28/08/2011 06:12 GMT+7

Người hát ca trù dưới chân Hồng Lĩnh

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hơn 10 năm trước, rất nhiều người đã được nghe tiếng hát của bà Phan Thị Mơn vang lên trong phim Ngã ba Đồng Lộc. Bây giờ, nghệ nhân Phan Thị Mơn đã ở tuổi 89, tiếng hát của bà vẫn vang lên đầy mê say như hơn chục năm trước. Dù bà Mơn đã già yếu hơn, lưng còng hơn và đôi mắt thì đã mù hẳn...

ZtmdrHMK.jpgPhóng to

Ở tuổi 89, bà Mơn thường ngồi lặng thinh trước nhà hồi tưởng về thời vàng son của ca trù - Ảnh: T.Lụa

Kỳ 1: Xoan không có tuổiKỳ 2: Nỗi niềm bà Cầu

Ngậm trong lòng những câu hát

Chúng tôi về Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào một buổi chiều nắng rát. Làng quê nghèo được bao bọc bởi trước mặt là núi, sau lưng là biển và xung quanh là những đồi cát trắng mênh mông. Cổ Đạm được xem là cái nôi của ca trù. Người dân ở đây còn lưu truyền câu chuyện chàng trai nghèo Đinh Lễ được một vị tiên ban cho khúc gỗ để đẽo thành cây đàn, khi đẽo xong, tiếng đàn hay đến nỗi chim cá cũng ngẩn ngơ. Người vợ là công chúa câm, nhờ nghe tiếng đàn mà nói và hát được. Rồi hai vợ chồng trở thành cặp ca nương, kép đàn đầu tiên của làng. Họ cùng nhau dạy đàn, dạy hát cho dân trong vùng. Lúc chết, họ được thờ làm tổ sư. Bất chấp sự nghèo khó của dải đất miền Trung này, ca trù Cổ Đạm vẫn âm ỉ cháy. Bà Phan Thị Mơn và Nguyễn Thị Nga là những nghệ nhân ca trù đầu tiên của làng.

“Cô có ghi âm không? Bà hát cô nhớ ghi âm lại để sau này ca trù khỏi thất thoát, bà cũng không còn sống được bao lâu nữa. Mà ca trù nhiều bài hay và ý nghĩa lắm cô ạ!”, bà Mơn nói. Rồi bà hát: Tương tư nhất dạ mai huê phát/Ư hự/Gió thoảng đưa như quạt cơn sầu/Này là người trí thức đi đâu/Ngày chẳng thấy ba thu xem lặng đặng...

Dù đã gần 90 tuổi nhưng khi bà Mơn cất lên tiếng hát, người nghe cứ ngỡ đó là tiếng hát của cô gái tuổi đôi mươi. Giọng hát của bà còn ngọt và trong lắm! Câu hát vẫn tròn vành vạnh từng lời. Khi hát, cổ họng bà rung lên bần bật như phải dùng hết chút sức lực yếu ớt còn lại. Hát xong một bài, bà Mơn dừng lại thở thật lâu. Dường như hiểu được sự ái ngại của người khách từ xa tới, bà phân trần: “Người hát ca trù là rút ruột mình ra hát đấy cô ạ! Mỗi loại một cách hát khác nhau, như hát ru thì phải thủ thỉ, nhẹ nhàng, dùng hơi ở vòm họng. Còn hát ca trù phải hát bằng cái hơi trong bụng, cứ ư hử, ư hừ là nén hơi trong bụng rồi mới bật ra tiếng hát. Cái khó là chỗ ấy nên không phải ai cũng hát được ca trù. Giờ bà già yếu rồi, không hát được như ngày xưa nữa...”.

Ngày xưa ấy, trong trí nhớ của bà, là khi mới lên 8 tuổi đã cùng mấy chị em trong xóm tới nhà thầy Phan Hưng để học hát. Học trò đi học hát toàn con nhà nghèo lại mù chữ, ngày đi cắt cỏ, chăn trâu, đốn củi, đêm lại tới nhà thầy học. Thầy đọc lời hát trước, học trò phải học thuộc lời sau đó mới học điệu hát, cách hát. Khi thuộc nhuần nhuyễn một bài hát mới bắt đầu học ghép phách, ghép trống. Đến năm 18 tuổi, bà Mơn đã thuộc hết những làn điệu ca trù. Bà cùng với gánh hát của ông Phan Hưng đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung kỳ với vai trò là ả đào chính. 20 tuổi, bà được mời vào cung hát tiến vua Bảo Đại với tất cả niềm tự hào của một ca nương trẻ.

“1953, cải cách ruộng đất nổ ra. Đền Xứ - nơi tụ họp hát ca trù của người dân Cổ Đạm cũng bị ngưng hoạt động, gánh hát của bà tan rã từ đó”, bà Mơn bồi hồi nhớ lại. Bà trở về quê lo việc đồng áng để kiếm sống và nuôi con. Từ đi làm ruộng, làm thuê, đến khi trái mùa thì bắt tôm, bắt cá... Những năm tháng vất vả, ngược xuôi ấy không làm bà quên đi một bài ca trù nào. Người đàn bà ấy đã ngậm trong lòng những câu hát một thời. Những khi ra ruộng cấy lúa, trồng khoai, bà lại ngân nga một mình. Bà dùng những câu hát ấy để ru con vào những đêm khuya thanh vắng. Hòa bình lập lại, ca trù với sức sống mạnh mẽ của nó dần bùng lên. Những bạn học ca trù một thời với bà Mơn như cô Xợp, cô Tam, cô Thọ... lại tụ họp nhau hằng đêm để truyền nhau câu hát.

Tiếc nuối một tiếng đàn

Năm 2000, người làng Cổ Đạm thấy bà Mơn chống gậy đến từng nhà vận động các em nhỏ học hát ca trù. Bọn trẻ vốn không mấy mặn mà với việc hát những bài ư hử, ư hừ nhưng trước cái tâm của bà, chúng kéo nhau đi học. Lớp học ca trù miễn phí đầu tiên của bà Mơn ra đời như thế. Phòng học là gian nhà ẩm thấp của bà, rộng chưa đến 15m2. Học trò phải xếp hàng ngồi tràn cả ra sân. Bà bảo: “Thời nay các cháu biết chữ nên việc học hát cũng nhanh hơn nhiều. Đọc lời hát, chúng ghi rồi đọc thuộc, học nhanh hơn thời bọn tôi không biết chữ”.

Đến nay, nhiều thế hệ học trò đã lớn lên, bà Mơn thì ngày càng già yếu. Bà không còn đủ sức để dạy ca trù cho đám trẻ trong làng được nữa. Những học trò đầu tiên của bà nay dạy lại cho thế hệ nhỏ hơn. Với bà Mơn, đó như là một niềm an ủi lớn. Năm ngoái, khi đôi mắt bà mù hẳn, người con trai đón bà về ở cùng. Cuộc sống của bà vất vả và nghèo như rất nhiều nghệ nhân khác, sống nhờ trợ cấp dành cho người cao tuổi là 180.000 đồng/tháng.

“Bà có tự hào về danh hiệu nghệ nhân của mình không?”, chúng tôi hỏi. Bà cười: “Tôi chộ (thấy) người Hà Nội về phát cho mình một cái thẻ. Năm ngoái, năm nay có nhiều nhà báo về thăm, bảo tôi là nghệ nhân nên tôi mới biết mình là nghệ nhân thôi cô ạ”.

Những lúc khỏe bà Mơn gọi con cháu tới để dạy ca trù nhưng không đứa nào chịu học. Bà buồn rầu bảo: “Lũ trẻ bây giờ thích học chữ hơn là học hát ca trù”. Câu chuyện bà được đi hát khắp nơi, từ Nam ra Bắc, từ lễ hội đình chùa tới việc được vào cung hát cho vua nghe đã không còn đủ hấp dẫn để níu chân lũ trẻ ngồi bên bà như trước đây. Ở tuổi 89, bà Mơn ít nói ít cười. Bà thường ngồi lặng ở cái chõng tre trước nhà để suy gẫm, hồi tưởng về một thời vàng son của ca trù. Một đám trẻ con đi ngang qua ngõ, chúng nghêu ngao một câu ca trù. Bà hướng đôi mắt ra phía có tiếng hát rồi hỏi: “Đứa mô đó bây, hát sai rồi, vô đây bà bày (dạy) cho”. Không biết lũ trẻ có nghe thấy lời bà hay không, nhưng chúng có ngoái đầu lại rồi đi thẳng...

__________________

Cả cuộc đời ông dành trọn tâm huyết cho niềm say mê duy nhất: nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái. Ở tuổi 79, tài sản lớn nhất của ông là sáu điệu xòe Thái cổ và hàng trăm tác phẩm văn, thơ từ tiếng Thái cổ được ông dịch ra tiếng quốc ngữ...

Kỳ tới: Pho sử sống của dân tộc Thái

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên