13/06/2024 07:29 GMT+7

Người phụ nữ đi xe máy suốt 9 tiếng đến bệnh viện vì 'bệnh khó nói'

Người phụ nữ 33 tuổi mắc căn bệnh khó nói, phải đi xe máy suốt 9 giờ từ nhà đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh. Sau một số xét nghiệm, người bệnh được bác sĩ chẩn đoán mắc bàng quang tăng hoạt.

Nữ bệnh nhân mắc căn bệnh khó nói, 15-20 phút lại đi tiểu - Ảnh minh họa

Nữ bệnh nhân mắc căn bệnh khó nói, 15-20 phút lại đi tiểu - Ảnh minh họa

Nữ bệnh nhân (33 tuổi, ngụ Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đến Phòng khám cơ sở Trương Công Giai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám với lý do tiểu nhiều. Bệnh nhân cùng chồng và con trai đi xe máy mất 9 giờ đồng hồ (từ 12h trưa đến 21h tối) mới đến Hà Nội để khám bệnh.

Bệnh nhân chia sẻ bản thân không đi được ô tô khách, vì cứ 15 - 20 phút lại đòi dừng xe đi tiểu, nhà xe họ không cho đi. Từ thời còn chưa lấy chồng, chị đã bị tiểu nhiều, cứ 1 - 2 lần/giờ, mỗi khi buồn tiểu phải đi ngay nếu không sẽ "són ra quần".

Sau khi chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán mắc bàng quang tăng hoạt (OAB). Bệnh nhân được kê đơn thuốc, tư vấn cách uống nước, cách tập nhịn tiểu, cách tập cơ sàn chậu, và hẹn khám lại sau một tháng dùng thuốc.

Một tháng sau, người bệnh gọi điện lại cho bác sĩ, báo rằng đã hết triệu chứng tiểu nhiều nhưng không đi khám theo hẹn được vì đang bận công việc mùa màng. Bác sĩ cũng tư vấn thêm cho chị, hy vọng người bệnh sẽ duy trì được kết quả điều trị lâu dài.

Theo bác sĩ Hạ Hồng Cường, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động không đều, gây ra cảm giác cần phải đi tiểu ngay lập tức, thậm chí khi bàng quang chỉ chứa một lượng nhỏ nước tiểu. 

Người mắc OAB thường có thể phải đi tiểu nhiều lần trong ngày và đêm, thậm chí có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc tiểu tiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Các nguyên nhân gây nên OAB có thể bao gồm:

- Tuổi tác: Sự suy giảm của các cơ bàng quang và hệ thần kinh liên quan có thể góp phần vào việc phát triển OAB, đặc biệt là ở người cao tuổi.

- Các tình trạng như viêm nhiễm, tiểu đường, bệnh Parkinson, đa tiểu đường, hoặc bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh có thể gây ra OAB.

- Sự thay đổi hormone trong cơ thể, như trong quá trình mãn kinh ở phụ nữ có thể làm tăng nguy cơ mắc OAB.

- Sử dụng quá nhiều caffeine hoặc rượu, hút thuốc lá, hoặc các loại thuốc nhất định có thể tăng nguy cơ mắc OAB.

- Sự căng thẳng quá mức của cơ bàng quang, dẫn đến việc bàng quang co bóp một cách không kiểm soát cũng có thể gây ra OAB.

- Một số trường hợp OAB có thể có yếu tố di truyền: OAB có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới.

"Việc xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng bàng quang tăng hoạt thường cần sự đánh giá từ bác sĩ chuyên khoa và các xét nghiệm y tế phù hợp. Người bệnh khi có triệu chứng điển hình của OAB như tiểu nhiều, tiểu khó kiểm soát... nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tự tin với các hoạt động, công việc hằng ngày" - bác sĩ Cường cho biết.

Theo bác sĩ Châu Minh Duy - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và đường tiết niệu nói riêng. Do đó, tình trạng bàng quang tăng hoạt có thể được ngăn ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh:

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên

- Hạn chế sử dụng cà phê, rượu bia…

- Không hút thuốc lá

- Kiểm soát chặt các bệnh mạn tính

- Thực hiện bài tập Kegel để làm săn chắc cơ vùng chậu.

Tiểu đêm nhiều có thể mắc bệnh lý nào?Tiểu đêm nhiều có thể mắc bệnh lý nào?

Tiểu đêm nhiều có thể do liên quan nhiều bệnh lý khác nhau, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên