Mẹ Mai Thị Thìn - Ảnh: My Lăng |
40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, chưa ngày nào mẹ thôi nhớ chồng, nhớ con. Cây nhãn chồng mẹ tự tay trồng, bao năm qua vẫn còn đó, đã bao mùa trổ bông kết trái nhưng ông mãi mãi không một lần được hưởng quả ngọt của cây.
Dù con hi sinh đã lâu, hằng đêm mẹ vẫn không cài then cửa, nhỡ anh về phải đợi lâu. Mẹ không cho sửa nhà, nhỡ đâu anh về không nhận ra.
Con giấu mẹ, mẹ giấu con
Mẹ sống trong 40 năm hi vọng như thế. Đó là câu chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Thìn ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế, Bắc Giang).
Bà Nguyễn Thị Bộ, con gái của mẹ Thìn, kể: “Bao nhiêu năm sau hòa bình, nhiều đêm mẹ vẫn cứ mê, gọi tên con. Nhiều lúc mẹ nói bâng quơ: không biết liệu nó có chạy được đi đâu không. Giờ nó về thì thích quá... Ngày trước đi làm về tôi hay thấy mẹ cầm ảnh anh Nhượng ra lau, ngồi ngắm, khóc rồi lại để lên bàn thờ”.
Giờ mẹ như ngọn đèn trước gió. Nhưng ở cái tuổi 87, giọng mẹ vẫn còn rắn rỏi và rành rọt lắm dù nói rất chậm: “Tôi thương bà cụ (mẹ chồng - PV) lắm. Có độc người con thì chết trẻ. Sau được mỗi thằng cháu trai cũng mất. Tôi cứ phải động viên bà cụ.
Tôi bảo: bà cứ thở ngắn thở dài làm gì. Giặc đánh mình thì mình phải đánh nó. Mà đã đánh nhau thì phải có hi sinh, mất mát. Nói vậy chứ lòng tôi như xát muối. Nhưng cứ phải cứng rắn lên. Không cứng rắn không được. Hàng xóm thương lắm, đến cổng thấy tôi là khóc”.
Cả hai lần nhận giấy báo tử chồng rồi đến giấy báo tử con, mẹ Thìn đều giấu mẹ chồng. Ông Phan Văn Khôn, chồng mẹ Thìn, hi sinh tháng 12-1952.
“Giấy báo tử về, bà cụ giấu không cho tôi biết. Tôi cũng giấu không cho bà cụ biết. Mẹ giấu con. Con giấu mẹ. Biết thì không làm ăn gì được” - mẹ Thìn bảo.
Chồng ra đi khi mẹ mới 24 tuổi. Khi đó cậu con trai lớn Phan Công Nhượng chỉ mới 5 tuổi, còn con gái út Nguyễn Thị Bộ mới 2 tuổi. Mẹ Thìn trở thành trụ cột trong gia đình vì mẹ chồng chỉ có độc một người con thì đã hiến mình cho cách mạng.
Một mẹ già, hai đứa con nhỏ, mẹ cắn răng nuốt nước mắt lao vào làm quần quật từ mờ sáng đến tối mịt trên đồng để quên đi nỗi đau.
Làm tích cóp được bao nhiêu thóc, để đủ tiêu chuẩn cho xã mẹ bán thóc nghĩa vụ cho Nhà nước nuôi quân hết, bù cho những gia đình quá khó khăn không thể đóng góp. Mẹ và các con toàn ăn khoai độn, rau dại.
Gần 2 mẫu ruộng rồi trâu bò, mẹ hiến hết cho hợp tác xã (HTX). Mẹ quần quật làm vì nghĩ rằng không ra chiến trường thì ở nhà làm việc đồng áng, tăng gia sản xuất cũng là cách đóng góp cho cách mạng.
Khi con trai mẹ lớn hơn chút nữa, năm 1966, chính mẹ là người động viên con tiếp bước cha dù anh nằm trong diện miễn nghĩa vụ quân sự. Việc làm của mẹ đã khơi dậy phong trào tòng quân đánh giặc ở địa phương thành cao trào thanh niên tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước.
Nhiều thanh niên thị trấn Bố Hạ lúc đó không chỉ sẵn sàng mà còn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bằng máu.
“Người dân trong xã, trong huyện lấy gương mẹ ra học tập. Con cái các nhà trong vùng lên đường răm rắp. Mẹ đến động viên là đi hết”, con gái mẹ Thìn cho hay.
Trong một lần đi công tác, mẹ Thìn không ngờ sẽ không bao giờ gặp lại con mình nữa. Năm 1967, đang học Trường Dược Hà Nội, anh Nhượng bất ngờ về nhà chào từ biệt trước khi đi chiến trường. Nhưng nhà chỉ có mỗi bà nội, mẹ anh đang đi họp ở Bắc Ninh.
“Hôm đó anh tôi về cùng một người bạn. Anh còn bắt nhái lột da vá săm xe. Không gặp được mẹ, anh vẫn khoác balô lên đường vào Nam” - bà Bộ, em gái của liệt sĩ Phan Công Nhượng, kể.
Trên đường hành quân, anh Nhượng viết thư về báo cho mẹ biết và gửi một tấm ảnh. Về nhà hay tin, mẹ Thìn không khóc, chỉ sững người. “Trái tim bà như bằng đá vậy. Mình có khi rớt nước mắt chứ bà thì không”, con gái của mẹ Thìn nói.
Mẹ Thìn khóc khi nhìn di ảnh con trai - Ảnh: My lăng |
Trắng đêm tuốt từng gié lúa
Hai năm sau, giấy báo tử gửi về. Anh Nhượng hi sinh ngày 4-6-1969 tại huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Một lần nữa, mẹ Thìn nuốt ngược nước mắt giấu mẹ chồng.
“Người ta gửi giấy báo về xã, tôi nhận được giấu bà cụ. Người ta báo với cụ thì cụ lại giấu tôi. Không ai bảo ai. Cứ lặng yên” - mẹ Thìn kể. Người ra chiến trường tan xương nát thịt. Người ở nhà cũng tan nát cõi lòng.
“Ngày nhận giấy báo tử anh Nhượng, mẹ tôi đi gặt cả một sào lúa nếp về, nhưng không đập cho nhanh mà cứ ngồi tuốt từng gié lúa. Mẹ ngồi tuốt lúa như thế suốt đêm.
Sau này ngẫm lại tôi mới nghĩ mẹ làm vậy để giữ bình tĩnh, để vượt qua nỗi đau mất con lúc đó. Mẹ bảo xã đừng nói gì để bà về làm tư tưởng với mẹ chồng.
Mẹ sợ nói ngay bà tôi không chịu đựng được vì bà đã mất con độc nhất, giờ lại mất đứa cháu đích tôn nữa... Dần dần mẹ tỉ tê với bà rồi mới làm lễ truy điệu.
Bà tôi khóc nhiều. Nhưng mẹ tôi thì vững vàng lắm vì bà còn phải đi vận động nhà người ta để cho con đi bộ đội mà nếu khóc thì không làm được gì”, bà Bộ kể.
Sau này cứ mỗi lần thấy mẹ gặt lúa về ngồi tuốt từng gié, có khi ngồi tuốt mấy tiếng, bà Bộ lại biết mẹ đang nhớ con. “Người mẹ cứ gầy rộc đi nhưng không bao giờ thấy mẹ khóc một tiếng nào”, bà Bộ rớm nước mắt khi kể lại.
Gạt qua nỗi đau, mẹ Thìn lao vào công tác. Mẹ đi bộ hàng chục cây số lên huyện họp. Mẹ đi từ lúc gà gáy đến tối sẫm tối sờ mới về. Ngày nào cũng vậy. Mãi sau mẹ mới được phân một xe đạp Thống Nhất.
Con gái của mẹ bảo: “Mẹ chả nghĩ tới mình. Nhà dột không có chỗ ở. Cứ xách cái túi đi họp, về ăn củ khoai. Mẹ không vơ cái gì cho mình. Tất cả hi sinh cho đất nước, cho cái chung. Mẹ bảo cả chồng, cả con đều hi sinh hết cho đất nước thì tài sản có nghĩa lý gì...”.
Khi con gái học hết cấp II, dù nhà neo người mẹ Thìn vẫn cứng cỏi động viên con đi học tiếp để sau này đỡ vất vả. Những năm tháng sau đó, người con duy nhất còn lại của mẹ học xa tận Vĩnh Phúc. Mẹ Thìn ở nhà chăm sóc mẹ chồng cho đến khi bà mất ở tuổi 82.
Thương cảnh mẹ lầm lụi một mình, con gái mẹ lại chuyển công tác từ Hà Nội về để ở gần chăm sóc mẹ. Trước khi nghỉ hưu, con gái mẹ là giám đốc kho bạc huyện Yên Thế. Bốn người cháu ngoại của mẹ Thìn đều thành đạt.
“Các con tôi đều nhìn vào truyền thống gia đình mà phấn đấu, giữ gìn bản thân - bà Nguyễn Thị Bộ tâm sự - Mẹ tôi bảo: trước kia tao làm cách mạng như thế mà chẳng nghĩ gì. Chúng mày làm phải chân thật, không tham lam cái gì cả, phải theo nếp gia đình.
Đến bây giờ chỉ còn một điều tôi chưa làm được cho bà. Bà cứ mong tìm được mộ con về. Cả hai bố con đều không biết mộ ở đâu. Tôi đã đến tất cả nghĩa trang ở Tây Ninh mong tìm được mộ anh Nhượng để bà đỡ ray rứt nhưng không tìm ra...”.
Các kỳ trước >> Kỳ 1: Người con gái giả trai đi đánh giặc >> Kỳ 2: Mẹ Việt Nam anh hùng người Thái Lan >> Kỳ 3: “Sao tụi nó đi hoài chưa về...” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận