07/03/2016 10:18 GMT+7

“Sao tụi nó đi hoài chưa về...”

MY LĂNG 
(mylang@tuoitre.com.vn)
MY LĂNG 
(mylang@tuoitre.com.vn)

TT - Ba năm nay mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh đã một trăm lẻ bốn tuổi rưỡi bị lẫn. Nhiều bữa mẹ cứ ru con, gọi các con về ăn cơm hoài.

Trên bàn thờ trong nhà má Vĩnh kín đầy bằng Tổ quốc ghi công của chồng và sáu người con ruột, một con rể - Ảnh: My Lăng
Trên bàn thờ trong nhà má Vĩnh kín đầy bằng Tổ quốc ghi công của chồng và sáu người con ruột, một con rể - Ảnh: My Lăng

7g sáng. Nhìn ánh nắng sớm mai xuyên qua hàng dừa, ông Nguyễn Văn Mười - con trai út của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh ở xã Thạnh Hòa (Bến Lức, Long An) - gọi vợ và con trai giúp mình đưa má ra sân sưởi nắng.

Má Nguyễn Thị Vĩnh đã một trăm lẻ bốn tuổi rưỡi, phải ngồi trên xe lăn. Gia đình má là một gia đình đặc biệt. Không chỉ có má Vĩnh mà mẹ ruột và mẹ chồng của má đều là mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng má Vĩnh có chồng, sáu người con và một con rể hi sinh...

“Về ăn cơm với má...”

Tóc má bạc trắng. Đôi mắt như sương khói mơ hồ. Khi tôi nắm tay má, bàn tay má cứ nắm chặt tay người khách lạ rồi má cười. Nụ cười hiền đến nỗi khiến lòng người muốn tan chảy. Má nói, giọng thật rành rọt: “Về đi con. Về ăn cơm với má...”. “Ba năm nay má bị lẫn. Nhiều bữa má cứ ru con, gọi các con về ăn cơm hoài...” - ông Nguyễn Văn Mười (Út Mười) rơi nước mắt bảo.

Từ năm 1946, vợ chồng má Vĩnh trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, bộ đội. “Để có gạo nuôi đàn con, nuôi bộ đội, má tui mần dữ lắm. Má đập lúa mướn, mót lúa. 3-4g sáng má đã dậy lo cơm nước cho các con rồi đi làm. Những ngày có trăng má làm tới 11, 12g đêm mới về. Một đêm má chỉ ngủ 2-3 tiếng"- ông Út Mười kể.

Có lần lính vô nhà đổ hết 5 - 7 giạ gạo trắng xuống nền đất. Đó là số gạo má vận động nuôi anh em, chắt chiu để dành, không dám ăn. Khi đám lính đi rồi, má vừa khóc vừa lấy chổi quét, kiên nhẫn nhặt từng hạt rồi đi đãi, rửa, gửi cho anh em bộ đội.

Nhiều bữa trong nhà không còn gạo, má đi mượn gạo nấu cơm cho “mấy thằng con bộ đội mới về”. Chỉ có các con của má mới biết không ít lần má nhường phần cơm của mình cho bộ đội. Bộ đội về, ai quần áo rách má lấy ra vá hết. Đồ dơ của các anh một tay má giặt.

“Có đêm về, có anh không còn quần áo, phải núp dưới bờ kênh. Má nghe mấy anh gọi: Má ơi kiếm cho nó bộ đồ, nó ở dưới lá không có đồ, còn có cái quần tà lỏn. Má lật đật coi trong nhà còn bộ đồ nào là lấy ra cho mặc. Hết đồ thì lấy luôn quần của má. Anh em bộ đội gọi là má” - ông Út Mười kể.

Má Vĩnh có 11 người con. Nghe lời động viên của mẹ, lần lượt sáu người con của má xung phong lên đường. Tháng 10-1962, má nhận được tin báo tử đầu tiên: người con trai thứ tư Nguyễn Văn Tích hi sinh.

Năm đó anh Tích mới 17 tuổi, là thư ký của văn phòng Huyện ủy Bến Lức. “Địch phát hiện hầm trú ẩn, từ dưới hầm ảnh tung lên quả lựu đạn nhưng không nổ. Tụi nó lôi ảnh lên bắn chết”, ông Út Mười cho hay. Khi đó má Vĩnh vừa sinh người con trai út một tuần.

Không bao lâu sau, người con trai tên Nguyễn Văn Hân cũng hi sinh khi mới 19 tuổi. Trên đường hành quân, anh Hân bị pháo địch bắn tan nát. Thân thể không còn gì.

Tháng 12-1967, người con trai thứ ba của má là anh Nguyễn Văn Ty - chánh văn phòng Huyện ủy Bến Lức - bị địch bao vây bắn chết. Khi đó anh mới 23 tuổi.

“Anh Ba Ty lọt vào trận càn của địch, anh ôm mìn lao vào chết với địch nên xác không còn nguyên vẹn, nhiều phần nát bấy, phải trộn rơm vô mang về cho má. Má tui là người cùng đồng đội anh chôn xác anh”, ông Út Mười nói.

Hai năm sau, năm 1969, chỉ trong mấy tháng má gồng mình đón nhận hai nỗi đau: người con trai thứ tám Nguyễn Văn Phúi và cô con gái thứ năm (Nguyễn Thị Phia) hi sinh.

Ngày 11-5-1969, khi đang theo đoàn vận tải, anh Phúi bị biệt kích phục kích bắn. Đồng đội không thể tìm thấy một mảnh thân thể nào của anh. Năm đó anh mới 19 tuổi. Còn chị Phia làm trong ban chấp hành phụ nữ xã kiêm luôn y tá.

“Bữa đó, 9g đêm địch bắn một chặp. Anh Năm Ngưu bị thương. Chị Năm Phia chuyển ảnh qua An Thạnh. Tới 3-4g khuya nó quất thêm chặp nữa. Lúc đó chị Năm vừa về tới nhà. Nó câu pháo vô bắn trúng chị gãy cột sống. Mấy tiếng sau thì chị hi sinh ngay trong vòng tay má. Lúc đó má cũng bị một miếng găm vô bắp chân...” - ông Út Mười kể.

Chỉ một năm sau, má lại nhận tin dữ: anh Nguyễn Văn Mánh đã hi sinh trong một trận càn của địch. Năm đó, con trai má mới 24 tuổi. Đó là người con trai cuối cùng trong số năm người con trai đi bộ đội.

Tháng 3-1973, chồng má, ông Nguyễn Văn Tài, cũng hi sinh.

Má Vĩnh và di ảnh hai người con Nguyễn Thị Phia và Nguyễn Văn Ty - Ảnh: My Lăng
Má Vĩnh và di ảnh hai người con Nguyễn Thị Phia và Nguyễn Văn Ty - Ảnh: My Lăng

 

“Hi sinh đến mấy cũng phải bền lòng”

Đến năm 1973, trong 11 năm má đã mất chồng và sáu người con. Ông Nguyễn Văn Ven - con trai thứ chín của má Vĩnh - nhớ lại: “Khi gia đình đã hi sinh tới người thứ bảy, má nói với chị em tui: tất cả đều hi sinh. Càng mất mát bao nhiêu càng một lòng một dạ theo cách mạng bấy nhiêu. Dù hi sinh đến mấy cũng phải bền lòng”.

Không lâu sau ngày chồng hi sinh, giặc khép má tội “gia đình cộng sản” khi bắt được một anh bộ đội trong nhà má.

“Bữa đó chừng 3-4g khuya, anh em bộ đội đi công tác về ghé qua nhà. Đang ngủ thì địch ập vô. Mấy anh kia chạy thoát, duy chỉ có anh Năm Nhân chạy không kịp. Chúng nó bắt má và anh Năm Nhân đem ra bờ gần cầu Bến Lức tra tấn. Mấy thằng lính uýnh má bằng báng súng tới tấp vô đầu, vô lưng, vô bụng, từ 4g khuya tới sáng.

Nó hỏi sao trong nhà có bộ đội, má bình tĩnh nói thiệt to: Nhà tui là nhà tản cư, trống trước trống sau. Anh em Việt cộng người ta tự tới ngủ, tui hổng hay. Lúc đó anh Năm Nhân cũng nghe được, khai tui đi tới đây mệt quá vô ngủ gia đình này không hay. Vì khai trùng khớp nên tới sáng tụi nó thả má ra. Nhưng má bị gãy tép sườn”, ông Út Mười kể chuyện.

Sau ngày thống nhất đất nước, má Vĩnh vẫn hi vọng hai người con mất tích có thể còn sống sẽ trở về với má. Phải đến 30 năm sau má mới hết hi vọng.

Năm 1993, gia đình đã quy tập hết tất cả hài cốt các anh, chị về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Nhưng má vẫn còn ray rứt khôn nguôi khi không thể tìm được hài cốt của hai người con mất tích...

“Hồi còn tỉnh táo, má nhắc nhiều nhất anh Ty. Má nói tội nghiệp ảnh, còn một tháng nữa là đám cưới thì mất. Hồi ảnh hi sinh là người con trai cuối cùng. Má đau lắm. Má biểu anh Ba Phong là bạn chí thân của anh Ty: thằng Ty nó chết rồi, con vô thế nó làm thằng Ty cho má”, ông Ven rớm nước mắt kể lại.

Năm 1996, má Nguyễn Thị Vĩnh được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày nhận danh hiệu, má ôm cái bằng vinh danh vào lòng lặng thinh, đôi mắt nhìn xa xăm.

Người con trai út của má Vĩnh trầm ngâm kể: “Nhiều bữa tui thấy má ngồi một mình nhìn ra cửa khóc. Chẳng phải ngày giỗ, ngày thương binh liệt sĩ mà những ngày thường, nhiều lúc má cứ lặng thinh nhìn bàn thờ thiệt lâu.

Có lúc trong bữa cơm má buột miệng biểu: mày ăn cơm đi Ty, ăn cơm đi Tích. Nay má nhắc tên người này, mai má nhắc tên người kia. Trong ngày thế nào cũng nhắc tên con. Rồi má nhắc thằng này thích món nọ, món kia. Có lúc má thẫn thờ nhắc: con thì đông mà sao tụi nó đi hoài chưa về...”.

_______________

Kỳ tới: Người mẹ Yên Thế

MY LĂNG 
(mylang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên