Nghệ nhân Đặng Văn Tiên nặn tò he tại phố đi bộ trước ánh mắt thích thú của trẻ em - Ảnh: H.THANH
Cách nay 20 năm, anh Tiên lẽo đẽo theo ngoại học nghề, đến các lễ hội, hội chợ nặn và bán tò he. Suốt 20 năm gắn bó với nghề, anh nói mình quyết giữ nghề truyền thống này.
Nhờ nặn tò he, cuộc sống gia đình ổn định, tôi càng thích thú vì thấy yêu mến trẻ con, được nói chuyện với trẻ con thích lắm
Nghệ nhân ĐẶNG VĂN TIÊN
"Chạy sô"
Dịp lễ hội từ tháng giêng đến tháng ba, Tết thiếu nhi 1-6 hay lễ hội Trung thu, nghệ nhân Đặng Văn Tiên "chạy sô" không hết việc. "Phải nắm bắt được xu hướng trẻ con thích mặt hàng gì, tìm tòi sáng tạo ra những sản phẩm mới, lúc nặn siêu nhân, người nhện, lúc thức thời với các nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình như Songoku, Naruto, Elsa" - vừa nói, đôi tay anh Tiên vừa nặn thoăn thoắt.
Nhóm làng nghề của anh Tiên với gần chục nghệ nhân tò he được bố trí ngồi tại các địa điểm phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ mới Trịnh Công Sơn để làm sống lại làng nghề dân gian.
"Kỷ niệm nhớ nhất là có một bé đòi nặn hình người sắt mà không có hình ảnh. Tôi nói với cháu: "Thôi tả lại để chú nặn cho", cháu kêu áo màu đen, có hai cái sừng như thế này này. Tôi nặn theo yêu cầu của cháu, lúc hoàn thành hỏi có thấy ưng ý chưa thì cháu mừng rỡ khoe với mẹ.
Thế là từ đòi hỏi của một em nhỏ mà tôi có hình mẫu tò he người sắt thu hút các bé" - nghệ nhân Tiên hào hứng kể. Anh cũng cho biết để rèn giũa tay nghề, anh thường học hỏi từ ý tưởng, từ đòi hỏi của các em nhỏ.
Trước đây, con tò he miền Bắc được làm bằng bột gạo nếp nên trẻ con thích lắm, vừa được chơi tò he vừa được ăn. Nhưng cái khó nhất, anh Tiên trăn trở, mỗi ngày một nghệ nhân khéo tay có thể nặn từ 100-150 con tò he nhưng nếu bán không hết thì chỉ sau 2-3 ngày, bột nếp bị mốc, đành phải vứt đi.
Anh Tiên mày mò nghiên cứu, thử dùng bột mì trộn với muối giữ ẩm tốt nhưng bột nhanh khô quá, anh chuyển sang bột củ dong, bột trân châu thì thấy bột keo, cứng, để được lâu.
Hiện nay, nghệ nhân Tiên đã chế tạo được loại bột cao cấp được coi là bí quyết riêng của làng nghề tò he. Theo anh Tiên, tò he nặn từ bột này có thể để được một năm trời, có thể nặn ra các loại hoa và con rồng to. Với ưu điểm giữ được tò he lâu ngày, người làng Xuân La thích thú với thứ bột này đều tìm đến anh Tiên đặt hàng.
Giữ nghề
"Học xong lớp 12, thi trượt đại học, tôi tính đi học nghề cơ khí nhưng ngoại khuyên: "Không phải học nghề gì khác, học nghề của ông đây rồi". Thế là từ năm 18 tuổi tôi theo ngoại học nghề nặn tò he, đi đâu hai ông cháu cũng cùng đi" - anh Tiên nhớ lại ngày bén duyên với tò he.
Năm 2008, thành phố Hà Nội ra quyết định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội, công việc của anh Tiên cũng như nhiều nghệ nhân tò he khác gặp khó khăn vì không được bán hàng tại các công viên.
"Tôi suy nghĩ sao không vào bán hàng tại các điểm vui chơi, thế là xin vào bán hàng ở công viên nước hồ Tây, vừa có chỗ bán hàng tăng thu nhập vừa tạo điều kiện để phát triển nghề" - anh Tiên chia sẻ.
Rồi anh trăn trở bài toán khó đặt ra là gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống trước "cơn bão" hàng Trung Quốc bắt mắt, mẫu mã đẹp?
"Không phải không có cách giải quyết được" - anh khẳng định. Gần chục năm nay, anh đến gõ cửa các cơ quan, gõ cửa sở văn hóa các tỉnh, thành phố để tham gia các lễ hội, hội chợ tuyên truyền về làng nghề truyền thống tò he bao đời nay.
"Tôi nói ra tâm nguyện của mình muốn duy trì làng nghề truyền thống nên họ ưu tiên lắm, mời đến các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Huế... Mình còn trẻ tuổi, năng nổ nên phải đi, phải tìm ra các mối liên kết mới mong duy trì được công việc thường xuyên, mới mong quảng bá làng nghề đến mọi người" - nghệ nhân Đặng Văn Tiên bộc bạch.
Anh đã khẳng định tên tuổi của mình tại các cuộc thi lớn như nhận danh hiệu nghệ nhân Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đặc biệt là danh hiệu nghệ nhân Hà Nội và giấy chứng nhận "Bàn tay vàng" làng nghề truyền thống.
Anh Tiên còn kêu gọi khoảng chục bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia nhóm nghề truyền thống biểu diễn nặn tò he tại phố đi bộ. "Tiền công mỗi ngày từ 250.000 - 300.000 đồng, các em vừa có thu nhập vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống" - anh Tiên nói.
Phát triển du lịch làng nghề
Nghệ nhân Đặng Văn Tiên là 1 trong 65 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc năm 2018.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Tiên cho biết mong muốn của mình là phát triển nghề truyền thống tò he theo hướng du lịch làng nghề như làng gốm Bát Tràng. Hiện anh đang làm thủ tục giấy phép thành lập cơ sở sản xuất tò he để có địa điểm thuận lợi cho các em nhỏ tham quan, học hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận