![]() |
Chưa đến 10 tuổi nhưng nhiều trẻ em người Mảng đã phải theo cha mẹ làm lụng thế này - Ảnh: Đ.Bình |
Là tộc người bản địa duy nhất ở Lai Châu nhưng người Mảng từ trước đến nay chỉ tập trung sống ở những nơi heo hút, xa xôi nhất, nghèo khó nhất tỉnh. Hầu hết trẻ em người Mảng từ 10 tuổi trở lên đều phải lên nương giúp bố mẹ. Người Mảng thiếu đói quanh năm, nhưng dù nam hay nữ đều biết hút thuốc lào, biết uống rượu. Và chắc chắn cho đến nay, rất nhiều người Mảng vẫn chưa một lần được tận mắt nhìn thấy ôtô chạy trên đường lớn...
Xã "ba không"
"Thủ phủ” của người dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban (Sìn Hồ). Xã này, như lời "cảnh báo" của bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu Sùng A Hồ, hiện là một trong ba xã khó khăn nhất tỉnh, cũng là một trong ba xã của Lai Châu đến lúc này vẫn không điện, không đường, không trạm y tế.
Xã Nậm Ban cách tỉnh lộ 12 (Lai Châu đi Điện Biên) 18km đường rừng núi hiểm trở, cách đi lại an toàn nhất trong những ngày mưa là... đi bộ từ sáng sớm đến tối mịt "chưa chắc đến nơi". Trời không mưa, xe máy có thể đi được, nhưng chắc chắn một điều sẽ không bác xe ôm nào dám vượt 18km đường ấy trong hơn bốn giờ để kiếm 500.000-600.000 đồng tiền công vì quá nguy hiểm. Chỉ những thanh niên bản địa, những chiến sĩ biên phòng, những cán bộ "cắm bản" Nậm Ban mới liều và làm được điều phi thường đó.
Đại úy Phạm Minh Hải (bộ đội biên phòng Lai Châu) - đội trưởng đội công tác cắm bản kiêm chức phó bí thư đảng ủy xã - nói con đường dân sinh dài 18km từ quốc lộ vào trung tâm xã Nậm Ban được mở năm 2000, thực chất chỉ là lối mòn đường rừng, chỗ rộng thì 60-80cm, có chỗ vừa đi vừa vạch lối tìm đường. Suốt 6-7 năm sau (đến cuối năm 2006), mỗi khi phải ra vào xã, mọi người đều mang cuốc xẻng và con dao quắm để vừa đi vừa san đường, phạt cây cối. Sau đó, con đường được mở rộng thêm bằng tiền túi của một người dân buôn dưới Pa Tần (cách Nậm Ban khoảng 35km) để lấy đường chở hàng hóa vào Nậm Ban kinh doanh. Có đường nhưng không phải lúc nào cũng đến được Nậm Ban. Mỗi năm vào mùa mưa đường sạt lở, Nậm Ban gần như trở thành ốc đảo biệt lập với xung quanh...
Đường là vậy, còn điện? Chủ tịch xã Lý A Nhè ngao ngán: "Không biết khi nào dân Nậm Ban có điện nhà nước". Theo chủ tịch Nhè, khoảng 6-7 năm trước, huyện cũng dựng cho cái nhà rồi cử y tá, y sĩ về xã làm nhưng rồi chỉ được 1-2 năm, cái trạm y tế đổ sập sau trận mưa lớn, thế là trạm bị xóa sổ suốt từ đó đến nay.
Đói nghèo
![]() |
Ngôi nhà của gia đình Lý A Hiên trống hoác, ba đứa con đang ngồi đợi bố mẹ khi trời đã quá trưa -Ảnh: Đ.Bình |
Trung tâm xã chỉ có duy nhất trụ sở xã và vài phòng học là tường xây, mái ngói, còn lại đều là nhà mái lá vách gỗ, vách nứa tuềnh toàng, xiêu vẹo. Chủ tịch UBND xã Lý A Nhè tay giở sổ, miệng nói: "Tỉ lệ đói nghèo của xã là hơn 72%, trong đó số hộ nghèo hầu hết rơi vào các hộ dân người Mảng. Có thể nói 100% dân Mảng ở Nậm Ban mình vẫn thuộc diện hộ đói nghèo. Đến hôm nay chỉ cái phòng trọ học của báo Tuổi Trẻ tặng là ngôi nhà duy nhất vách gỗ, mái tôn chắc chắn...".
Theo chủ tịch Lý A Nhè, Nậm Ban có 11 bản, từ bản xa nhất về trung tâm xã mất "sáu giờ người Mông mình đi bộ đấy". Có bản, nếu trưởng bản muốn xuống gặp dân để phổ biến chủ trương cũng mất ba giờ đi bộ. Toàn xã có 447 hộ, với gần 3.000 nhân khẩu, đông nhất vẫn là người Mông (56,5%), đứng thứ hai là người Mảng.
Dẫn chúng tôi vào thăm một nhà người Mảng ngay gần trung tâm xã, đại úy Hải nói đây là ngôi nhà "truyền thống" của người Mảng. Nhà thường dựa trên sườn núi, gần bờ suối, được dựng bằng vài cây gỗ rừng, xung quanh che chắn bằng phên nứa, bao tải, miếng nilông, trên lợp mái bằng rơm rạ, cỏ rừng. Trong mỗi nhà chỉ có vài cái chăn hoa cáu bẩn vứt trên sàn, vài manh áo, cái quần rách rưới treo trên dây. Có lẽ tài sản quí giá nhất của người Mảng chỉ là cái kiềng sắt ba chân và một hai cái nồi nhôm méo mó vứt lăn lóc nơi xó bếp.
Đại úy Phạm Minh Hải buồn bã: "Đất đai ít, dân trí thấp, khả năng canh tác thấp nên dân Nậm Ban thiếu đói quanh năm. Cũng một phần vì ít đất sản xuất nên nhiều người nhàn cư sinh hư. Trai tráng trong xã, cả phụ nữ rất thường uống rượu. Rượu tràn từ nhà nọ sang nhà kia, tràn từ người lớn sang lũ trẻ. Gạo nấu cơm không có nhưng rượu thì Nậm Ban sẵn lắm...".
Bao giờ mới đổi đời?
Bà Lý Thị Chướng - bí thư đảng ủy xã, một người Mảng chính tông - cho biết bao năm nay dân Mảng vẫn sống tự cung tự cấp. "Từ tháng 1-2008, mỗi người Mảng đã được hỗ trợ 10kg gạo/tháng" - bà Chướng nói.
Bà Chướng kể rằng dù đói khổ người Mảng vẫn không bao giờ kêu ca. Từ bao đời nay họ vẫn bám ruộng lúa, nương ngô để sống. Cũng như bao dân tộc khác ở Tây Bắc, người Mảng cũng trồng lúa nương, lúa nước nhưng năng suất thường đạt rất thấp. Ngoài lúa, ngô, người Mảng cũng biết chăn nuôi con lợn, con gà như các dân tộc khác. Tuy nhiên, "người còn không đủ ăn, nói gì đến lợn, gà”, thành ra có nuôi lợn, gà cũng chẳng khá khẩm hơn. Đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Theo bà Chướng, dân tộc Mảng của bà có nét văn hóa na ná người Thái. Tuy có tiếng nói riêng nhưng người Mảng không có chữ viết riêng. Trang phục Mảng cũng gần giống người Thái. Nam thì quần ống, áo cộc tối màu. Nữ thì có váy đen dài gần chấm gót chân, gấu váy có thêu chỉ đỏ sặc sỡ. Nữ có gia đình cũng buộc tóc cao như người Thái.
Ông Nguyễn Anh Đức - phó phòng chính sách Ban dân tộc tỉnh Lai Châu - thừa nhận: người Mảng từ trước đến nay khổ sở, nghèo khó. Tỉnh cũng chưa có chính sách hỗ trợ gì ngoài vài chương trình hỗ trợ "lồng ghép" của Chính phủ thông qua chương trình trồng rừng hoặc kiên cố hóa trường lớp... Mãi đến gần đây, cơ quan này cùng Sở Văn hóa - thông tin (cũ) lập đề án có tổng kinh phí trên 20 tỉ đồng để giúp người Mảng (cùng bốn tộc người dân tộc thiểu số khác như La Hủ, Si La, Khơ Mú, Lự) bảo tồn văn hóa, phát triển giống nòi, xóa đói giảm nghèo... Nhưng tiếc thay, đề án hoành tráng này vẫn nằm trên giấy cả hai năm nay chưa ai phê duyệt.
Trong khi chờ đề án, gần 1.000 người Mảng ở Nậm Ban cũng như hơn 2.500 người Mảng khác ở Lai Châu vẫn đang sống đầy vất vả. Bà bí thư Chướng buồn vì "không biết chờ đến khi nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận