Chủ nhật, ngày 24 tháng 1 năm 2021
"Tò he trẻ" đất Xuân La
TT - Những con tò he xinh xắn, ngộ nghĩnh chỉ là trò chơi cho trẻ con đã theo các chàng trai trẻ làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây) đi khắp miền đất nước. Câu chuyện làng tò he cũng từ đó lan xa...
![]() |
Một “tò he trẻ” trên đường phố Hà Nội -Ảnh: ĐỒNG HƯƠNG |
Là con trai của đất Xuân La, từ khi còn rất nhỏ Chu Văn Thụy đã được ông nội dạy cho nghề nặn tò he. Sáng ý cộng thêm đam mê, Thụy nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nặn phức tạp của ông nội.
Tò he trên đất Hàn
Năm 2005, Thụy đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, làm công nhân cơ khí. Những ngày chủ nhật được nghỉ, rảnh tay rảnh chân Thụy đi tìm gạo nếp, phẩm màu và que tre để nặn tò he chơi và tặng những người đồng hương cùng phòng vơi nỗi nhớ nhà.
Rồi những người cùng phòng "xúi giục", "máu nghề" nổi lên, cứ đến chủ nhật là Thụy mang đồ nghề ra công viên ngồi nặn tò he cho người đi qua đi lại ngó chơi. "Ban đầu, người dân Hàn Quốc còn lạ lẫm với những con tò he đủ màu sắc. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc nhìn thấy hay, thích thú ngồi xem nặn tò he hàng giờ. Có em bé đòi mẹ mua năm con tò he một lúc" - Thụy kể.
Nhưng đó không phải là việc Thụy làm thêm để kiếm tiền. Anh bảo: "Tiền công nặn chẳng đáng là bao, chủ yếu là mình giới thiệu cho người Hàn Quốc biết về nghề nặn tò he cổ truyền của quê hương và nặn để thấy mình còn yêu nghề, vả lại cũng đỡ nhớ nhà. Thấy họ thích thú với tò he mình mừng lắm". Những con tò he được nhiều bạn trẻ Hàn ưa thích như: chuột, lợn, rồng, hạc, siêu nhân… Và ai yêu cầu hình thù gì Thụy làm ra cái đó, ai cũng thích.
Giữ bí quyết nghề
Nghề nặn tò he đang phục hồi và phát triển mạnh nên có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua bí quyết nghề. "Nghề tò he có một qui định bất biến hơn 300 năm nay. Đó là chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái. Ngoài ra, trong gia đình phải chọn được người thích tò he và khéo tay thì mới truyền nghề" - ông Đặng Đình Bình, một người lớn tuổi trong làng, giải thích. "Bí quyết của nghề chính là ở khâu làm bột. Nếu làm bột không tốt thì khi bột khô dễ bị tróc, lở khỏi que. Người ngoài nghề thường không làm được bột nên đã mua chuộc bọn trẻ của làng bán bí quyết này" - ông Bình nói.
Năm 2005, con ông Bình là Đặng Đình Hưởng đang nặn tò he ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) thì có một người đàn ông đến dỗ ngọt, bảo sẽ trả thù lao 12 triệu đồng nếu cho ông bí quyết. "Thấy tiền ban đầu em cũng thích, nhưng em cứ phân vân. Nếu bán bí quyết nghề cho ông ta thì mình sẽ từ xe đạp mua được xe máy. Nhưng nghĩ lại thì không những có tội với tổ tiên mà còn bị mang tiếng cả đời. Thế là mình chối" - Hưởng nói.
Đi xa không để làm giàu
Ngày nay, tò he không chỉ xuất hiện ở các hội làng, công viên, trường học mà còn thường xuyên có mặt ở các khác sạn và lễ mừng sinh nhật của con cái những người giàu có.
Đặng Đình Hưởng là một trong nhiều bạn trẻ của làng Xuân La nặn tò he ở đất Hà Nội từ khá sớm. Chính vì thế mà Hưởng có được mối quan hệ với nhiều khách sạn lớn ở Hà Nội. Khi khách sạn có tiệc là "ới" Hưởng đến. Công việc của Hưởng là nặn tò he để dỗ dành các em nhỏ theo bố, mẹ đến khách sạn ăn tiệc và cũng làm cho bữa tiệc thêm màu sắc, Hưởng được thù lao 300.000-500.000 đồng. "Chơi với trẻ con đã vui, chúng thích tò he lại càng vui" - Hưởng nói.
Ngoài làm ở các khách sạn, Hưởng còn được mời đến nặn tò he ở những buổi tiệc sinh nhật của con những người khá giả. Một ưu thế của "tò he trẻ”, theo Hưởng, là khả năng nắm bắt rất nhanh những hình ảnh hiện đại như siêu nhân, người nhện, Kinh Kong…
Những người trẻ nặn tò he của làng Xuân La là những người thường đi rất xa. Nhiều bạn trẻ ở Xuân La xuất hiện ở TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương… để hành nghề. Nhưng nhìn chung, dù tò he trẻ đang "phất" nhưng phần lớn những bạn trẻ đam mê nghề nặn tò he vẫn có hai nghề. Hưởng vừa chỉ vào đống hàng tạp hóa mang theo vừa phân trần: "Không ai làm giàu bằng nghề nặn tò he cả, chỉ là đam mê thôi".
-
TTO - Luật hải cảnh mới của Trung Quốc có khả năng làm bùng nổ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông - thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, đánh giá.
-
TTO - 'Cho lúa giống, tui có lấy ai đồng bạc nào đâu, cho mỗi người 1-2 ký à. Chơi gan không?', ông Hoa Sĩ Hiền chia sẻ.
-
TTO - Công chúa Phương Mai, con gái đầu của vua Bảo Đại, đã qua đời tại Louveciennes (Pháp).
-
TTO - Người cha bị đột quỵ không đi lại được 15 năm nay đưa con trai bị bại liệt đến giảng đường đại học trên chiếc xe ba bánh. Sáng nay, người con nhận bằng đại học với thành tích trong top 10 của khoa.
-
TTO - Lợi dụng lúc tên bắt cóc mải trò chuyện với nữ phóng viên mới vào nghề, cảnh sát đã dùng súng bắn tỉa tiêu diệt y tại chỗ. Nhiều người thoạt đầu nghĩ người phụ nữ mặc áo xanh cầm micro là một nhà đàm phán được cảnh sát cử tới.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận