![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Ảnh: Hồ Văn |
* Tại sao lại xảy ra việc trái khoáy này, ông có thể giải thích thêm?
- Việc này có lý do vì nhiều chủ xưởng may tại Nga là người Việt muốn tuyển lao động nhưng không muốn thông qua đường chính thức để lẩn tránh các quyền lợi của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... và các quyền lợi khác. Việc đi nhanh, dạng visa du lịch đã đánh trúng vào tâm lý “muốn đi nhanh, không tốn tiền” của người lao động nên ai cũng theo. Trong khi đi theo dạng hợp pháp phải qua nhiều thủ tục, đúng với quy định của hai nước và phải có thời gian đào tạo, chờ đợi.
* Vẫn có tình trạng lao động đi theo dạng hợp pháp nhưng sang Nga lại rơi vào xưởng may “đen”?
- Ở Nga, doanh nghiệp đen - trắng cũng mập mờ không rõ ràng. Thường một chủ xưởng người Việt ở Nga vừa đăng ký xưởng may có pháp nhân, đồng thời mở thêm các xưởng may “đen”. Vì vậy, khi họ đăng ký tuyển lao động cho xưởng may hợp pháp nhưng khi qua Nga phần lớn lại đưa lao động về xưởng may “đen” làm việc.
* Làm thế nào để hạn chế, đi đến ngăn chặn tình trạng này, đồng thời có giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động tại Nga?
- Trước hết, cần xác định lao động đi Nga theo dạng du lịch rồi ở lại lao động bất hợp pháp rất khó kiểm soát, việc đi lại là quyền tự do của người dân. Bộ LĐ-TB&XH mà trực tiếp là Dolab chỉ quản lý lao động theo quy định của pháp luật, tức quản lý người lao động xuất khẩu lao động theo đường chính thống.
* Nhưng cũng phải có động thái gì giúp đỡ những người lao động này?
- Chúng tôi đã có nhiều khuyến cáo với các địa phương để ngăn chặn tình trạng tuyển lao động chui. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp với nhiều cơ quan, ban ngành liên quan bàn việc xử lý tình trạng di cư bất hợp pháp không chỉ cho thị trường Nga mà còn ở các thị trường khác.
Trách nhiệm của chúng tôi là tổ chức các kênh tuyên truyền cho người dân nắm rõ thông tin về xuất khẩu lao động, đi thế nào cho an toàn, bảo đảm được quyền lợi của mình... Nhất là tại thị trường Nga, người lao động cần tìm đến các công ty có giấy phép xuất khẩu lao động để đăng ký đi làm việc. Cần đăng ký đi theo các đơn hàng đã được Cục Quản lý lao động thẩm định. Riêng đi theo hợp đồng cá nhân cũng phải đăng ký với Sở LĐ-TB&XH, khi qua Nga cần báo cho lãnh sự quán biết. Ngành lao động cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khi có dấu hiệu tuyển dụng lao động bất hợp pháp đi làm việc nước ngoài thì báo ngay với công an hay chính quyền nhằm ngăn chặn kịp thời, không để người lao động rơi vào bẫy lừa đảo.
* Ông hãy nói thêm về thị trường lao động Nga.
- Ta và Nga có thỏa thuận từ lâu, nhưng hiệp định về di cư lao động thì tổng thống Nga vừa phê chuẩn vào ngày 2-11-2013 và bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định, hai bên thành lập nhóm công tác để triển khai và giải quyết về hợp tác lao động theo pháp luật của hai nước.
Cũng phải nói thị trường Nga rất tiềm năng, rất cần lao động trong ngành may mặc và xây dựng. Lương dao động 400-500 USD/tháng. Tuy vậy, từ trước đến nay có rất ít doanh nghiệp thực hiện đưa lao động đi Nga làm việc, số lượng chỉ tính đến hàng chục, hàng trăm so với số lao động đi chui hàng chục nghìn người. Qua đó có thể thấy việc khai thác thị trường lao động Nga theo dạng chính thống còn hạn chế.
Sắp tới nhóm công tác hai nước sẽ gặp gỡ để bàn về hợp tác sâu hơn, tăng cường hơn việc đưa lao động qua Nga theo dạng chính thống. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần tìm những đơn hàng bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, nhất là phải hạn chế lao động trong nhóm may mặc vì rủi ro rất cao.
Cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành “Chúng tôi đã nhiều lần họp với Bộ Ngoại giao, đề xuất với cơ quan đại diện của ta tại Nga nhiều biện pháp bảo vệ người lao động cũng như hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp. Với người lao động đã qua Nga rồi thì cần tìm cách tiếp xúc, tiếp cận, bảo vệ người lao động, bảo đảm an toàn và quyền lợi cho họ. Đồng thời tìm hiểu kỹ thực trạng để có những khuyến cáo thiết thực, giúp các cơ quan từ trung ương đến địa phương có những biện pháp hạn chế lao động đi theo các kênh bất hợp pháp. Nhưng cũng phải nói tình hình rất phức tạp, cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành, cơ quan để tìm ra biện pháp hạn chế tình trạng lao động chui tại Nga”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận