuộc thi ba môn phối hợp trong nước, quốc tế.

* Chị là người phụ nữ VN đầu tiên đạt chuẩn tham dự Giải Challenge Roth ở Đức vào tháng 7-2017. Trải nghiệm được thi đấu ở cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt và thú vị nhất thế giới chắc chắn rất tuyệt vời?

- Cuộc thi Challenge Roth là cuộc thi trong mơ của mọi VĐV ba môn phối hợp trên thế giới. Để được tham dự giải, tôi phải đoạt giải nhất ở cuộc thi Challenge VN tổ chức tại Nha Trang năm 2016 trước đó thì mới được cấp qualified (tiêu chuẩn) cho Giải Challenge Roth 2017. Tôi đã là nữ VĐV VN bơi nhanh nhất, đạp xe nhanh nhất và chạy nhanh nhất tại Challenge VN 2016. Tại Chellenge Roth ngày 9-7-2017 tôi hoàn thành chặng đua bơi 2,4 dặm (3,86km), đạp xe 112 dặm (180,25km), chạy marathon 26,2 dặm (42,2km) với thời gian 15 giờ 24 phút 9 giây.

* Chị tập luyện với cường độ cao, vì thế chế độ dinh dưỡng chắc hẳn cũng vô cùng nghiêm ngặt để phục vụ cơ thể đáp ứng nhu cầu vận động?

- Tôi phải tự chế biến thức ăn tại nhà để đảm bảo đủ chất, sạch theo tiêu chuẩn "3 không": không mặn (hầu như không phụ gia), không đường, không béo động vật (phải thay thế chất béo từ thực vật). Ngoài ra tôi phải bổ sung thêm thực phẩm chức năng. Tập luyện cường độ cao, ăn uống khoa học nên tôi giờ khỏe hơn, trẻ hơn.

* VĐV chuyên nghiệp kiếm tiền từ thể thao, còn chị thì kiếm tiền để chơi thể thao. Chị làm gì để có tiền tập luyện môn thể thao tốn tiền, tốn sức như ba môn phối hợp?

- Công việc chính của tôi là đầu tư bất động sản. Ngoài ra tôi cũng kinh doanh một cơ sở làm rèm và đang góp vốn mở một phòng tập gym tại TP.HCM.

Thành công chỉ đến với người thắng thử thách

Người sắt vượt thử thách - Ảnh 4.

* Sau ba năm luyện tập thể thao chuyên nghiệp, thể thao đem lại cho chị điều gì?

- Tôi xem luyện tập thể thao là cách sống chuẩn nhất mang đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Thể thao giúp tôi khám phá bản thân, khai thác triệt để ý chí, nghị lực, kỷ luật thép và biến nó thành đam mê cho cuộc sống tích cực hơn. Khi tôi chiến thắng bản thân và được gọi tên trên bục vinh quang, tôi cảm thấy rất tuyệt vời.

Tôi mong các tổ chức xã hội, ngành thể thao sẽ quan tâm nhiều hơn đến ba môn phối hợp trong thời gian tới. Nếu VĐV như tôi có nhà tài trợ để tham dự các cuộc thi hoặc các đại hội thể thao chính thống như SEA Games thì đó là điều tuyệt vời.

* Một người bình thường để chạy được 10km đã cực kỳ khó khăn, chị tham gia cuộc thi mà người ta nói chỉ có những "người sắt" mới có thể làm được. Thời điểm nào trong mỗi cuộc thi khiến chị kiệt quệ về thể chất và tinh thần nhất?

- Chạy 10km là kiệt sức đối với người bình thường, tôi cũng là con người chứ không phải thần thánh. Cái khác ở đây là sức mạnh ý chí và lòng quyết tâm vượt lên thử thách, chiến thắng bản thân. Tôi luôn rất kỷ luật trong tập luyện nên có sự chuẩn bị khá tốt về thể chất và tinh thần, đặc biệt là biết tính toán chi phối sức bền khi thi đấu nên không để cơ thể rơi vào tình trạng bị kiệt quệ.

Khó khăn thật sự chỉ đến với tôi khi bị chấn thương thì không tập luyện được, thi đấu rất đau đớn, ảnh hưởng đến kết quả. Phải nói thật là tất cả các cuộc thi đấu quan trọng tôi đều bị chấn thương nặng, đau đớn nhưng vẫn về đích và trở thành nhà vô địch.

Người sắt vượt thử thách - Ảnh 5.

Ảnh: HOÀNG PHI PHI

* Trên đường đời có nhiều khó khăn, đã bao giờ những khó khăn, đau khổ về thể xác và tinh thần trong cuộc sống có thể so sánh được với khi chị vắt kiệt sức lực, ý chí để hoàn thành các cuộc thi "Người sắt"?

- Trên đường đời tôi gặp vô vàn khó khăn còn nghiệt ngã hơn cả cuộc thi "Người sắt". Nhưng với ý chí và nghị lực, tôi không bao giờ gục ngã. Tôi một tay nuôi mẹ bị ung thư, phụ ba nuôi sáu đứa em nên người không phải là chuyện đơn giản. Công việc tiếp viên hàng không nay đây mai đó thức khuya dậy sớm, kinh doanh gặp khó khăn... thì những thách thức trong gian khổ vượt đèo, lội biển dưới nắng nóng hay đạp xe ngược gió hàng trăm cây số cũng chỉ là những thách thức về thể chất mà thôi.

Tôi phải cảm ơn mọi thử thách mới rèn nên ý chí, nghị lực kiên cường của bản thân. Trong cuộc đời không có gì là dễ dàng, nếu cuộc đời bằng phẳng thì thật nhàm chán. Chỉ có vượt lên gian khổ và chiến thắng thử thách lúc đó bạn mới biết mình là ai và đã làm được gì trong đời.

Người sắt vượt thử thách - Ảnh 6.

Ảnh: HOÀNG PHI PHI

Nguyễn Thị Gia Huệ sinh năm 1977 tại Nha Trang, là VĐV nữ VN ba năm liên tiếp vô địch ở cuộc thi Ironman VN 2015, 2016 và 2017 tại Đà Nẵng. Đây cũng là cơ sở để Gia Huệ giành quyền tham dự cuộc thi Ironman vô địch thế giới năm 2016 tại Úc và ngày 9-9-2017 tại Tennessee (Mỹ).

Ngoài ra, năm 2016 Gia Huệ là VĐV nữ VN vô địch cuộc thi ba môn phối hợp mang tên Challenge VN 2016 tại Nha Trang. Trên cơ sở đó Gia Huệ đạt tiêu chuẩn là VĐV nữ VN đầu tiên giành quyền tham dự cuộc thi Challenge Roth tại Đức vào tháng 7-2017.

Đạp, bơi và chạy

* Một ngày tập luyện của "người sắt" Gia Huệ chắc hẳn phải khác với người bình thường lắm?

- Trước mỗi giải đấu quan trọng, nhiều tháng tôi phải tập luyện trung bình 8-10 giờ/ngày.

Tôi đi ngủ lúc 19h, thức dậy lúc 2h sáng, sau đó phi ra đường đạp xe bởi nếu đạp xe vào ban ngày sẽ rất nguy hiểm. Tôi đạp trung bình 150-180km/ngày, tiêu tốn 5-6 giờ.

Sau khi đạp xe tôi sẽ bơi 2-4km, mất thêm từ 50 phút đến 2 giờ. Tôi chạy bộ xen kẽ các ngày đạp xe, trung bình chạy 15-20km/ngày, hoặc hôm nào đạp xe ít thì một ngày sẽ tập cả đạp xe, bơi, chạy bộ.

Ngày nào chỉ đạp 80m-100km thì tôi được ngủ đến 4h sáng. Buổi chiều tôi chỉ tập tạ và yoga và đến 19h lại đi ngủ.

Đã có hai lần tôi đạp xe liên tục không nghỉ từ Nha Trang tới Đà Lạt và Nha Trang đi Buôn Ma Thuột.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên