04/06/2021 09:36 GMT+7

Người mẹ trong phim Việt sao... ác thế?

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Gần đây, hình ảnh người mẹ trong phim truyền hình Việt được xây dựng từ xấu tính đến 'ác' khiến không ít người xem ngỡ ngàng.

Người mẹ trong phim Việt sao... ác thế? - Ảnh 1.

Từ trên xuống: người dì, người mẹ trong phim Thương con cá rô đồng, Hãy nói lời yêu và Hương vị tình thân - Ảnh: ĐPCC

Có thể điểm qua vài nhân vật người mẹ trong các phim ăn khách làm khán giả... tức đứng tức ngồi, như trong Gạo nếp gạo tẻ (phần 1), bà Mai thương con một cách thiên vị khiến con cái cảm thấy bất mãn, bà Cúc trong Hướng dương ngược nắng vì quá thương con đã có những hành động gây tổn hại đến người khác, hay người mẹ trong Cây táo nở hoa bỏ bê con từ nhỏ xíu, thỉnh thoảng trở về vòi tiền con trai.

Nhưng trong một số phim khác, người mẹ không chỉ xấu tính mà còn trở nên... ác.

Người mẹ trong phim Việt sao... ác thế? - Ảnh 2.

Phim Hương vị tình thân

Những tính xấu của người mẹ bị "nâng tầm"

Trong phim Hương vị tình thân, bà Sa - mẹ của Thy - khiến khán giả tức anh ách. Cứ mỗi lần xuất hiện cùng Thy, bà Sa không có gì ngoài việc hối thúc con gái phải mồi chài hai con trai của bạn mình để có thể trở thành thông gia với gia đình giàu có danh giá ấy.

Không cần nghĩ đến cảm xúc của con, bà sẵn sàng mắng nhiếc, chì chiết Thy mỗi lần cô "tán trai" không thành công. Một số khán giả thương cho Thy: "Có một người mẹ như mẹ Thy thật là buồn". "Thy mà có thủ đoạn hay trở thành người xấu cũng là do có một bà mẹ như vậy"!

Bà Hoài trong Hãy nói lời yêu lại là kiểu mẹ khác: tình yêu thương của bà với con cái được đánh giá là "dị". Gia đình bề ngoài rất hạnh phúc ấy chứa đựng bầu không khí rất ngột ngạt. Sự áp đặt của mẹ khiến My trong độ tuổi mới lớn khao khát tự do rồi vấp phải những lỗi lầm. Em trai My - vốn yếu đuối - bắt đầu không chịu nổi áp lực phải trở thành niềm tự hào của cha mẹ...

Những tập gần đây, đáng lý ra khi My gặp phải cú sốc lớn trong tình cảm: bị đánh ghen, bị tung clip lên mạng, người mẹ phải an ủi, giúp My đứng dậy, thì lại hành xử theo kiểu đay nghiến con suốt ngày.

Còn câu chuyện của bà dì trong Thương con cá rô đồng thật sự khó cảm thông. Ông bà có câu "sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì" nhưng dì Tư của năm đứa trẻ mồ côi quá ác. Một người dì chẳng biết phải trái, hết đánh rồi chửi, hết ăn cắp tiền của cháu đến cả việc rắp tâm bày mưu cho ông chủ hãm hại cháu mình...

Vậy mà người cháu ấy dù đã trưởng thành vẫn nhẫn nhịn, vẫn bỏ qua, vẫn xem như là không có gì... Xem phim, nhiều khán giả than "bị ức chế", cảm thấy "vô lý"...

Người mẹ trong phim Việt sao... ác thế? - Ảnh 3.

Phim Thương con cá rô đồng

Đáng trách và cũng thật đáng thương

Có thể thấy những phác họa muôn màu về người mẹ đã góp phần mang đến cho màn ảnh nhỏ sự đa dạng, mới mẻ và đời thường hơn, không chỉ đơn thuần một hình mẫu người mẹ truyền thống luôn hy sinh, nhẫn nhịn thường thấy trong các phim trước đó.

Những người mẹ này có thể nắm giữ vai chính, phản diện, làm nhiệm vụ đẩy tình tiết trong phim lên cao trào, hoặc là chất xúc tác cho những nhân vật khác hành động...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, diễn viên Kim Xuân - chuyên trị vai người mẹ - chia sẻ: "Theo tôi, phụ nữ Việt Nam ngày nay có đời sống phong phú, đa dạng, không phải những người phụ nữ hiền lành, chịu cam chịu khổ nữa.

Vì thế hình ảnh người mẹ cũng đã thay đổi nhiều. Phim ảnh phản ánh được điều này. Ví dụ như trong phim Trói buộc yêu thương tôi hóa thân thành người mẹ có địa vị trong xã hội và vì có nỗi đau trong quá khứ nên đã quá khắt khe, độc đoán áp đặt cuộc sống của các con".

Và suy cho cùng những người mẹ ấy lại đáng thương. Như bà Hoài, một người mẹ áp đặt, nhưng hết lòng vì chồng con, nhận được thông cảm: "Những hành động của bà càng làm càng tổn thương cho chính mình và những người thân vì quá bảo vệ cái gọi là hạnh phúc gia đình".

Tuy nhiên, để thuyết phục hình ảnh mới mẻ ấy hẳn không đơn giản, nó đòi hỏi khâu kịch bản phải được xử lý chặt chẽ, hợp lý hợp tình, và nhất là hợp với tính cách và tâm lý của người Việt.

Nghệ sĩ Kim Xuân cũng bày tỏ rằng: "Đúng là trong một số phim Việt đang có hiện tượng hình ảnh người mẹ xấu xí - nhất là hình ảnh mẹ chồng - ngày càng nhiều. Tôi biết đâu đó trong xã hội cũng có những người mẹ không được tốt lắm nhưng đó chỉ là số ít, cá biệt thôi. Nếu tô đậm điều này thì làm xám ngoét cuộc sống. Có kịch bản tôi đọc thấy sao nhân vật người mẹ phi lý quá, giữa con người với con người, người ta còn không đối xử với nhau như vậy, huống chi là mẹ với con".

Trong xã hội không phải không có những người mẹ, người dì như vậy, nhưng chỉ trong thời gian ngắn phim Việt lạm dụng quá đà để câu sự bi thương từ phía khán giả, liệu có gây nhàm chán, thậm chí phản tác dụng vì đi ngược lại văn hóa của người Việt!

Người mẹ trong phim Việt sao... ác thế? - Ảnh 4.

Phim Hãy nói lời yêu

Biên kịch Mỹ Hà: Phim không chỉ cần kịch tính

Việc xây dựng hình ảnh người mẹ xấu xí hay ác để tạo ra kịch tính là kỹ thuật nhằm thu hút khán giả. Nhân vật đó sẽ khiến khán giả... sôi máu, kích động cảm xúc khán giả xem phim. Tuy nhiên cũng cần phân biệt người mẹ ác với ai để bảo vệ cái gì...

Một vấn đề khác chúng ta có thể thấy mức độ phản ánh cái ác đang được thể hiện quá tay. Khán giả xem phim đôi khi sẽ cảm thấy sợ... Tôi nghĩ phim không chỉ cần có kịch tính mà cần có những cảm xúc lắng đọng để lấy nước mắt của người xem, chạm cảm xúc khán giả và thông điệp nhân văn thì tốt đẹp hơn.

Đàn ông Việt quá... yếu, quá tệ trong phim Việt Đàn ông Việt quá... yếu, quá tệ trong phim Việt

TTO - Trong phim Chị chị em em, người chồng tham lam bị vợ trừng trị và vứt bỏ trong tình trạng chỉ còn chiếc quần che thân. Điện ảnh Việt có nhiều mẫu đàn ông tệ và yếu đuối, liệu có "bôi đen hiện thực"?

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên