26/03/2017 14:09 GMT+7

Người mẹ trẻ và giấc mơ làm giàu từ sen

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Những tưởng chị sẽ gục ngã khi dang dở hôn nhân lại thêm nợ nần chồng chất, nhưng vì chị là một người có ý chí sắt đá và đã vượt khó được với đặc sản quê nhà - sen.

Từ chỗ nợ nần, chị Kiều hiện tại đang làm chủ cơ sở sản xuất sữa hạt sen - Ảnh: Ngọc Tài
Từ chỗ nợ nần, chị Kiều hiện tại đang làm chủ cơ sở sản xuất sữa hạt sen - Ảnh: Ngọc Tài

Nghĩ cuộc đời lận đận từ nhỏ nhưng lúc nào cũng tự nhủ với lòng phải vươn lên, vươn lên. Vấp ngã thì đứng lên đi tiếp. Tôi tin rồi một ngày mình sẽ thành công

Chị THÚY KIỀU

Chị là Nguyễn Thúy Kiều, 33 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Ngồi đối diện với chúng tôi là người mẹ trẻ thân hình gầy guộc, đôi bàn tay toàn xương và gân xanh - một đôi bàn tay đặc trưng của những người nghèo khó. Nhưng bù lại nét khắc khổ ấy là một gương mặt sáng bừng.

Chị mặc chiếc áo bà ba màu hồng nhẹ, màu sắc tượng trưng cho loài hoa chị yêu thích - hoa sen. Cuộc đời chị cũng như loài sen, vươn lên từ đầm lầy, phèn chua và không chịu đầu hàng số phận.

Chị Kiều chia sẻ đã lâu lắm chị mới được thư thả ngồi trò chuyện như hôm nay. Thường ngày chị quay cuồng với công việc trong cơ sở chế biến sữa hạt sen cũng chính là sản phẩm chị khởi nghiệp.

“Lúc bắt tay vô làm sữa hạt sen, tôi chỉ mong muốn có thể nuôi sống hai mẹ con, không trở thành gánh nặng của cha mẹ già. Càng làm tôi càng thấy thị trường của thức uống này rất lớn. Tôi kiếm được đồng lời, bà con trồng sen cũng có thêm chỗ tiêu thụ, không sợ thương lái ép giá” - chị Kiều tâm sự.

Quả thực, khi chị bắt đầu manh nha làm sữa hạt sen bán, ngay cả gia đình cũng không đặt quá nhiều hi vọng. Chắc chẳng ai dám tin chỉ nửa năm trước ngày nào chị cũng bôn ba ngoài đường, vượt gần trăm cây số, đi khắp các huyện trong tỉnh rồi cả ngoài tỉnh chỉ để năn nỉ các quán nước lấy sản phẩm của chị.

Sữa hạt sen là thức uống còn quá mới nên nhiều chủ quán nước e dè. Năn nỉ không xong, chị xài chiêu ký gửi. Bán được bao nhiêu chủ quán lời bấy nhiêu. Nhiều bận chị cứ để thùng sản phẩm của mình đã ướp đá cẩn thận rồi quày quả lái xe đi, chủ quán chưa kịp khước từ thì chị đã đi mất.

Mấy tháng đầu chị chấp nhận lỗ vốn để tìm kiếm thị trường. Lâu dần khách hàng uống riết thành quen rồi ghiền. Xây dựng được các điểm bán, chị xin chủ quán dán những tờ quảng cáo nhỏ, nhiều màu sắc để khách ghé quán biết thêm về sản phẩm mới.

Hiện tại mỗi ngày chị cung ứng cho thị trường hơn 1.500 chai và sản phẩm đã vượt ra khỏi địa phận Đồng Tháp, vươn đến Phú Quốc - Kiên Giang và các tỉnh thành Đông Nam bộ.

Khách hàng xa thì chị chuyên chở bằng xe tải nhỏ, còn mối ở gần chị đích thân chạy xe máy đi giao. Hiện tại lợi nhuận từ cơ sở sản xuất khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Ly dị chồng xong, trong túi mình còn đúng 120.000 đồng, lấy tiền này đi khám thai là cháy túi mà còn một đống nợ nần phải trả. Nghĩ cuộc đời lận đận từ nhỏ nhưng lúc nào cũng tự nhủ với lòng phải vươn lên, vươn lên. Vấp ngã thì đứng lên đi tiếp. Tôi tin rồi một ngày mình sẽ thành công” - chị Kiều bộc bạch.

Tuy chưa phải làm ăn lớn nhưng dù sao cũng đã làm chủ, chị Kiều lại không cho phép bản thân nghỉ ngơi. Hết sản phẩm sữa hạt sen mang tên Ba Tre, chị mày mò làm thêm sữa bắp. Cả hai nông sản ở địa phương nhưng đầu ra vẫn còn hạn chế.

Nhiều lần thấy người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để sản xuất gương sen, trái bắp nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, phập phù theo thị trường, chị nghĩ nếu xã hội nhiều người như mình thì người nông dân sẽ bớt khổ hơn do đầu ra của nông sản ổn định.

Vì vậy, chị lại càng vững lòng với việc đầu tư chế biến nông sản của mình là hướng đi đúng đắn.

Điều đặc biệt, hai sản phẩm của chị đều không có phụ gia hay chất bảo quản. Do đó điều kiện bảo quản cũng khá khó khăn, sữa nhanh hư hơn các sản phẩm khác.

Dẫu vậy, chị Kiều tâm niệm có lời ít cũng không sao, miễn cơ sở cung ứng sản phẩm tốt, người tiêu dùng tin tưởng, lấy công làm lời cũng vui lòng.

Không dễ chút nào

Anh Nguyễn Quốc Khánh, cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp UBND xã Phú Cường, cho biết địa phương đang quy hoạch thêm 8ha sen để làm vùng nguyên liệu cho cơ sở sản xuất của chị Kiều.

“Sản phẩm mang thương hiệu đặc sản của địa phương nên xã rất ủng hộ. Bản thân tui cũng phục chị Kiều, biết vươn lên phấn đấu, làm ra sản phẩm thuyết phục được khách hàng để tiêu thụ mỗi ngày hàng ngàn chai là không dễ chút nào” - anh Khánh chia sẻ.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên