20/12/2013 09:10 GMT+7

Ra đi tay trắng, trở về trắng tay

Anh Nguyễn Văn Xuân
Anh Nguyễn Văn Xuân

TT - Với chiêu bài lương cao và đi miễn phí, hàng ngàn người lao động đã bị những tay “cò” dụ dỗ qua Nga lao động và trở thành “nô lệ” cho các xưởng may “đen” bất hợp pháp.

Nước mắt Việt ở NgaNga siết chặt Luật di trú ra sao?

3cMVHQKG.jpgPhóng to
Hai chị em Trần Thị Xuyên, Trần Thị Mới buồn bã kể lại chuyện bị bóc lột ở Nga - Ảnh: Hồ Văn

Để con em mình có thể trở về Việt Nam, nhiều gia đình phải bỏ hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng chuộc họ về. Những gia đình nghèo không có tiền chuộc thì con em họ phải ở lại xưởng may “đen” tiếp tục kiếp “nô lệ”.

“Cày” như nô lệ

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, lao động qua Nga bằng đường du lịch là lao động bất hợp pháp. Khi có sự cố xảy ra, khó có cách để can thiệp giúp đỡ. Các lao động này cũng không thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ XKLĐ hay nằm trong phạm vi nhận hỗ trợ của các chính sách XKLĐ khác.

Mới đây, một nhóm 20 người ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã phải về nước sau hơn một năm qua Nga. Họ là nạn nhân của chính người quen trong xóm dụ dỗ qua Nga và bị đưa vào xưởng may “đen” làm việc.

Gặp chúng tôi, Trần Thị Mới (sinh 1986, thôn Lê Bình, xã Phú Xuân) kể: “Tôi và em gái (Trần Thị Xuyên, sinh 1989) được người quen trong xóm giới thiệu qua Nga làm việc từ tháng 6-2012 với hợp đồng miệng 3 năm.

Lúc ở nhà thì nghe ngon ngọt nhưng đến nơi họ bắt tụi tôi làm quần quật ngày đêm, có khi từ 10 giờ sáng hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau, chỉ được nghỉ trong các lần ăn uống. Đầu tắt mặt tối vậy mà tháng nào họ cũng bảo không đủ sản lượng, nên lương ai cũng chỉ đủ trả tiền nợ hằng tháng và chi tiêu tối thiểu. Họ nói để đưa tụi tôi qua Nga họ phải bỏ ra 2.000 USD để lo liệu, vì vậy mọi người phải làm để trả nợ”.

Cùng chung số phận với hai chị em Mới và Xuyên là 18 người khác trong xã phải cày như nô lệ trong hơn một năm mà chủ xưởng vẫn bảo chưa trừ hết món nợ 2.000 USD/người.

Trước đó, hàng chục lao động ở Long Thành, Đồng Nai cũng về nước sau hơn một tháng bị ép lao động như những nô lệ. Theo anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1978, xã Bàu Cát, Long Thành, Đồng Nai), nhóm của anh nghe lời dụ dỗ của một “cò” ở Nghệ An qua Nga làm thợ may với mức lương 500 USD/tháng, tăng ca thì thu nhập đạt 1.000 USD/tháng.

“Nhưng vừa qua tới Nga họ thu giữ hết giấy tờ và bắt chúng tôi ký giấy nợ 2.200 USD/người mà theo các chủ xưởng là chi phí họ bỏ ra lo thủ tục để chúng tôi đến Nga. Ngoài ra, họ bắt chúng tôi phải đóng cho chủ xưởng 1.700 USD/người gọi là tiền khẩu chủ xưởng trả cho chính quyền Nga. Như vậy, mỗi chúng tôi khi đặt chân tới Nga đã phải mang món nợ 3.900 USD và được chủ xưởng “thương tình” cho trừ dần vào lương!” - anh Xuân kể.

Để làm việc trả nợ, anh Xuân và hàng chục lao động khác bị ép buộc làm việc 14-15 giờ/ngày, có những đêm mỗi lao động phải may 20 áo sơmi để chủ xưởng kịp giao hàng. “Còng lưng đạp máy thâu đêm suốt sáng, chỉ được nghỉ trong giờ ăn - theo anh Xuân - Nhiều người mệt mỏi ngủ gục trên máy may thì bị đốc công la hét, thậm chí đánh đập buộc phải làm tiếp”.

Còn chị Đặng Lê Phương Thảo cùng quê với anh Xuân cho biết thêm khi qua tới Nga, họ bị đưa vào xưởng và sống như tù ngục vì không được ra ngoài. Chủ xưởng ra nội quy “nội bất xuất ngoại bất nhập” và còn đe dọa nếu ra đường thì bị cảnh sát bắt ở tù, thậm chí bị ma cô đánh, hiếp...

Cắn răng nộp tiền chuộc thân

"Chúng tôi còng lưng đạp máy thâu đêm suốt sáng, chỉ được nghỉ trong giờ ăn. Nhiều người mệt mỏi ngủ gục trên máy may thì bị đốc công la hét, thậm chí đánh đập buộc phải làm tiếp"

Chịu không nổi sự o ép, bóc lột của các chủ xưởng, kháng cự thì bị đe dọa nên nhiều lao động đành xin phép chủ xưởng nghỉ làm trở về Việt Nam.

Lúc này, các chủ xưởng mới bộc lộ bản chất của những kẻ bóc lột không tình người. Họ buộc các lao động phải làm việc đến khi nào trả hết nợ mới được về, còn không thì báo với gia đình gửi tiền qua “chuộc thân”.

Bà Phan Thị Tịnh (Thừa Thiên - Huế), mẹ của hai chị em Trần Thị Xuyên, Trần Thị Mới, kể lại: “Khi nghe hai con gái điện về kêu gửi qua 60 triệu đồng trả nợ cho chủ xưởng để được về nước, tôi hốt hoảng chạy vay khắp nơi được 60 triệu đồng gửi qua nên hai con tôi mới được về”. Ở cùng xã Phú Xuân, huyện Phú Vang với Xuyên, Mới còn có 20 gia đình khác cũng phải chạy vay tiền để chuộc con về.

Riêng nhóm lao động ở Long Thành, Đồng Nai thì bị chủ xưởng đòi tiền chuộc cao hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Vân, mẹ lao động Đặng Lê Phương Thảo, phải chạy vay 86 triệu đồng để chuộc con cùng người cháu Bích Phượng.

Còn anh Nguyễn Văn Xuân cùng xóm được gia đình gửi qua 28 triệu đồng chuộc thân, trước khi được về nước anh Xuân còn phải ký thêm giấy nợ 32 triệu đồng và chủ xưởng hẹn sẽ cho người tới nhà đòi nợ khi anh Xuân về nước. Một nhóm lao động khác ở Củ Chi

(TP.HCM) và Long An cũng phải cầu cứu gia đình gửi tiền chuộc 2.700 USD/người sang Nga thì các chủ xưởng mới cho về nước. Nhóm này trước khi sang Nga còn phải đóng cho các “cò” lao động 10 triệu đồng/người gọi là phí dịch vụ.

“Cò” là người quen của xưởng may “đen”

Các “cò” môi giới đi Nga thường là người trong xóm hay là người thân của các xưởng may “đen”, có cả những trung tâm dịch vụ lao động cũng tham gia lừa người lao động qua Nga.

Khi nhóm lao động 20 người ở Huế về tới Việt Nam đã kéo nhau lên gặp ông Võ Văn Tuyên (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) yêu cầu giải thích chuyện giới thiệu họ vào xưởng may “đen” ở Nga.

Ông Tuyên lẩn tránh trách nhiệm và cho biết cũng chỉ muốn giúp con em trong xã qua Nga làm việc kiếm tiền, chứ không phải là “cò” môi giới. Ngoài ông Tuyên, các nạn nhân cũng cho biết người lo các thủ tục hộ chiếu, giấy tờ cho họ qua Nga là bà Dung, em ruột chủ xưởng may L tại Nga.

Còn nhóm lao động ở Long Thành, Đồng Nai lại nghe lời dụ dỗ của một “cò” lao động tên Dần từ Nghệ An vào tuyển người. Nạn nhân Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Chính ông Dần làm hộ chiếu du lịch rồi dẫn mọi người ra Hà Nội bay đi Nga.

Qua tới Nga chúng tôi mới biết ông Dần là người quen của chủ xưởng, được chủ xưởng giao nhiệm vụ tuyển người tại Việt Nam rồi đưa qua Nga”. Theo anh Xuân, khi gia đình gửi tiền sang chuộc thân, trở về Việt Nam thì không ai liên lạc được với ông Dần.

Đau nhất là nhóm lao động Củ Chi, Long An khi sập bẫy lừa đảo của Công ty Huy Vũ (đóng tại Đức Hòa, Long An). Chính công ty này đã tuyển dụng rồi đưa chị Nguyễn Thị Thi cùng hàng chục người khác bán cho xưởng may “đen” tại Nga.

Theo chị Thi, Công ty Huy Vũ khoe rằng được một trung tâm xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hà Nội là Vina Handcoop ủy quyền tuyển dụng lao động qua Nga làm việc.

Tin tưởng vào lời dụ dỗ, hàng chục lao động đã đóng cho Công ty Huy Vũ 8 triệu đồng/người cùng với các chi phí khác để được sang Nga làm việc.

“Khi làm việc với chúng tôi, Công ty Huy Vũ có đưa ra các bản hợp đồng tuyển dụng, rồi còn nhờ người từ Hà Nội (mà họ giới thiệu là của trung tâm XKLĐ - PV) về tư vấn. Họ nói sang Nga làm việc lương không dưới 500 USD/tháng, chi phí 2.200 USD/người được công ty lo hết, khi sang làm việc trừ dần vào lương trong ba năm. Nghe vậy chúng tôi mới chấp nhận đi, nào ngờ sa chân vào xưởng may “đen” nên tiền mất nợ mang” - chị Thi uất ức kể lại câu chuyện của mình.

Làm việc với phóng viên Tuổi Trẻ về vụ việc trên, ông Hoàng Phan Huy Vũ (giám đốc Công ty Huy Vũ) khẳng định: “Khoản tiền 8 triệu đồng chúng tôi thu của người lao động là phí dịch vụ môi giới để trang trải các chi phí trong quá trình tuyển dụng, làm thủ tục để đưa người lao động qua Nga cho Công ty Vina Handcoop”.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Vina Handcoop lại cho biết việc tuyển dụng lao động qua Nga làm việc không liên quan gì đến Vina Handcoop. Việc Công ty Huy Vũ tự tiện soạn thảo hợp đồng XKLĐ và thu phí của người lao động là trái luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, “cò” Huy Vũ sau khi lừa nhiều người đi Nga còn lừa thêm hàng chục nạn nhân khác khi hứa với họ đi Nhật, Úc rồi ôm tiền bỏ trốn đến nay chưa nạn nhân nào tìm được.

Anh Nguyễn Văn Xuân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên