18/07/2011 08:01 GMT+7

Người lao động trở về từ Libya: Nóng lòng chờ tiền hỗ trợ

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH

TT - Theo phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tuần này, tất cả đều nhận được hỗ trợ, trong đó có 5.000 lao động là đối tượng được hỗ trợ chính. Tuy nhiên, trong khi chờ nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, mấy tháng qua cả người lao động và doanh nghiệp đều chịu không ít khó khăn, nợ nần.

Lao động về từ Libya đã có việc làmLao động từ Libya về nước: Được chào mức lương từ 3-20 triệu đồngNhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động trở về từ Libya

Lao đao cảnh nợ nần

Về nhà hơn ba tháng nay, ông Lê Duy Nhâm (50 tuổi, ở thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn không sao quên được những ngày chạy trốn khỏi đất nước Libya bạo loạn. Mới chân ướt chân ráo sang làm được một tháng thì xảy ra chiến tranh, ông được đưa về nước với hai bàn tay trắng, nợ nần chồng chất.

Ông Nhâm thông qua Công ty Sona sang Libya làm việc ở thủ đô Tripoli. Để sang được Libya, ông Nhâm phải vay mượn hơn 40 triệu đồng, nay về nhà chỉ biết trông chờ vào bảy, tám sào ruộng của vợ để làm trả nợ. Từ ngày về đến nay ông Nhâm chỉ được nhận 1 triệu đồng ban đầu công ty cho để về quê. Ông bảo có nghe nói về tiền hỗ trợ nhưng nhiều lần gọi điện cho công ty hỏi thì họ bảo chờ...

Cũng trở về từ Libya trong cảnh nợ nần còn có anh Nguyễn Trọng Hưng (cùng xóm với ông Nhâm). Anh Hưng cũng giống như ông Nhâm, vay mượn làm chi phí đi Libya nhưng chỉ mới được một tháng thì phải về nước vì bạo loạn. Anh Hưng cho biết đến bây giờ mọi chính sách hỗ trợ cho những lao động trở về từ Libya như anh vẫn đang nằm trên giấy. Nợ nần, khó khăn khiến cuộc sống của hai vợ chồng anh đi vào ngõ cụt...

Ông Nguyễn Đăng Dương, trưởng phòng lao động tiền lương, tiền công của Sở Lao động - thương binh và xã hội Nghệ An, cho biết cả tỉnh có hơn 2.000 lao động trở về từ Libya, trong đó hơn 70% mới qua chưa được sáu tháng thì về. Hầu hết lao động là từ các xã nghèo nên đều mang nợ từ 20-30 triệu đồng chi phí khi đi xuất khẩu lao động ở Libya.

Để giúp đỡ phần nào khó khăn cho lao động, tỉnh Nghệ An đã chi 1,2 tỉ đồng hỗ trợ cho 1.200 lao động và chuẩn bị chi thêm để hỗ trợ cho 700 lao động khác.

“Ngày nào lao động hay người thân cũng gọi điện hỏi xem đã có phương án hỗ trợ của Nhà nước chưa, nếu có thì được bao nhiêu. Nhưng chúng tôi cũng chưa biết được khi nào sẽ có hỗ trợ và hỗ trợ bao nhiêu nên động viên họ ráng chờ” - ông Dương nói.

Trên 50 tỉ đồng hỗ trợ

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết trong tuần này sẽ trình Chính phủ phương án hỗ trợ lao động về từ Libya. Theo phương án mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ trình Chính phủ, kinh phí dự kiến hỗ trợ trên 50 tỉ đồng lấy từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm quốc gia.

Lao động trong diện hỗ trợ sẽ chia thành ba nhóm với các phương án hỗ trợ khác nhau: nhóm 1 là những người chưa có thu nhập; nhóm 2 có thời gian làm việc dưới sáu tháng và nhóm 3 làm việc trên sáu tháng. Lao động ở huyện nghèo sẽ được hỗ trợ gấp 1,5 lần so với các lao động khác, việc hỗ trợ dựa trên tính toán chi phí của người lao động khi đi Libya.

“Với người lao động thiệt thòi nhất thì sẽ nhận được hỗ trợ từ hòa vốn đến dư thêm một ít tiền” - ông Hòa nói và cho biết thêm sau khi Chính phủ phê duyệt phương án, việc bồi thường sẽ được triển khai ngay.

Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp có lao động trở về từ Libya cũng đang được xem xét. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, nếu doanh nghiệp phải đền bù môi giới thì rất thiệt hại cho họ, vì vậy tinh thần là Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ cho đối tượng này.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các cơ quan ban ngành liên quan đang xem xét ba phương án hỗ trợ doanh nghiệp: cho vay với lãi suất ưu đãi, cho 1/2 hoặc hỗ trợ một phần, trong đó bộ nghiêng về phương án hỗ trợ một phần.

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên