20/11/2018 11:07 GMT+7

Người làm ngành y luyện... võ

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Mỗi chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần, ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ), các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng... bỏ lớp áo thầy thuốc, khoác bộ võ phục đen của môn phái Bình Định Gia. Họ bước vào sân tập.

Người làm ngành y luyện... võ - Ảnh 1.

Bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên… Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khởi động bắt đầu buổi tập...

Học võ, rèn luyện sức khỏe giúp các y bác sĩ có thêm bản lĩnh, tự tin hơn, có kỹ năng tự vệ và bảo vệ tính mạng của mình lúc vạn bất đắc dĩ chứ không phải ôm đầu chịu trận

Ông PHẠM VĂN HỌC (CT HĐQT, TGĐ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương)

Những tia nắng cuối ngày tắt dần. Màn đêm ập xuống. Dưới ánh đèn vàng dọc sân tập, lớp sương trắng mờ của núi rừng đang là đà buông phủ. Trên sân tập, tiếng hô dõng dạc, ngắn gọn của huấn luyện viên cứ đều đặn vang lên.

Thỉnh thoảng huấn luyện viên thị phạm, giải thích và chỉnh sửa những động tác chưa chuẩn xác của học viên. Hơn một tiếng trôi qua, lưng áo các môn sinh ướt đẫm.

Lãnh đạo bệnh viện cũng học

Anh Nguyễn Thế Vĩnh, huấn luyện viên môn võ cổ truyền Bình Định Gia ở TP Việt Trì (Phú Thọ), giải thích: mục tiêu lớn nhất của lớp võ này là rèn luyện sức khỏe, độ bền, độ phản xạ nhanh, chính xác; sau mới là các bài quyền, đối kháng, tình huống tự vệ...

Một số lãnh đạo bệnh viện và các phòng, khoa cũng là môn sinh của "lò võ bệnh viện" này. Phần lớn môn sinh đều có tuổi, gân cốt đã cứng nên việc xuống tấn, ra đòn, biểu diễn một số chiêu thức khá khó khăn.

"Vì thế cả thầy lẫn trò đều cố gắng gấp nhiều lần các bạn trẻ" - anh Vĩnh cho biết.

Đang học, điều dưỡng khoa ngoại, anh Trần Trung Kiên, vội vã chạy ra sân, tay cầm tấm phim chụp X-quang đưa cho điều dưỡng trưởng khoa ngoại Đặng Ngọc Hà.

Đó là kết quả chụp X-quang một bệnh nhi 15 tuổi bị gãy xương. Lớp võ tạm dừng gần một phút. Coi phim xong, điều dưỡng trưởng Đặng Ngọc Hà xin dừng học để chạy về bó bột cho bệnh nhân.

Lát sau, điều dưỡng Kiên lại chạy ra xin cho thêm điều dưỡng, kỹ thuật viên ngoại khoa Nguyễn Văn Quân vào hỗ trợ. "Ca này khó, phải cần hai người chạy về kéo nắn, bó bột cho bệnh nhân" - điều dưỡng Kiên nói như giải thích với huấn luyện viên Nguyễn Thế Vĩnh.

19h30. Rời sân võ, cả lớp ào về khu căngtin. Bữa cơm cho lớp võ được ưu tiên có khẩu phần dinh dưỡng cao hơn ngày thường một chút.

Người làm ngành y luyện... võ - Ảnh 3.

... và được huấn luyện viên Nguyễn Thế Vĩnh (trái) hướng dẫn thế võ - Ảnh: M.Lăng

Tinh thần thượng võ

"Lớp võ này có từ cuối năm 2012. Lúc đó nạn bạo hành y tế chưa xảy ra quá nhiều như hiện nay..." - ông Phạm Văn Học (chủ tịch hội đồng quản trị - tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) cho biết.

Đây là bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa. Đời sống văn hóa tinh thần của y bác sĩ nghèo nàn. Ra khỏi bệnh viện không có gì để vui chơi.

Ngoài thể thao như đá bóng, cầu lông... và các hoạt động ca múa hát cải thiện đời sống văn hóa tinh thần thì võ là cách nâng cao thể lực, thể chất.

"Bác sĩ, điều dưỡng... cũng cần phải có sức khỏe. Sau này khi nạn bạo hành y tế hoành hành, nhiều thầy thuốc bị hành hung, lớp võ được chú trọng hơn.

Học võ, rèn luyện sức khỏe giúp các y bác sĩ có thêm bản lĩnh, tự tin hơn, có kỹ năng tự vệ và bảo vệ tính mạng của mình lúc vạn bất đắc dĩ chứ không phải ôm đầu chịu trận" - ông Học nói.

Thời gian đầu, suốt nửa năm để duy trì tính kỷ luật và hình thành thói quen cho học viên, lớp võ học liên tục từ thứ hai đến chủ nhật. Mỗi ngày học hai lần: 4h sáng và 17h30.

Sau đó khi nền tảng thể lực đã có, lớp chuyển sang chế độ duy trì thể lực, thời gian học giãn ra, một tuần học hai ngày và chỉ học vào buổi chiều tối.

"Trước đây, bệnh viện mời võ sư từ Hà Nội lên. Sau đó bệnh viện cử người xuống Xuân Mai (Hà Nội) học, trực tiếp là một sĩ quan đặc công. Thậm chí có lần chỉ có một điều dưỡng mới về, chúng tôi cũng gửi đi học võ ba tháng trước rồi mới về bệnh viện làm việc" - ông Học kể.

Bây giờ sau sáu năm duy trì lớp võ, phần lớn các buổi tập luyện là "quân nhà mình" tự dượt với nhau. Có những buổi mời huấn luyện viên từ TP Việt Trì, cách bệnh viện 60km.

Lớp võ hiện trong giai đoạn tập trung vào những bài phòng thủ, những thế võ mang tính đối kháng để tăng khả năng tự vệ. Sân tập đối diện với khu nhà điều trị, bệnh nhân và người nhà tuần nào cũng ra hành lang coi các thầy thuốc đấu đối kháng với nhau.

Tăng cường thể lực và phục vụ bệnh nhân

Năm đầu tiên, lớp võ chỉ có 60 học viên. Có những bác sĩ đã 40-50 tuổi vẫn đi tập. Nhiều người đã có gia đình vẫn cố gắng tham gia. Hiện nay lớp võ có 135 học viên, trong đó 100 học viên là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, còn lại là nhân viên an ninh.

Ở đây, học viên được trải nghiệm nhiều môn võ, từ võ cổ truyền đến võ hiện đại, võ tổng hợp, ngoài môn phái Bình Định Gia còn học cả kick boxing và muay Thái.

Anh Nguyễn Văn Quân, điều dưỡng, kỹ thuật viên khoa ngoại, cho biết: "Thời gian đầu tập cường độ nặng, nhiều người tập xong không đứng nổi. Mới học vất vả lắm vì trước đó lười vận động, giờ tập nhiều động tác khởi động, động tác ép dẻo nên các cơ mỏi, đau nhức.

Sau một tháng, các triệu chứng này giảm dần. Bây giờ ai cũng ham học vì sức khỏe được cải thiện rõ rệt".

Quân cho biết thời gian làm việc của nhân viên y tế ở đây khá căng, nhưng từ lúc tập võ "mình thấy người khỏe hơn hẳn, dẻo dai hơn, tự tin hơn nhiều". Quân nói từ lúc có "chút võ phòng thân" không chỉ dẻo dai, tăng độ bền mà còn cả tự tin.

"Ở bệnh viện mình, anh em y bác sĩ học võ để tự vệ là chính, học để có sức khỏe tốt mà làm việc, không phải học để thi đấu nên không có lên đai lên hạng gì hết" - anh Nguyễn Văn Quân chia sẻ.

Về bệnh viện từ năm 2016, cũng là thời gian bác sĩ Giang Tiền Trung (phó khoa chẩn đoán hình ảnh) đăng ký lớp võ.

"Một ngày của mình bắt đầu từ 6h30-17h, ngồi nhiều, trước không vận động nên người mỏi mệt, hôm sau làm việc cứ uể oải. Học võ là cách gián tiếp giúp mình phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn thì làm việc hiệu quả hơn" - ông nói.

Chủ động xử lý tình huống

doi khang 12 4(read-only)

Bữa cơm tối của các học viên lớp võ sau buổi tập - Ảnh: M.L

"Từ khi có sân võ đến nay, tụi mình chỉ gặp một tình huống bị tấn công" - anh Lê Anh Tiến, đội trưởng đội an ninh, cho biết. Câu chuyện đó xảy ra vào ca trực ngày 29 tết năm vừa rồi...

Lúc đó khoảng 10h sáng, anh Nguyễn Tài Ba (nhân viên lái xe cấp cứu) và một điều dưỡng đi cấp cứu một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Bệnh nhân rất nguy kịch, phải bóp bóng, nguy cơ tử vong rất cao.

"Khi về đến địa phận xã Chí Đám, cách bệnh viện 3km, có ôtô đi phía trước không chịu nhường đường dù mình đã phát các tín hiệu cấp cứu ưu tiên và còi xe rất to. Mình sốt ruột, vượt qua nhưng phía trước có xe ngược chiều, bắt buộc phải đánh lái vào.

Chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu xong quay ra, mình thấy một anh mặt đỏ sừng sộ bảo "hồi nãy mày dám tạt qua đầu xe tao", vừa nói vừa lao vào vung tay đánh. Mình né và đỡ được mấy cái..." - anh Ba kể.

Trong vòng mấy giây, Nguyễn Tài Ba và hai nhân viên an ninh bệnh viện phối hợp khóa tay người tài xế ôtô hơi đang bị kích động, đưa vào phòng an ninh, mời công an xã đến xử lý.

Sau khi nghe phân tích, người đàn ông đó thừa nhận sai và xin lỗi. Khi đó, anh ta chưa biết bệnh nhân đã tử vong vì chấn thương quá nặng...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên